Lạc bước Tả Liên Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lạc bước Tả Liên SơnTừ khi Fansipan - nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143m - có cáp treo, những tín đồ mê leo núi đã chuyển sang chinh phục các đỉnh khác, trong đó có đỉnh Tả Liên Sơn với độ cao 2.996m ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu.

 

Biển mây bao la trên đỉnh núi - Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG
Biển mây bao la trên đỉnh núi - Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG



Cách Hà Nội khoảng 400km và cách TP Lai Châu 8km, đến với Tả Liên Sơn, du khách như lạc vào cánh rừng nguyên sinh hoa lá, cỏ cây tuyệt sắc, rồi lên đỉnh thả hồn vào biển mây hùng vĩ.

Khám phá "khu rừng cổ tích"

Chúng tôi đến tập kết tại bản Tả Lèng, xã Tả Lèng trong buổi sáng cuối thu tiết trời se se lạnh, có nắng nhẹ. Hai chàng trai người Mông tên Giàng A Lủ và Phàn A Hoan đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thức uống cho cả nhóm trong hành trình hai ngày một đêm.

Bản nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là điểm xuất phát quen thuộc của những đoàn leo Tả Liên Sơn. Du khách phải thuê những người Mông bản địa am hiểu thời tiết, địa hình để dẫn đường kiêm khuân vác hành lý.

Ngay từ đoạn đầu rời bản lên núi, chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi phong cảnh khoáng đạt của những thửa ruộng bậc thang do bà con dân tộc Mông canh tác lâu đời. Từ sườn núi nhìn xuống, mọi người được chiêm ngưỡng bản nhà sàn, nhà trình tường đắp đất của đồng bào xen giữa ruộng lúa mới xanh mơn mởn.

Phàn A Hoan cho biết ở các xã Tả Lèng và Hồ Thầu dưới chân núi Tả Liên hầu hết là người Mông sống bằng nghề nông nghiệp và đi rừng. Mấy năm nay có khách du lịch cả Việt Nam và nước ngoài tới thuê dẫn đi núi, một số thanh niên trong các bản cũng có thêm nghề phụ để mưu sinh.

Vừa trò chuyện vừa leo dần theo lối món, gần trưa chúng tôi tới được độ cao 2.000m. Không khí bắt đầu lạnh và ẩm ướt hơn với thảm thực vật nguyên sơ và vô cùng phong phú. Chúng tôi như lạc vào khu rừng với những cây cối, phiến đá bao phủ đầy rêu xanh, dương xỉ. Có những thân cây dẻ khổng lồ với gốc 3-4 người ôm đã bị rỗng ở giữa, vài ba người có thể chui lọt vào bên trong. Lại có cây cổ thụ bị xâm lấn bởi rêu, tán cành như biến thành con quái vật khổng lồ đang vươn mình đe dọa cuốn lấy người đi rừng.

Thi thoảng cả nhóm lại băng qua một con suối, thác nước với những phiến đá rêu cỏ xanh mướt, êm ru. Không còn gì tuyệt vời hơn khi được thử ngả lưng trên một thân cây hay phiến đá để thư giãn dưới bóng râm của rừng già nguyên sinh.

Thời tiết, khí hậu Tả Liên Sơn biến đổi vô cùng chóng vánh. Đang trong khu rừng sương gió mù mịt, nhưng ở độ cao mới ngay sau đó, chúng tôi lại bắt gặp khung cảnh trời xanh quang đãng với nắng vàng xuyên qua tàu lá.

Cuối thu đến đầu đông, khi những cơn gió lạnh phương Bắc tràn về cũng chính là mùa thay lá của cánh rừng phong nơi đây. Cây phong thường xuất hiện ở các nước có khí hậu ôn đới ở vùng châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ... Còn ở đây rừng phong xuất hiện với vẻ đầy bất ngờ hoang dại. Ở Tả Liên Sơn, rừng phong nằm rải rác từ độ cao 2.000-2.500m so với mực nước biển. Mùa lá phong đồng loạt đổi màu từ xanh sang vàng rồi đỏ là vào tháng 11-12 dương lịch.

Sau hành trình khoảng 10 tiếng leo núi liên tục với vài lần nghỉ tiếp sức đến lúc mặt trời lặn sau núi, chúng tôi tới được lán ngủ của người Mông dựng ở độ cao 2.400m so với mực nước biển.


 

Gốc cổ thụ bị rỗng ở giữa, rêu và cỏ bám đầy - Ảnh: CHÍ DŨNG
Gốc cổ thụ bị rỗng ở giữa, rêu và cỏ bám đầy - Ảnh: CHÍ DŨNG



"Đùa giỡn" với mây trời

Sáng hôm sau thức dậy giữa cánh rừng "cổ tích", mọi người đều cảm thấy tràn trề năng lượng. Bầu trời trong xanh với những tia nắng vàng đầu tiên xuyên qua tán lá phong đỏ rực. Mọi người cố gắng thư giãn, hà hít thứ không khí trong lành, tinh khiết nhất lúc ban sớm.

"Từ đây lên đỉnh là cung đường leo gian khó nhất, mọi người phải băng qua những hốc cây, hốc đá, rồi vượt qua các bụi trúc, bụi cây rậm rạp. Các anh chị phải cẩn trọng bám đoàn và điều chỉnh nhịp thở, tập trung đều để vượt qua những đoạn dốc, nguy hiểm" - Phàn A Hoan nhắc nhở mọi người trước khi xuất phát.

Quả thực vậy, chúng tôi phải băng qua những đoạn đường mòn rất dốc, đôi khi vượt qua các phiến đá rêu trơn trượt. Đến đoạn bụi trúc, tre rậm rạp, những chàng trai hướng dẫn người Mông phải dùng dao đem theo để phát cây, mở đường. Mọi người phải đeo găng tay, đổi trang phục gọn nhẹ, che kín da thịt để phòng gai tre, ngọn cây đâm phải. Cả nhóm bám đuôi nhau luồn lách, có lúc phải cúi người đi từ từ qua những đoạn rừng trúc đan nhau chằng chịt.

Đến gần đỉnh núi, một khu rừng chè cổ thụ hiện ra chắn lối. Bà con dân tộc Mông ở xã Tả Lèng và Hồ Thầu vẫn thường leo núi tìm đến rừng chè ở độ cao 2.500-2.700m này để hái những búp non, nguyên liệu cho những sản phẩm chè vô cùng tuyệt hảo.

Sau những đoạn vượt rừng rậm hay băng qua những tán chè cổ thụ, đến gần trưa đỉnh Tả Liên Sơn cũng hiện ra trong sự vỡ òa cảm xúc của đoàn. Chóp inox với thông số 2.996m xuất hiện giữa rừng. Chỉ cần đứng trên một thân cây lớn gần chóp inox là chúng ta đã vươn tới độ cao 3.000m so với mực nước biển.

Từ trên đỉnh Tả Liên Sơn vào những ngày trong trời, du khách có thể nhìn thấy TP Lai Châu ẩn hiện dưới dải núi trùng điệp. Khi chúng tôi đến đỉnh, tuy nắng đã lên cao vút nhưng cả biển mây phía trước vẫn chưa chịu tan biến. Mây trắng bồng bềnh phiêu lãng, che kín cảnh vật rừng núi, thung lũng. Có lẽ chỉ những đỉnh núi cao như Bạch Mộc Lương Tử hay Pu Ta Leng phía đối diện (cách 6km đường chim bay) mới đủ sức vươn mình nhô lên khỏi biển mây.

Đứng trước cảnh vật như chốn bồng lai tiên cảnh, cảm giác trong mỗi người đều sung sướng tột độ. Mấy anh chàng trong đoàn còn làm động tác bay lên cao để phi ra chơi đùa với mây trời. Đi trọn hành trình khám phá cánh rừng Tả Liên Sơn hoang sơ, chinh phục thành công đỉnh núi giữa biển mây là một trong những trải nghiệm thú vị mà du khách sẽ không thể nào quên.


 

Chóp inox ghi độ cao 2.996m của đỉnh núi
Chóp inox ghi độ cao 2.996m của đỉnh núi


Chuẩn bị

* Du khách cần tập thể dục đi bộ cường độ cao, có thể tập leo cầu thang bộ trong 3-6 tháng trước hành trình.

* Tìm hiểu trước về thời tiết, địa hình để có sự chuẩn bị tốt về trang phục, đồ đạc (các thứ như: giày leo núi, đèn pin, áo mưa, mũ, găng tay, đồ sơ cứu y tế... là không thể thiếu).

* Di chuyển từ Hà Nội lên TP Lai Châu bằng xe khách giường nằm, thuê xe vào xã Tả Lèng. Từ trung tâm xã khách đi xe ôm 8km đến chân núi để xuất phát.

* Thuê các porter người Mông dẫn đường, khuân vác (một porter dẫn và khuân vác đồ cho ba khách với giá 350.000 đồng/khách/ngày).

Theo NGUYỄN HƯỜNG - GIÀNG PHÁO  (TTO)

Có thể bạn quan tâm