Lạm bàn chuyện cây xanh Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một trong những tiêu chí để đạt chuẩn của một “đô thị xanh” nên việc xây dựng một không gian xanh trong Pleiku là hết sức cần thiết. So với nhiều đô thị khác trong cả nước, Pleiku đã có những khoảng xanh đáng ganh tỵ nhưng chuyện “mặc áo đẹp” cho phố quả không dễ khi qua bao nhiêu năm là bấy nhiêu lần thay đổi sự lựa chọn loại cây trồng, bởi sau khi “thử nghiệm” mới phát hiện ra những hạn chế của từng loại cây…

Nhớ khoảng năm 2000 trở về trước, thành phố rộn rịp trồng cây bàng, cây bằng lăng trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Quyết Tiến, Hùng Vương… Tuy vậy không lâu sau đó lại rộn rịp… triệt hạ, bởi  loại cây này khi trưởng thành lại phá vỡ kết cấu vỉa hè, mùa lá rụng trơ thân làm cho đường phố vừa bẩn vừa như… trơ trụi theo. Riêng bằng lăng tới mùa hoa nở tím khiến phố trở nên đẹp hơn, dịu dàng hơn, nhưng cũng… bẩn hơn khi dưới gốc là sâu, rầy, nhựa đen khiến mỹ quan thành phố bị giảm không ít.

 Thông trên đường Lý Thái Tổ (TP. Pleiku). Ảnh: K.L
Thông trên đường Lý Thái Tổ (TP. Pleiku). Ảnh: K.L
Thay cho các loại cây có quá nhiều khuyết điểm, thành phố quyết định trồng mới hơn 43.000 cây xanh các loại như: Sao đen, dầu rái, long não, thông 3 lá, xà cừ… Trước mắt, thành phố trồng thử nghiệm gần 350 cây thông di thực trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Wừu, Hai Bà Trưng để tạo không gian xanh đô thị và lấy lại đặc trưng vốn có của một thành phố Tây Nguyên với bạt ngàn thông. Được biết thời điểm hiện tại, mỗi cây thông di thực có giá khoảng trên 2 triệu đồng. Sau một thời gian chăm sóc, thông lớn nhanh nhưng dễ ngả nghiêng do mất phần rễ cọc, cây không thể cắm sâu vào lòng đất. Còn cây xà cừ có ưu điểm là lớn rất nhanh nhưng cũng từ ưu điểm này đã sinh ra hàng loạt khuyết điểm khác là không đủ độ dẻo dai, giòn, dễ ngã đổ. Lại phải chuyển đổi!


Năm 2009, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo về việc trồng cây xanh. Theo đó, để việc trồng cây xanh đường phố đảm bảo tính mỹ quan, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, không gian đô thị, an toàn giao thông, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và mang bản sắc của địa phương phải đảm bảo nhiều yêu cầu. Trước tiên, loại cây trồng phải là các cây sao đen, dầu rái, thông 3 lá và cây long não. Cây trồng đường phố được ươm trong túi bầu có chiều cao tối thiểu từ 2 mét trở lên, đường kính gốc từ 5 cm trở lên, cây không bị khuyết tật (không di thực). Bên cạnh đó phải tính đến quy hoạch mở rộng đường, làm cấp thoát nước, công trình đường điện ngầm không ảnh hưởng đến cây trồng. Sau khi trồng, phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời trồng lại những cây bị cụt ngọn, chết.

Trước đó, đề án trồng cây xanh thành phố Pleiku giai đoạn 2008-2010 đưa ra chỉ tiêu: Hết năm 2010 sẽ trồng mới gần 24.600 cây xanh các loại. Nhưng theo báo cáo năm 2010, thành phố chỉ trồng được gần 11.000 cây, đạt 44% kế hoạch; một số tuyến đường cây trồng còn chưa thẳng hàng, khoảng cách không đều nhau, cây không thẳng, tán chưa đẹp. Hơn vậy, tỷ lệ cây chết sau khi trồng vượt so với dự toán cho phép là 10%. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chung quy cũng bởi giống chưa đạt yêu cầu, ý thức bảo vệ, chăm sóc của người dân chưa cao, vị trí trồng cây bị vướng do việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và phần nữa do thông và long não rất khó sống khi di thực (tỷ lệ chết trên 30%)…

Pleiku là đô thị có mật độ công trình dày, dân số đông, do vậy, trồng nhiều cây xanh trên các đường phố là điều hết sức cần thiết để cải thiện môi trường và tiểu khí hậu. Theo đó, ở không gian này, loại cây trồng phải là cây có bóng mát, đẹp nhưng ít rụng lá, quả để giữ vệ sinh; cây có rễ cọc để giữ cho vỉa hè bằng phẳng, ít hư hại; cây có độ dẻo dai, độ cứng lớn, ít bị gãy cành… để hạn chế những tác hại cho người đi đường và các công trình hai bên đường. Ông Vũ Tiến Anh-Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Pleiku cho biết: “Hiện thành phố thống nhất trồng các loại cây long não, sao đen, dầu rái, nhạc ngựa và thông. Một số tuyến đường mới chưa có cây xanh như Nguyễn Tất Thành, Anh Hùng Núp, Lê Duẩn… sẽ trồng 100% thông. Các tuyến đường khác như Trần Hưng đạo, Nguyễn Văn Cừ, Wừu, khu vực Quảng trường sẽ trồng thông dặm vào những cây bị chết. Hiện nay loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mỹ quan thành phố đã xác định được, những kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng không còn là vấn đề mà điều quan trọng nhất lúc này là ý thức của người dân...”.
 
Kim Linh

Có thể bạn quan tâm