Làm sao để có bữa ăn an toàn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bức xúc trước việc thực phẩm không an toàn (thường gọi là thực phẩm bẩn) tràn lan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng làm thế nào để tránh "tiền mất tật mang" là điều mà hầu hết ai cũng băn khoăn, lo lắng…

Nhập nhằng sạch-bẩn!

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin các cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm bẩn có chất độc gây hại sức khỏe con người như: thịt heo có chất cấm, heo giả bò, tôm tươi tiêm hóa chất, mực tươi tẩy trắng, mực khô giả, trái cây ngâm chất bảo quản, rau xanh có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây lại phát hiện ruốc khô nhuộm phẩm màu, măng tươi, dưa cải nhuộm vàng ô, và cả gạo giả… Tất cả những thực phẩm này đều là những thứ quen thuộc có mặt hàng ngày trong mâm cơm của các gia đình.

 

Ảnh: Quang Vũ
Ảnh: Quang Vũ

Trên thực tế, ở đâu rộ lên thực phẩm bẩn thì ở Gia Lai những thứ đó cũng rơi vào "nghi án". Cuối năm ngoái, dân tình xôn xao chuyện thịt heo nái làm giả thịt bò được các tiểu thương bán với giá chỉ bằng 70% giá thịt bò "xịn", mực lạ có giá bằng 1/10 giá mực thông thường, trái cây Tàu giả Tây bán với giá bèo… Điều đáng ngại là cơ quan chức năng lại không có một động thái gì trong khi giới buôn bán đã quá quen mặt với những quầy hàng này. Theo thông tin từ Ban quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku, hàng ngày chỉ riêng thịt heo và thịt bò đã có trên chục tấn được nhập về chợ cho hơn 60 hộ kinh doanh ở đây. Việc kiểm dịch do bên Thú y chịu trách nhiệm, nhưng chỉ thực hiện kiểm dịch đối với heo, còn thịt bò thì không! Hải sản thì gần như bị bỏ ngỏ. Rau củ cũng chẳng thể truy xuất được nguồn gốc, vì hàng nhập về chợ được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài tỉnh..

Liên quan đến vấn đề này, trong một lần trao đổi, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai) cho biết: Theo Luật Quản lý chất lượng hàng hóa, người sản xuất phải chịu trách nhiệm sản phẩm do mình làm ra, cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa thông qua việc thanh-kiểm tra. Có những mặt hàng thực phẩm lúc chưa thấy ai đả động gì thì được người tiêu dùng cho là an toàn, còn lúc bị thanh-kiểm tra lại phát hiện ra nhiều vi phạm. Do đó, bằng cảm quan vẫn có rất nhiều bà nội trợ bị nhầm hàng vì không thể nhận biết đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn.

Mua thực phẩm an toàn ở đâu?

Không ít người tiêu dùng lo ngại đặt câu hỏi này, khi những cảnh báo nguy cơ đối với sức khỏe từ thực phẩm bẩn càng nhiều. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát mới chỉ dừng lại ở phần ngọn, khó thể truy xuất được nguồn gốc, trong khi đó mỗi ngày có đến hàng trăm tấn thực phẩm các loại được tiêu thụ trên địa bàn. Hiện nay, kênh bán hàng được người tiêu dùng yên tâm nhất vẫn là siêu thị, nhưng tỷ lệ người tiêu dùng có thói quen mua thực phẩm trong siêu thị chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng có thu nhập cao. Theo ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, thực phẩm vào siêu thị đều có công thức test nhanh để kiểm tra độ an toàn trước khi đưa ra kệ hàng. Do đó, nếu phát hiện không đảm bảo tiêu chuẩn chắc chắn sẽ bị loại ngay.

 

Mỗi ngày, ước tính ở nước ta có hơn 200 bệnh nhân tử vong vì ung thư và số mắc mới lên đến hơn 400 trường hợp. Trong đó, 1/3 số người mắc ung thư có liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý, thực phẩm kém chất lượng. Theo các chuyên gia về ung thư, trong nhiều nguyên nhân gia tăng số ca ung thư thì thực phẩm bẩn là một nguyên nhân.

(Nguồn: Internet)

Hiện nay, trên địa bàn lượng thực phẩm được cấp chứng nhận tiêu chuẩn an toàn mới chỉ dừng lại ở con số ít ỏi cả về sản lượng sản xuất lẫn sức tiêu thụ. Đối với mặt hàng rau củ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ có một công ty duy nhất trên địa bàn là Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú với sản lượng sản xuất bình quân 60 tấn/tháng. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty cho biết: 100% sản phẩm rau của Hương Đất An Phú là rau sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhưng chỉ có 30% là bán được theo giá rau an toàn, 70% phải bán xô cho thương lái với giá như rau thông thường!

Còn thịt gia cầm với 2 nhãn hiệu là Tuân Cường và Giai Lợi, sản lượng tiêu thụ cũng khiêm tốn, chừng hơn 100 con mỗi ngày. Các nhà sản xuất thực phẩm sạch hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc phát triển thị trường qua kênh siêu thị là chính, hệ thống bán lẻ cũng chưa hình thành. Để có một sản phẩm sạch, người sản xuất phải đầu tư cả một quy trình đảm bảo các chỉ tiêu và nguyên tắc trong sản xuất, do đó, thực phẩm sạch luôn có giá thành cao dẫn đến giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại. Nghịch lý ở chỗ người tiêu dùng luôn nói tẩy chay thực phẩm bẩn nhưng lại ngại chi thêm một khoản tiền để dùng thực phẩm sạch, nhất là trong điều kiện thu nhập khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, gần đây, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, cộng với công tác truyền thông được đẩy mạnh, hy vọng ý thức tiêu dùng của người dân có sự chuyển biến.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm