Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Làm sao phát triển điện gió, điện mặt trời?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo khảo sát khoa học, tiềm năng điện mặt trời tại Gia Lai có thể đạt tới công suất khoảng 4.600 MW. Trong đó, các dự án điện mặt trời trên đất khoảng trên 2.100 MW, điện mặt trời nổi trên nước khoảng hơn 2.500 MW.

Còn theo Giám đốc Sở Công thương Bùi Khắc Quang, Sở đã hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ và văn bản pháp lý có liên quan để triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho các nhà đầu tư; triển khai hoặc phối hợp triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời của tỉnh; xây dựng danh mục các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư trong năm 2018.

 

Ảnh minh họa

Như thế, thiên thời và nhân hòa đã có. Địa lợi càng có mạnh vì Gia Lai nằm trên cao nguyên, quanh năm đầy nắng và gió.

Nhưng quả thật, không đơn giản để phát triển điện gió và điện mặt trời trong hoàn cảnh hiện nay. Cơ sự chỉ vì giá bán 2 loại điện này còn quá thấp, trong khi chi phí đầu tư lại rất cao. Chỉ vì ham rẻ nên người ta đua nhau xây dựng các nhà máy điện than, gây ô nhiễm cực cao cho môi trường. Tại Hội thảo “Năng lượng xanh cho phát triển bền vững”-một trong những chủ đề tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11-1 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, đã nói rất rõ: “Lạm dụng năng lượng hóa thạch đang tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Các số liệu cho thấy, người Việt Nam đang bị mắc nhiều bệnh do chất lượng không khí. Tuy nhiên, từ năm 2017, trên thế giới đã có 75% nguồn năng lượng được cung cấp từ năng lượng tái tạo và than đá chiếm tỷ trọng nhỏ. Nhiều quốc gia trên thế giới sản xuất điện không còn sử dụng nguyên liệu hóa thạch”.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nhà máy điện chạy than đá vẫn tiếp tục mọc lên. Không thể chỉ hô hào suông về sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là tức khắc sẽ có loại năng lượng quý giá này. Công nghệ điện mặt trời và điện gió hiện nay không còn là mới mẻ với thế giới nhưng chưa được sử dụng nhiều ở Việt Nam. Nguyên nhân chính cũng từ giá bán 2 loại điện này. Nếu sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị công nghệ tầm cỡ hàng đầu thế giới thì những nhà máy điện mặt trời hay điện gió về lâu về dài sẽ có giá thành sản xuất điện thấp dần, chứ không phải ngày một cao như sản xuất điện than.

Như vậy, đứng về mặt kinh tế,  phát triển điện mặt trời và điện gió thực sự có lợi. Nhưng ở khoảng thời gian đầu, nếu không tăng giá mua điện ở mức độ hợp lý thì sẽ không thu hút được nhà đầu tư. Đã có những nhà đầu tư “nghiên cứu” rất lâu, thậm chí đã “khởi công” các nhà máy điện năng lượng mặt trời nhưng rồi tất cả vẫn “đắp chiếu nằm chờ”. Họ chờ cái gì? Chắc chắn không phải chờ công nghệ hay thiết bị, vì những thứ đó rất sẵn. Cái họ chờ là giá mua điện của Nhà nước. Chỉ cần tăng giá mua điện mặt trời và điện gió tới mức hợp lý, khiến kinh doanh lĩnh vực này có lãi, thì khỏi cần kêu gọi gì cả, tự khắc các nhà đầu tư sẽ hăng hái vào cuộc.

Kinh doanh, việc đầu tiên phải tính, dĩ nhiên là lợi nhuận. Nhưng kinh doanh điện gió hay điện mặt trời thì ngoài lợi nhuận còn có những cái lợi rất lớn về bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân sinh, cũng là lợi lớn trong chuyện bảo vệ sức khỏe cho người dân. Bây giờ, câu nói cửa miệng phổ biến là “không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế” thì còn gì có lợi hơn nếu phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vì nó thỏa mãn cả phát triển kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.

Đó mới tính tới điện gió và điện mặt trời. Còn một loại điện sạch cực lớn mà nước ta có tiềm năng cực cao là điện thủy triều vẫn chưa được nhắc tới. Cứ nói “tiềm năng” thì rất ghê nhưng thực tế thì chưa thấy gì. Đó cũng là thực trạng ở nước ta hiện nay. Mong sao, thực trạng này sớm thay đổi.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm