Bạn đọc

Làm giả giấy khai sinh để hưởng chế độ trợ cấp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người đứng đơn trong vụ khiếu kiện là ông Bùi Minh Thông-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ia Ake, thành viên Tổ Giám sát HĐND xã Ia Ake, huyện Phú Thiện-với nội dung đề nghị lên tiếng đấu tranh với vụ tiêu cực của một số cá nhân ở xã Ia Ake.

22 tuổi mới làm giấy khai sinh

Trong quá trình kiểm tra việc cấp phát các chế độ chính sách theo Quyết định 142 của Chính phủ, Tổ Giám sát HĐND xã Ia Ake phát hiện trường hợp bà Phạm Thị Thanh Huyền, sinh năm 1985 nhưng đến năm 2007-nghĩa là sau 22 năm-bà Huyền mới làm giấy khai sinh và từ tháng 9-2008 bắt đầu hưởng chế độ trợ cấp đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Vì vậy, ngày 29-10-2012, Tổ Giám sát đã yêu cầu ông Phạm Văn Đông, cha ruột bà Huyền, xuất trình giấy khai sinh của bà Huyền (bản chính), nhưng ông Đông chỉ xuất trình được bản sao. Thông tin trong bản sao giấy khai sinh của bà Phạm Thị Thanh Huyền ghi: UBND xã Ia Ake, số 278-quyển số 02/2007; sao lưu từ sổ đăng ký khai sinh ngày 4-10-2007 do ông Vũ Văn Mười-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ake ký.

 

Ông Đông bên người con gái và đứa cháu ngoại. Ảnh: M.T
Ông Đông bên người con gái và đứa cháu ngoại. Ảnh: M.T

Nhưng khi đối chiếu thông tin trên bản sao giấy khai sinh này với sổ đăng ký khai sinh của xã Ia Ake thì không phải tên Phạm Thị Thanh Huyền mà là thông tin của một người khác tên là Nguyễn Thị Diệu Hiền, cấp ngày 9-10-2013. Chữ viết trong sổ đăng ký khai sinh và bản sao trên giấy khai sinh của bà Huyền là hoàn toàn khác nhau; điều đáng nói là từ năm 2006-2009, xã Ia Ake chỉ có duy nhất ông Kpă Ưu-cán bộ tư pháp, hộ tịch lúc bấy giờ-làm công tác này.

Ngày 15-11-2012, với danh nghĩa Tổ Giám sát, ông Thông cùng ông Trần Văn Trung-Phó Chủ tịch HĐND xã Ia Ake-đến nhà ông Kpă Ưu để xác minh bản sao giấy khai sinh của bà Huyền. Tại đây, ông Ưu đã viết cam kết đây không phải là chữ viết của ông và ông cũng không làm giấy khai sinh này mà chỉ thừa nhận bản đăng ký khai sinh số 278 trong quyển số 02/2007 của công dân Nguyễn Thị Diệu Hiền. Tổ Giám sát cho rằng giấy khai sinh của bà Huyền là không hợp pháp và không có giá trị pháp lý (giấy giả).

Thêm vào đó, ông Phạm Văn Đông nhập khẩu vào xã Chư A Thai, Ayun Pa ngày 16-4-1994 nhưng lại được công an tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng minh nhân dân ngày 10-4-2003. Trong chứng minh thư và sổ hộ khẩu của ông Đông đều ghi nguyên quán là Duy Tiên-Hà Nam nhưng trong Quyết định số 157/QĐ-LĐTBXH và 250/QĐ-LĐTBXH do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cấp cho ông Đông và bà Huyền hưởng chế độ chất độc da cam thì lại ghi nguyên quán là Trần Phú-thị xã Thái Bình-tỉnh Thái Bình.

Từ những vấn đề không rõ ràng về lai lịch, danh tính và thủ tục làm chế độ da cam nên Tổ Giám sát cho rằng, bà Huyền không phải con đẻ của ông Đông và cũng không phải là đối tượng được hưởng chế độ chất độc da cam nhưng vì được sự tiếp tay của một số người có quyền chức nên đã “biến không thành có” để lấy tiền Nhà nước.

Có hay không mâu thuẫn cá nhân?

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Đông trình bày: Ông vốn là bộ đội tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên từ năm 1972 đến năm 1977. Trở về từ cuộc chiến, ông gá nghĩa với người vợ thứ 2 là bà Phạm Thị Bích Dần và năm 1985 sinh ra Phạm Thị Thanh Huyền. Do Huyền đau ốm liên miên từ nhỏ, hoàn toàn mất khả năng lao động nên ông không làm giấy khai sinh cho con. “Sau này khi bệnh tình của cháu khá hơn đôi chút, chúng tôi vay mượn tiền làm nhà ổn định nên cũng muốn làm gì đó có cơ sở cho cháu được hưởng chế độ cho dễ nên mới đi làm giấy khai sinh.

 

Từ một vụ khiếu kiện mà hai người bạn thân bỗng chốc quay lưng với nhau. Để giải quyết vụ việc phức tạp này, chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp và nhiều sở, ngành đã phải vào cuộc.

…Thương con, ông Đông tìm người xây dựng gia đình cho Huyền, nhưng sau khi để lại cho con gái ông một đứa con, chàng trai kia cũng lặng lẽ bỏ đi. Phạm Văn Duy Hiếu, cháu ngoại ông, năm nay đã hơn 7 tuổi mà vẫn chưa biết nói, chưa đi đứng được, bị bại não, động kinh mãn tính… Trong lúc khó khăn, vợ chồng ông có vay của người bạn thân là ông Bùi Minh Thông số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 4%/tháng. Sau hơn 4 tháng chậm trả lãi, ông Đông bất ngờ biết được ông Thông đang kiện vợ chồng ông làm giả giấy khai sinh và cha con ông không phải đối tượng được hưởng chế độ chính sách, trong khi trước đó ông Thông là một trong những người đã ký xác nhận cho cha con ông được hưởng chế độ.

Đề cập những nội dung cần xác minh trong đơn, ông Vũ Văn Mười-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ake-khẳng định: Thông tin trên giấy khai sinh là hoàn toàn chính xác, chỉ sai sót ở chỗ cán bộ hộ tịch-tư pháp lúc bấy giờ quên không ghi vào sổ lưu, còn nếu như muốn xác định con đẻ hay con nuôi thì cơ quan chức năng phải xét nghiệm ADN mới biết được.

Chúng tôi làm đúng quy trình, có cán bộ y tế kiểm tra thực trạng, xác định cháu Huyền thần kinh ngớ ngẩn, Hội đồng xét duyệt có cả ông Bùi Minh Thông ký vào hồ sơ đó. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của vụ kiện này chỉ mang tính cá nhân. Tổ Giám sát chưa thông qua UBND xã đã vội kết luận, gửi đơn đi khắp nơi gây ra dư luận xấu giữa nhân dân với chính quyền…”.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Sau khi tiến hành kiểm tra giấy khai sinh (bản chính) của công dân Phạm Thị Thanh Huyền theo đề nghị của Thanh tra huyện Phú Thiện, ngày 24-1-2013, Phòng Tư pháp huyện có Công văn số 21/TP-KT, kết luận: Việc ông Kpă Ưu, nguyên cán bộ tư pháp-hộ tịch xã Ia Ake không ghi chép thông tin khai sinh của công dân Phạm Thị Thanh Huyền vào sổ đăng ký khai sinh của xã Ia Ake để lưu lại là không đúng với Khoản 2, Nghị định 158/2005 về “đăng ký và quản lý hộ tịch”. Tiếp đó, ngày 3-5-2013, Sở Tư pháp cũng có Công văn số 214/STP-HCTP đề nghị UBND huyện Phú Thiện chỉ đạo UBND xã Ia Ake khắc phục sai sót, đồng thời hướng dẫn công dân đăng ký khai sinh theo đúng quy định, chấn chỉnh công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện.

Còn về chữ ký mà Tổ Giám sát cho là giả thì ông Ưu đã viết giấy xác nhận: “Vào ngày 16-11-2012, ông Bùi Minh Thông và ông Trần Văn Trung đến nhà tôi tại đồn 4, có mang theo giấy khai sinh bản sao (photo) của Phạm Thị Thanh Huyền, photo không rõ, mắt tôi kém nên có xác nhận không phải chữ ký của tôi cho 2 ông Thông và Trung. Nay tôi được xem bản chính khai sinh chính của Phạm Thị Thanh Huyền là đúng chữ ký của tôi hồi tôi còn làm cán bộ tư pháp, đăng ký ngày 4-10-2007, số 278, quyển số 02/2007…”. Phòng Tư pháp huyện cũng đưa ra kết luận: Bản khai sinh (bản chính) của công dân Phạm Thị Thanh Huyền là phù hợp và có giá trị pháp lý của giấy tờ hộ tịch.

Dựa trên những cơ sở đó và kết quả làm việc của Thanh tra huyện ngày 26-4-2013, UBND huyện Phú Thiện ban hành Quyết định số 493/QĐ-UBND  công nhận bà Phạm Thị Thanh Huyền là con đẻ của ông Phạm Văn Đông và bà Phạm Thị Bích Dần, đồng thời yêu cầu UBND xã Ia Ake đăng ký lại (bản chính giấy khai sinh) cho công dân Phạm Thị Thanh Huyền theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch. Ngày 7-5-2013 UBND xã Ia Ake đã tiến hành làm lại giấy khai sinh (bản chính-số 46, Quyển số 01/2013) cho bà Phạm Thị Thanh Huyền theo đúng quy trình.

Đến ngày 16-5-2013, UBND huyện Phú Thiện lại ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ quyết định số 493/QĐ-UBND, thay thế bằng Công văn 530/UBND-NC ngày 15-5-2013 với cùng một nội dung cho đúng với quy trình giải quyết đơn kiến nghị của công dân.

Trước những thắc mắc về lai lịch của ông Đông, ông Thái Xuân Lộc-Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Thanh tra Sở đã mời ông Đông lên làm việc để cung cấp thêm một số thông tin còn chưa rõ ràng, đồng thời đã gửi công văn yêu cầu xác minh nguyên quán ở hai nơi mà ông Đông đã khai. Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là cháu Huyền có phải con đẻ của ông Đông hay không? Nếu đúng là con đẻ bị dị dạng, dị tật mà ông Đông có tham gia bộ đội thì đương nhiên được hưởng trợ cấp theo chế độ. Thứ hai, cần xác minh ông Đông có đi bộ đội hay không, đi bộ đội ở đơn vị nào, phục vụ chiến trường từ ngày nào đến ngày nào. Việc giải quyết chế độ đối với người có công liên quan đến sinh mệnh chính trị của người ta nên cần phải hết sức thận trọng, khi có đầy đủ cơ sở giấy trắng, mực đen thì mới đưa ra kết luận”- ông Lộc nói.

Minh Triều-Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm