Làm báo thời kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi trong nhóm những người được giao nhiệm vụ đi tìm lại những tư liệu, nhân chứng sống của Báo Gia Lai trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cũng như sau ngày thống nhất đất nước để góp phần vào đề tài nghiên cứu Lịch sử Báo chí cách mạng Gia Lai.

Trong đó, nhiều sự kiện lịch sử, tư liệu cần thiết đã bị thời gian khỏa lấp, nhiều nhân chứng trực tiếp đã về cõi vĩnh hằng mang theo những sự thực lịch sử không gì bù đắp được, gây không ít khó khăn cho những người tìm hiểu, nghiên cứu sau này. Nhưng cũng may mắn thay, chúng tôi còn kịp thời tiếp cận được với một số cán bộ kháng chiến còn lại, trong đó có nhiều người là lãnh đạo, người trực tiếp làm báo Gia Lai trong những ngày chiến tranh ác liệt. Chúng tôi xem đó là những tư liệu sống quý giá, là hạt nhân của nhiều sự kiện lịch sử của báo chí địa phương. Đó là những con người đầy tâm huyết, như: Nguyễn Thái Thưởng, Đỗ Hằng, Ngô Thành, Ngô Sĩ, Nguyễn Văn Bồng, Trần Văn Cư…

 

Chụp hình chung với vợ chồng ông Nguyễn Thái Thưởng.
Chụp hình chung với vợ chồng ông Nguyễn Thái Thưởng.

Chúng tôi rất mừng khi đến Phú Lộc-Thừa Thiên-Huế và được gặp lại ông Nguyễn Thái Thưởng. Mặc dù đã ngoại bát tuần nhưng vợ chồng ông còn khá linh hoạt và minh mẫn. Ông Thưởng còn nhớ đến từng chi tiết, viết chữ khá đẹp và không run tay. Đó là một trong những người thực hiện tờ Thông tin Gia Lai và tờ báo Sáng đầu tiên, in litho ở Vĩnh Thạnh-Bình Định. Ông Thưởng kể rằng, giữa tháng 7-1946, ông cùng một số cán bộ cách mạng, từ Phù Cát vượt đèo Bồ Bồ lên đóng tại Vĩnh Thạnh ở trong nhà dân. Lúc này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh như Phan Thêm, Phan Bá có chủ trương thành lập tờ báo của cách mạng để tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên chống Pháp. Đầu tháng 8-1946, ông Phan Bá đưa ông Thưởng ra Chợ Chùa-Quảng Ngãi học cách in litho. Sau l tuần học và thực hành tương đối thuần thục, ông về lại Vĩnh Thạnh cùng đem theo một bảng đá, 2 thỏi mực charbonnaise và mấy hộp mực in và một số dụng cụ cần thiết khác. Nhóm in litho bấy giờ được hình thành gồm 3 người, ngoài ông Thưởng, còn có ông Nguyễn Hữu Hòa và ông Nguyễn Hồng Lạc.
 

Khi gặp cán bộ cách mạng, họ đưa tờ báo ra rồi trình bày: “Trong tờ báo này có kêu gọi mọi người đi theo cách mạng. Hôm nay, chúng tôi ra đây, nhờ dẫn chúng tôi đến chỗ cách mạng…”.

Ông Thưởng là người viết chữ ngược chính trên bảng đá dưới sự hướng dẫn của ông Phan Bá, đồng thời tham khảo cách viết và trình bày tờ báo Cờ Giải Phóng của Trung ương cũng in litho trước Cách mạng Tháng Tám (1945). Tháng 9-1945, nhóm làm báo Gia Lai ở Vĩnh Thạnh đã chuẩn bị đầy đủ vật tư và nội dung bắt đầu xuất bản tờ báo Thông tin Gia Lai đầu tiên. Số báo này có xã luận “Nhiệt liệt chào mừng Quốc khánh 2-9”, phía dưới có trích 2 câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập và đóng khung trang trọng (đáng tiếc là số báo đầu tiên này hiện nay đã thất lạc).

Trong những năm đầu chống Mỹ, ông Trịnh Văn Cư (SN 1930, hiện ở phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) là một trong số cán bộ được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa kháng chiến của Gia Lai, sau này được điều về công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền-Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy bấy giờ, trực tiếp viết bài và dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Bahnar (và ngược lại) cùng với ông Siu Che. Ông Rchom Briu (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác Tuyên huấn) cùng với ông Đinh Non và ông Puih Châm, viết bài và dịch bài tiếng phổ thông sang tiếng Jrai (và ngược lại). Trong bộ phận in litho lúc này do ông Bạch Quang Khanh chịu trách nhiệm cùng với ông Nguyễn Rô, ông Phạm Thanh Văn, sau này có ông Nguyễn Văn Bồng, ông Đặng Công Thành nữa.

Tờ báo Gia Lai bấy giờ có tên Thống Nhất (tiếng phổ thông), Poling (tiếng Bahnar), Polir (tiếng Jrai). Tuy là ba tờ báo với 3 thứ tiếng riêng nhưng nội dung đều giống nhau. Ông Cư kể rằng, từ năm 1960, báo Thống Nhất (3 tờ với 3 thứ tiếng khác nhau) được bí mật phát hành kể cả trong vùng địch kiểm soát và cả trong hàng ngũ địch để kêu gọi những người có cảm tình tham gia, ủng hộ cách mạng hoặc bỏ ngũ về với cách mạng. Tờ báo đã có tác dụng ngay. Nhiều thanh niên đã bí mật chuyền tay nhau đọc rồi rủ nhau đem theo tờ báo làm “giấy giới thiệu” trốn ra vùng hậu cứ. Khi gặp cán bộ cách mạng, họ đưa tờ báo ra rồi trình bày: “Trong tờ báo này có kêu gọi mọi người đi theo cách mạng. Hôm nay, chúng tôi ra đây, nhờ dẫn chúng tôi đến chỗ cách mạng…”. Đó là (ông Cư còn nhớ được), như các ông: Plam, Keng, Tongi, Rơ, Biên, Bâm… ở vùng Phú Thiện-Cheo Reo. Sau này, nhiều người trong số đó trở thành đảng viên, làm cán bộ lãnh đạo trong cấp ủy khu 11.

Tờ báo cũng được một số cơ sở nội tuyến của ta bí mật chuyển tận tay một số nhân viên ngụy quyền, cảm hóa được một số trí thức trong vùng địch. Một số người sau đó bỏ hàng ngũ địch tham gia cách mạng, như ông Bih, ông Yak. Họ đã được cách mạng trọng dụng. Hay các thầy giáo: Puih Yem, Puih Thiên, Đinh Yo, Nay Toan đang dạy học ở vùng địch kiểm soát nhờ đọc báo mà giác ngộ đi làm cách mạng, đã được Ban Tuyên huấn tiếp nhận và bố trí các thầy tiếp tục dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ trong căn cứ. Sau này, nhiều thầy giáo đã trở thành cán bộ lãnh đạo, như thầy giáo Puih Yem, sau ngày giải phóng miền Nam được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Chư Prông.

Nói chuyện với chúng tôi tại nhà riêng ở đường Hùng Vương  (TP. Pleiku), ông Ngô Sĩ lúc ấy còn khỏe, trí nhớ khá tốt, đang là Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị tỉnh Gia Lai, mặc dù đã ngoài 80 tuổi (sau đó ông mất năm 2014). Ông tham gia cách mạng ở Quảng Ngãi từ sau Cánh mạng Tháng Tám (1945), rồi bị địch bắt tù đày mãi đến năm 1963 mới được thả ra; về quê hương tiếp tục hoạt động chống Mỹ. Bị địch truy lùng, ông lên Gia Lai từ cuối năm 1963 để hoạt động cách mạng. Khi đi, ông có mang theo 2 tờ báo Giải Phóng của tỉnh Quảng Ngãi (có đăng bài của mình). Ông Sĩ kể, nhờ có hai tờ báo trên làm giấy thông hành mà tôi được nhận về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, phụ trách tờ báo Quyết Thắng từ tháng 3-1964 đến tháng 5-1965. Lúc này, ngoài tờ báo của Đảng bộ tỉnh, còn có 3 tờ tin bằng 3 thứ tiếng: Phổ thông, Bahnar, Jrai. Nhân sự làm báo gồm có: l biên dịch viên cho 2 thứ tiếng Bahnar và Jrai, 1 phóng viên ảnh, đồ họa, 5 người in litho. Phương tiện làm báo chỉ có 1 máy thu thanh 3 băng và 5 bảng đá với các loại vật tư in ấn. Từ lúc ông về phụ trách báo, đã xuất bản được 14 số báo, 14 bản tin mỗi loại, mỗi số phát hành khoảng 200 đến 300 tờ.

Và còn rất nhiều chuyện thú vị xung quanh việc làm báo trong kháng chiến, cũng như sau ngày hòa bình lập lại đến nay. Nhiều tư liệu hay, quý nhưng trong số đó có một số chuyện không thể đưa vào chính sử và nó mãi mãi là chuyện ngoại sử. Chúng tôi sẽ cố gắng thu thập để thông tin đến mọi người trong những dịp kỷ niệm ngày truyền thống hàng năm làm món quà cho những ai yêu quý Báo Gia Lai.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm