Phóng sự - Ký sự

Làm thuê xứ người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày này đang là cao điểm của vụ thu hoạch cà phê ở Gia Lai. Trên những con đường bụi mù đất đỏ, từ sáng sớm, từng tốp người nối nhau đổ về những vườn cà phê đang chín đỏ. Nghe họ nói chuyện với nhau, có thể nhận ra đủ các loại giọng, từ giọng Nghệ, Quảng đến giọng Bình Định, Phú Yên, từ tiếng Jrai, Bahnar của người dân tại chỗ đến cả tiếng Tày, Nùng của người vùng cao phía Bắc. Và qua những lời hỏi thăm í ới của họ, không khó để biết rằng, đa phần những người này đều mới vào Gia Lai từ đầu vụ thu hoạch cà phê.
Rảnh việc nhà thì đi… làm thuê
Từ trụ sở UBND xã Chư  Pơng (huyện Chư Sê), xuyên qua những con đường mòn chạy giữa những lô cao su rợp bóng, chúng tôi ghé vào nhà ông Mạc Thanh Giang ở làng Kênh Siêu đúng vào lúc ông đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Ông Giang cho biết: Vợ chồng tôi có 1,2 ha cà phê nên năm nào đến mùa cũng phải thuê người đến hái. Những vụ trước, tôi thường tìm mấy cậu thanh niên vì nghĩ rằng thanh niên thì sẽ làm khỏe, làm nhanh. Có điều, họ hay đòi về giữa chừng hoặc say sưa rượu chè nên công việc thường bê trễ. Rút kinh nghiệm, năm nay, tôi xuống tận xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện thuê 3 phụ nữ. Mấy người này tuy không khỏe bằng đám thanh niên nhưng bù lại chăm chỉ và biết việc nên gia đình rất yên tâm.
Làm thuê xứ người ảnh 1
 
Chỉ tay vào một người phụ nữ đang nấu ăn trong bếp, ông Giang bảo: “Đây là cô Hường. Cô ấy nghỉ sớm để nấu cơm cho cả nhóm cùng ăn”. Theo ông Giang, tiền công thuê mướn lao động hái cà phê, mỗi nhà trả mỗi kiểu, bao ăn uống thì ít tiền, không ăn uống thì giá chung là 80 ngàn đồng/người/ngày. “Tôi trả luôn cho họ 80 ngàn đồng một ngày để họ ăn uống thế nào thì tùy. Còn chỗ ở, tôi bố trí họ ở riêng một phòng có chăn nệm đàng hoàng”- ông Giang nói.

Bắt chuyện trong lúc chị Hường thổi cơm, tôi được biết, chị là người dân tộc Nùng, quê ở Lạng Sơn. 15 năm trước, do đời sống khó khăn, gia đình chị chuyển vào xã Ayun Hạ sinh sống. Hiện giờ chị đã có gia đình riêng với 2 đứa con, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ học lớp 4. Chị kể: “Nhà 4 miệng ăn mà chỉ có 5 sào ruộng nên rất khó khăn. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi giữa 2 vụ lúa, thấy người làng lên huyện Chư Sê hái cà phê, tôi cũng đi theo. Nhớ chồng, nhớ con lắm nhưng cũng cố chịu để kiếm ít tiền về cho các cháu học hành”. Cũng theo chị Hường, mỗi ngày chị chỉ dám bỏ ra chừng 10 ngàn đồng mua thức ăn, cộng với khoảng 5 ngàn đồng gạo muối. Tính ra, trừ tiền ăn uống, mỗi ngày chị để dành được 65 ngàn đồng.
Cùng làm công cho nhà ông Giang với chị Hường còn có chị Hoàng Thị Giỏi ở thôn Thanh Hà, xã Ayun Hạ. Chồng mất sớm, một mình người phụ nữ dân tộc Nùng này vất vả nuôi 3 đứa con. Thế nên, cứ sau mỗi mùa cày cấy trên 2 sào ruộng của nhà, chị lại tranh thủ đi làm thuê cho người khác kiếm tiền. Mùa mì chị đi nhổ mì, thái mì cho những người xung quanh xã. Mùa cà phê, chị đón xe lên huyện Chư Sê hái cà phê. Số tiền mỗi lần đi làm cũng chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng giúp chị trang trải chi tiêu lặt vặt trong gia đình và mua thêm mấy bao phân bón lúa. Chị bảo, hái cà phê vất vả lắm, nhất là những lúc kéo bạt, vác bao cà phê nhưng được cái thu nhập cũng khá nên phải cố. Khi nào thủy lợi mở nước cho bà con làm lúa thì lại về.
Và làm thuê chuyên nghiệp
Nếu những người như chị Hường, chị Giỏi coi việc làm thuê là một thứ tranh thủ lúc nông nhàn rỗi rãi nhằm kiếm thêm tiền chi tiêu lặt vặt cho gia đình, con cái thì tại huyện Chư Sê, chúng tôi đã gặp khá đông những người quê Phú Yên, Hà Tĩnh, Nghệ An coi làm thuê là một việc chuyên nghiệp, quanh năm suốt tháng. Hầu hết những người này tuy là nông dân nhưng lại không có đủ đất để sản xuất ở quê nhà nên buộc phải tha hương bán mồ hôi mưu sinh.
Chị Lê Thị Hòe gọi điện về quê hỏi thăm chồng con. Ảnh: T.D
Chị Lê Thị Hòe gọi điện về quê hỏi thăm chồng con. Ảnh: T.D
Tại xã Ia Glai (huyện Chư Sê) chúng tôi đã gặp anh Lê Văn Thế, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bố mất sớm, nhà lại chỉ có 2 sào ruộng nên mẹ con Thế chẳng mấy lúc thoát khỏi sự túng quẫn. Giữa lúc chẳng biết đi đâu, làm gì để đỡ đần cho mẹ thì năm 2008, Thế được một người bà con từ huyện Chư Sê về rủ vào làm rẫy. Thế tâm sự: “So với những chúng bạn cùng lứa đi làm công nhân ở các khu công nghiệp thì thu nhập từ làm rẫy thuê không cao bằng nhưng bù lại ở đây ít phải chi tiêu nên mỗi năm em cũng để dành được hơn chục triệu đồng gửi về cho mẹ. Chỉ có điều, phải xa nhà lâu ngày cũng buồn và thương mẹ, nhất là những lúc quê nhà lũ lụt như hồi tháng 9, tháng 10 vừa qua”.

Cùng làm chung rẫy với Thế còn có chị Lê Thị Hòe, quê ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Mới 32 tuổi song những dấu vết của sự lam lũ đã in hằn trên khuôn mặt của người phụ nữ này. Chị kể, ở quê, nhà chị chỉ có 1 sào ruộng. Hai vợ chồng quần quật quanh năm vẫn chẳng đủ nuôi miệng chứ đừng nói đến chuyện lo cho 3 đứa con học hành. Vậy nên, năm này qua năm khác, vợ chồng chị cứ thay nhau đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Đầu năm chồng đi theo cánh phụ hồ nay đây mai đó, cuối năm vợ lặn lội vào Tây Nguyên hái cà phê thuê.
Đầu tháng 9 vừa rồi, chủ vườn gọi điện về giục nên chị Hòe phải vào sớm hơn mọi năm. Đi được ít ngày thì nhận được điện thoại của chồng báo ngoài quê đang lụt, nước ngập ngang nhà, con cái phải đem đi gửi, bao nhiêu lúa cất trong nhà đều bị nước cuốn trôi sạch. Những ngày ấy, lòng chị nóng như có lửa đốt, cứ rảnh tay là mượn điện thoại của mấy người cùng làm điện về hỏi thăm tình hình nhà cửa. Thương chồng, thương con ngoài quê bữa đực bữa cái, nước mắt cứ trào ra. Đã có lúc chị định bỏ hết công việc để về quê nhưng phần vì không có tiền, phần vì nghĩ có về cũng chẳng giúp được bao nhiêu cho chồng con nên chị cắn răng ở lại. Chị ngậm ngùi: “Cố ở lại mấy tháng còn có ít tiền mang về cho con cái ăn học chứ về nhà lúc ấy biết lấy gì mà lo chúng nó”. Khi chúng tôi hỏi, liệu sang năm chị có còn vào Gia Lai hái cà phê thuê nữa không, chị Hòe không ngần ngừ đáp: “Có chứ. Đi đến khi nào không còn đi được nữa thì thôi. Tuy có phải đi lại xa xôi, công việc có vất vả nhưng còn có tiền chứ ở ngoài quê thì biết làm gì để nuôi con”. Cũng theo chị Hòe, mấy năm nay, cứ vào mùa cà phê này, đàn bà, con gái quê chị lại vào Đak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai làm thuê nhiều lắm.
Rời Ia Glai vào xã Dun (huyện Chư Sê), chúng tôi gặp anh Huỳnh Văn Kỉnh, quê Phú Hòa, Phú Yên đang làm thuê cho một chủ rẫy tên Thắng khi anh đang lui cui nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Trên bếp, ngoài nồi rau cải là một chiếc xoong nhỏ đựng mấy lát cá nục kho từ sáng. Hỏi sao làm những 80 ngàn đồng một ngày mà chỉ ăn có vậy, anh cười bảo: “Ăn cho xong bữa ấy mà. Ăn nhiều lấy đâu tiền mà mang về cho vợ”. Rồi anh kể: Vợ chồng tôi ở quê chỉ có vẻn vẹn 2 sào ruộng, cả năm thu hoạch cũng chỉ được dăm tạ thóc. Khó khăn lắm nên tôi để ruộng cho vợ làm còn mình thì đi làm thuê. Hết làm mía, làm mì ở Phú Yên thì lên Gia Lai hái tiêu, cà phê, có khi 1-2 tháng mới về thăm vợ một lần. 
…Rời vùng cà phê Chư Sê, câu chuyện về những người hái cà phê thuê khiến chúng tôi vừa xúc động, vừa ám ảnh. Bởi nhờ những chuyến đi như thế, chúng tôi mới hiểu rằng, xung quanh ta vẫn còn rất nhiều người đang sống hết sức khó khăn. Họ phải chấp nhận xa gia đình, chấp nhận bán giọt mồ hôi của mình để đổi lấy những đồng tiền mang về cho gia đình, để cha mẹ họ khi ốm đau có thêm viên thuốc, hộp sữa, cho con cái họ thêm tấm áo, quyển vở đến trường. Xen giữa niềm thương cảm cho những phận đang phơi mình trên rẫy cà phê giữa cái nắng hanh hao của mùa khô Tây Nguyên ấy là một sự khâm phục về ý chí vượt qua đói nghèo bằng chính sức lao động của họ.
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm