Làm hồ sơ giả, hưởng chế độ thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lợi dụng kẽ hở trong các văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi với người tham gia kháng chiến, con đẻ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học, sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, hàng chục trường hợp trên địa bàn huyện Chư Sê đã khai man, làm giả hồ sơ để trục lợi, gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng...

Bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Thắng tại nhà riêng. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngày 5-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/2004/TTg về một số chế độ với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học. Đến ngày 29-6-2005, Quốc hội cũng ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng… Bộ Lao động-Thương binh và xã hội ban hành Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH, ngày 26-7-2006 hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng. Để được hưởng (đối với đối tượng lập mới) hoặc tiếp tục hưởng trợ cấp ưu đãi (đối với đối tượng đang được hưởng chế độ theo Quyết định 120), các đối tượng này phải có hoặc bổ sung những loại giấy tờ để chứng minh có tham gia kháng chiến. Các loại giấy tờ bao gồm: quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; huân-huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc các giấy chứng nhận khác…

Do đã có một thời tham gia kháng chiến, ông Nguyễn Hữu Thắng (SN 1949), trú tại thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) cũng muốn làm hồ sơ để được hưởng chế độ trợ cấp. Tuy nhiên, ông không hề có giấy tờ để chứng minh quá trình tham gia kháng chiến, cũng không có giấy chứng nhận thời gian hoạt động ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học nên đã nhờ ông Nguyễn Xuân Hiến (SN 1951), trú tại tổ 11, thị trấn Chư Sê giúp đỡ làm hồ sơ thủ tục… Về phía đối tượng Nguyễn Xuân Hiến, do đã có thời gian công tác tại Hội chữ thập đỏ huyện Chư Sê, nên am hiểu quy trình làm hồ sơ thủ tục để hưởng các chế độ chính sách và có mối quan hệ với một số đối tượng chuyên làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau mỗi phi vụ làm giả hồ sơ, giấy tờ, đối tượng nhận của người dân từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng (tùy vào các loại giấy tờ). Sau khi nhận lời và thống nhất giá cả, đối tượng Hiến đã làm giả giấy chứng nhận thời gian công tác cho ông Thắng tại Đoàn 559 do trung tá Nguyễn Văn Thành ký để làm hồ sơ hưởng chế độ.

Tiếp đó, nghe giới thiệu của mọi người, ông Đoàn Văn Tiến (SN 1952, trú thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê) cũng tìm đối tượng Hiến để mua các giấy tờ chứng nhận thời gian công tác trong quân ngũ và giấy chứng nhận thương binh để làm thủ tục hưởng chế độ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ của ông Thắng và ông Tiến, đồng thời có quyết định cho hưởng chế độ trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học. Tính đến tháng 8-2014, từ những giấy tờ được làm giả mua từ đối tượng Hiến, ông Đoàn Văn Tiến đã nhận tổng cộng hơn 69 triệu đồng, ông Nguyễn Hữu Thắng nhận hơn 40 triệu đồng tiền trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh phát hiện. Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng Nguyễn Xuân Hiến, Nguyễn Hữu Thắng và Đoàn Văn Tiến về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Qua điều tra mở rộng, cơ quan chức năng còn xác định được, ngoài 2 trường hợp trên đối tượng Hiến còn làm giả giấy tờ, hồ sơ cho nhiều đối tượng khác. Sau khi các đối tượng bị bắt, được sự vận động của cơ quan điều tra Công an tỉnh, nhiều đối tượng đã tự nguyện đến khai báo về hành vi sử dụng giấy tờ giả mua từ Hiến để hưởng các chế độ, chính sách và giao nộp hơn 270 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ trách nhiệm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê, các cá nhân liên quan đến việc làm, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả.

Thiếu tá Thiệu Hồng Quyết-Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh cho biết: “Hiện cơ quan điều tra đã xác định được thêm danh tính của những đối tượng khác đã mua giấy tờ giả từ Nguyễn Xuân Hiến để hưởng các chế độ, chính sách. Qua đây, cũng kêu gọi các đối tượng đã mua giấy tờ giả khẩn trương đến Cơ quan điều tra khai báo, khắc phục hậu quả để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật; những trường hợp cố tình trốn tránh, thiếu thành khẩn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định…”.

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm