(GLO)- Xây dựng quỹ chi hội bằng mô hình “Làm rẫy tập thể” và “Lao động tập thể bằng ngày công” được xem là những cách làm sáng tạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) trong nhiều năm qua.
Hội viên Phụ nữ làng Jun đang “Làm rẫy tập thể”. Ảnh: A.H |
Đi đầu trong mô hình “Làm rẫy tập thể” phải kể đến chi hội Phụ nữ làng Jun. Theo chị Đinh Thị Èm-Chi hội trưởng Phụ nữ làng Jun, từ năm 2011, chi hội đã mạnh dạn mượn 8 sào đất trong quỹ đất trống của làng để trồng bắp, trồng mía gây quỹ hoạt động. Ban đầu, chưa hiểu rõ về ý nghĩa của mô hình “Làm rẫy tập thể” nên nhiều chị em còn băn khoăn khi đóng góp tiền vốn để mua giống, thậm chí một số chị còn sợ… lỗ vốn! Tuy nhiên, sau khi hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình, 100% hội viên đều hăng hái hưởng ứng và vận động người thân cùng tham gia. “Từ khâu làm đất, chọn giống, cho đến việc xuống giống, bón phân, làm cỏ… các chị đều tham gia đầy đủ và đóng góp ý kiến. Hơn thế, mọi công đoạn đều được các chị áp dụng đúng khoa học kỹ thuật đã được tập huấn nên ngay trong vụ mía đầu tiên, trừ các khoản chi phí, chi hội còn lãi 21 triệu đồng. Số tiền thu được, chi hội trích lại một phần để tiếp tục đầu tư cho vụ sau, số còn lại đưa vào quỹ chi hội để hoạt động, thăm hỏi hội viên khi đau ốm, động viên con em hội viên có thành tích học tập tốt… Đặc biệt, mới đây, chi hội còn tổ chức cho chị em đi tham quan du lịch tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), TP. Nha Trang (Khánh Hòa)”-chị Đinh Thị Èm cho hay. Cũng nhờ mô hình “Làm rẫy tập thể” mà hiện nay, chi hội Phụ nữ làng Jun đứng đầu trong 15 chi hội của xã về nguồn quỹ với 67 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “Làm rẫy tập thể” của chi hội Phụ nữ làng Jun, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yang Bắc đã triển khai nhân rộng mô hình đến các chi hội còn lại. Bà Đinh Thị Bler-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yang Bắc, cho biết: 88% hội viên phụ nữ trong xã là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên kinh phí hoạt động ở các chi hội còn rất hạn hẹp, việc thu hút hội viên tham gia sinh hoạt cũng hạn chế. Qua khảo sát thực tế thấy một số làng còn quỹ đất trống, Hội đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã mượn quỹ đất trống của làng để xây dựng mô hình “Làm rẫy tập thể”. Đối với làng không còn quỹ đất, Hội vận động xây dựng mô hình “Lao động tập thể bằng ngày công”. Cũng theo bà Đinh Thị Bler, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã xây dựng được 5 mô hình “Làm rẫy tập thể” với 2,4 ha tại các chi hội: làng Jun (8 sào mía, bắp), Jrodơng 1 và Jrodơng 2 (4 sào mía, bắp); Krông Hra (8 sào mía) và Đak Yang (4 sào đậu xanh, mía). Tổng nguồn quỹ chi hội của 5 làng hiện có là 111 triệu đồng. Riêng 10 chi hội còn lại do không có quỹ đất trống nên xây dựng nguồn quỹ bằng mô hình “Lao động tập thể bằng ngày công” với tổng quỹ gần 46 triệu đồng.
Nói về việc gây quỹ từ “Lao động tập thể bằng ngày công” của chi hội, chị Đinh Thị Chích-Chi hội trưởng Phụ nữ làng Chai, cho rằng, nếu chỉ thu hội phí từ hội viên thì nguồn quỹ sẽ rất hạn hẹp. Vì vậy, trong làng có ai cần kêu công lao động làm cỏ mía, cỏ mì, chị Chích sẽ đứng ra nhận rồi vận động chị em trong chi hội cùng làm, tiền công thu được sẽ đưa vào gây quỹ hoạt động. Hơn thế, thông qua việc làm nương rẫy cùng nhau, chị em có thêm điều kiện để chia sẻ những tâm tư, tình cảm trong cuộc sống hàng ngày và động viên nhau cùng cố gắng…
Ngoài việc giúp các chi hội chủ động trong việc tổ chức hoạt động Hội, thăm hỏi nhau khi đau ốm…, nguồn quỹ này còn tạo điều kiện cho một số hội viên vay để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, nguồn quỹ của các chi hội đã giải quyết cho 12 hội viên nghèo được vay 21 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất. Chi hội trưởng Phụ nữ làng Jun chia sẻ, năm 2013, chi hội đã giải quyết cho chị Đinh Thị Bơch vay 10 triệu đồng để phát triển sản xuất. Sau 3 năm, chị Bơch đã thoát nghèo và trả hết số tiền vay chi hội. Năm 2016, chi hội tiếp tục giải quyết cho chị Đinh Thị Bach vay bằng cách mua bò giao cho gia đình nuôi. “Việc xây dựng quỹ Hội từ mô hình “Làm rẫy tập thể” và “Lao động tập thể bằng ngày công” rất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, giúp chi hội có thêm kinh phí hoạt động, góp phần đưa phong trào phụ nữ ngày càng phát triển. Thời gian tới, Hội tiếp tục hướng dẫn các chi hội không còn quỹ đất thuê, mượn đất của người dân không sử dụng để nhân rộng mô hình, phấn đấu 15/15 chi hội xây dựng quỹ Hội “Làm rẫy tập thể”-bà Bler nhấn mạnh.
Anh Huy