Phóng sự - Ký sự

Làm nông thức thời: Lúa ông Cua lên núi 'trổ tài'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giống lúa cho ra loại gạo được xếp vào hạng ngon nhất thế giới tưởng chỉ trồng được ở ĐBSCL, thực tế ST24 và ST25 đem trồng trên vùng núi lại cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Có lẽ điều đó làm không ít người ngạc nhiên. Nhưng vùng ven thung lũng của dãy Chư Yang Sin (H.Krông Bông, Đắk Lắk) giờ đây là những cánh đồng bạt ngàn hai giống lúa danh tiếng của kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự lai tạo.

Địa lợi, nhân hòa

PV liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó chủ tịch UBND H.Krông Bông, hỏi về mô hình nông nghiệp điển hình của huyện, ông Pháp hào hứng chia sẻ về câu chuyện trồng lúa ST24 và ST25 tại địa phương mình. Ông Pháp còn nói dí dỏm rằng: "Mấy năm nay, nhiều nông dân vùng trồng lúa ở đây hát mãi "Bài ca cây lúa" vì họ khá hơn rất nhiều nhờ hai giống lúa này".

Cha đẻ của giống lúa cho ra gạo ngon nhất thế giới Hồ Quang Cua (phải) trong một chuyến đi tham quan mô hình trồng lúa ST24, ST24 của HTX Thăng Bình

Chúng tôi quyết định lên Krông Bông đi tìm vùng đất trồng giống lúa gắn liền với Anh hùng lao động Hồ Quang Cua. Trước khi đi, tôi hỏi ông Cua có biết ST24, ST25 đã thật sự trồng thành công hơn cả mong đợi tại ở huyện miền núi này chưa, ông Cua tiết lộ đã lên đó mấy lần rồi. Và ông cũng xác nhận luôn: "ST24 và ST25 trồng ở đó năng suất cao hơn ở dưới đồng bằng, gạo cũng ngon hơn".

Lên tới huyện nằm heo hút ở phía đông nam, cách TP.Buôn Ma Thuột 50 km này, ông Pháp "chỉ điểm" chúng tôi phải tới gặp ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, vì ông Sơn là "chủ xị" của dự án trồng lúa ST24 và ST25. Tại xưởng thu mua lúa, chế biến gạo được đầu tư nhiều tỉ đồng của mình, ông Sơn cho biết ở huyện này có tới 90% hộ dân làm nông. Trước khi thành lập HTX, người dân ở đây mạnh ai nấy làm. Họ chưa có điều kiện tiếp cận các kiến thức nông nghiệp và loay hoay chưa biết chọn giống gì phù hợp… Vì thế, họ lao động vất vả mà năng suất lúa rất thấp, gạo không ngon, giá bán rẻ.

"Tôi nghĩ làm nông nghiệp muốn khá lên phải đổi mới tư duy và cần có người lãnh đạo. Cho nên tôi "lãnh ấn tiên phong" đi tìm giống lúa phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế rõ ràng để thuyết phục bà con tham gia cùng HTX trồng giống lúa đó với mong ước là làm cho họ đổi đời", ông Sơn nói.

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, giới thiệu sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu Gạo sạch Thăng Bình

Người đàn ông "lãnh ấn tiên phong" vì nông dân quê mình nhớ như in rằng HTX Thăng Bình đã đưa giống lúa ST24 về sản xuất đầu tiên từ vụ đông xuân 2019 - 2020, với tổng diện tích 70 ha (xã Cư Kty 20 ha, xã Yang Reh 50 ha). Ngay vụ sản xuất "mở hàng" giống lúa cho hạt gạo lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới này đã thành công rực rỡ. "Năng suất đạt trung bình 10 tấn/ha, giá bán dao động 7.200 -7.600 đồng/kg lúa tươi. HTX Thăng Bình đã thu mua hết lúa tươi tại đồng. Bà con nông dân phấn khởi vô cùng", ông Sơn kể.

Ít ai biết, khi ăn miếng cơm đầu tiên nấu từ hạt gạo ST24 trồng trên huyện nghèo của mình mà cảm nhận được độ thơm, độ dẻo, độ mềm, độ ngọt của nó, ông Sơn đã rưng rưng nước mắt bởi quá vui. Ông bộc bạch: "Tôi mừng hết lớn vì giống lúa ST24 và sau này thêm giống ST25 trồng ở vùng ven thung lũng của dãy Chư Yang Sin cho sản lượng, chất lượng vượt trội". Tôi hỏi nhờ đâu được vậy, ông Sơn lý giải nhờ sự cộng hưởng bởi dòng nước ngọt lành của dòng sông Krông Ana với đất thịt phù sa, pha sét cùng biên độ nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất cao. Thêm yếu tố quyết định nữa chính là người nông dân tuân thủ việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGap.

Nông dân Võ Diễn (phải) đi thăm ruộng lúa ST25 hợp tác với HTX Thăng Bình

Vô HTX kiểu mới "khỏe re đủ thứ"

Trên cánh đồng lúa ST25 ở xã Hòa Tân, ông Võ Diễn (55 tuổi) hồ hởi: "Khi chúng tôi quyết định bỏ kiểu làm nông manh mún và bỏ giống lúa cũ để phối hợp với HTX Thăng Bình trồng giống lúa ST24, ST25, hiệu quả kinh tế thấy rõ".

Chúng tôi gặp hai nông dân Võ Văn Tính (59 tuổi) và Trương Duy Bảy (56 tuổi) tại cánh đồng thuộc xã Cư Kty, họ cũng phơi phới chờ ngày thu hoạch vụ lúa ST25. "Ngày trước mà nói tới HTX nông nghiệp thì ai cũng ớn. Còn bây giờ vô HTX kiểu mới này làm lúa khỏe re đủ thứ. Công sức bỏ ra nhẹ hơn mà lợi nhuận cũng cao hơn 30% so với kiểu trồng lúa cũ", ông Tính bày tỏ.

Để giúp người nông dân trong HTX của mình "khỏe re đủ thứ", người dẫn dắt HTX Thăng Bình, HTX được T.Ư Hội Nông dân VN công nhận là một trong 63 HTX tiêu biểu năm 2023, phải có tầm nhìn, có tư duy làm nông tiến bộ. Theo đó, HTX Thăng Bình đã liên kết với các doanh nghiệp có quy mô và uy tín cao của ngành sản xuất lúa gạo như Công ty TNHH MTV Cà phê 721, Tập đoàn giống cây trồng VN… xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, chuyển giao quy trình, đầu tư sản xuất và thu mua lúa tươi tại đồng cho thành viên và nông dân. Liên kết quan trọng mang tính đột phá là liên kết với doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng), Công ty TNHH DV & TM lúa gạo Ngọc Phú (Long An) đưa giống lúa ST24, ST25 về sản xuất tại H.Krông Bông.

Mùa lúa ST25 trên cánh đồng thuộc xã Cư Kty bội thu

HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình do ông Võ Văn Sơn làm giám đốc được T.Ư Hội Nông dân VN vinh danh là 1 trong 63 HTX tiêu biểu năm 2023

"Nhiều hộ nhờ thâm canh tốt đã đạt doanh thu trên 90 triệu đồng/ha/vụ, tăng hơn so với trước đây từ 20 - 30 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm lúa của họ đã được ký hợp đồng bao tiêu hết", ông Sơn chia sẻ. Cho đến năm 2023, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao với giống lúa ST24, ST25 giữa các hộ dân và HTX Thăng Bình đã mở rộng quy mô lên đến hơn 600 ha tại các xã Yang Reh, Cư Kty, Hòa Tân, Hòa Phong, Hòa Lễ.

Đồng thời với việc liên kết là chương trình xây dựng thương hiệu gạo sạch, đó là điều mà những người nông dân ở H.Krông Bông trước đây chưa từng nghĩ tới. Để có được "chứng chỉ" gạo sạch, người nông dân phải sát cánh cùng HTX Thăng Bình xây dựng và tự chuyển biến nhiều thứ. Đó là xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng công nghệ số cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Mỗi hộ thành viên được thiết lập sổ nhật ký nông hộ, cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh từng công đoạn sản xuất theo từng thời điểm của mùa vụ. HTX có bộ phận giám sát, kiểm tra và tổng hợp thông tin từ nhật ký nông hộ để cập nhật vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Gạo thành phẩm được sản xuất sẽ mang mã lô và tem truy xuất nguồn gốc tương ứng…

Hiện nay, sản phẩm Gạo sạch Thăng Bình HTB đã xây dựng được 26 đại lý tại 12 tỉnh thành trong nước, lên sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki. Nhưng ông Võ Văn Sơn còn đi nước cờ xa hơn là đưa gạo sạch của HTX đi chào hàng tại New Zealand. (còn tiếp)

HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình là một tổ chức kinh tế tập thể, do những người nông dân cùng liên kết thành lập, xây dựng và phát triển. Mục tiêu của HTX là phục vụ nhu cầu, lợi ích trong sản xuất nông nghiệp của thành viên nông dân. HTX sẽ đồng hành cùng nông dân trong quá trình xây dựng và phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm