(GLO)- Nhà văn Chử Anh Đào lại vừa ra một cuốn sách mới: “Những làng ma tôi đã đi qua”, ghi rõ là “những ghi chép về Gia Lai”. Đáng chú ý, đây là cuốn sách bạn bè ở Hà Nội in tặng khi anh đang điều trị bệnh và sách được gửi về nhà khi anh đang ở một bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. Mừng cho bạn và lại lan man nghĩ về nghề...
Viết văn là nghề rất khó. Và nếu các nơi khác khó 1 thì ở Gia Lai phải khó tới 2, 3. Đủ thứ khó, từ không khí sáng tác, áo cơm níu kéo, bạn đọc, quan niệm và cách nhìn của xã hội, rồi đầu ra... Thế nhưng, vẫn có một nhóm người kiên trì và đam mê, lặng lẽ và hứng khởi... ngồi nặn từng con chữ thành tác phẩm, bắt mình quần quật lao động sáng tạo.
Bìa tập sách mới xuất bản của tác giả Chử Anh Đào. |
Nhiều người cho rằng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là một cái mỏ tiềm ẩn cho người viết văn. Một đời sống tâm linh bí ẩn, một sự vỡ da đau đớn và sung sướng, một quá khứ bi hùng, những xô dạt trắc ẩn, những thân phận mông muội và phong phú, những cuộc đời lênh đênh và tự tại, chênh vênh cùng bền vững, khắc khoải cùng an nhiên, khoảnh khắc và dằng dặc... khiến cho có người từng ví Tây Nguyên giống như một thời Nam Mỹ của Gabriel Marquez. Tây Nguyên vốn dĩ mang trong nó nhiều bí ẩn, đầy mâu thuẫn tưởng như trái ngược nhưng lại rất thống nhất, đa dạng phong phú nhưng lại cũng thuận hòa, trong đời thực và cả trong tác phẩm văn học.
Một số người đang sống và viết ở Tây Nguyên nhưng hầu như không có dòng nào về Tây Nguyên, có chăng là nhắc phố núi, chiều mưa, Yàng ơi... tức nó chỉ là cái vỏ hình thức, chứ còn sâu thẳm đời sống Tây Nguyên thì chưa chạm vào được. Nhưng lại cũng có những người, có trách nhiệm hẳn hoi, cho rằng viết về Tây Nguyên là phải... nhắc đến Tây Nguyên, một Tây Nguyên với những địa danh cụ thể, với đại ngàn, với hùng vĩ, với trầm hùng, với hàng loạt tính từ mỏi mòn khác, phải tả Tây Nguyên, những là buôn làng, bà mẹ, thiếu nữ, những là ôi a yêu thương đau đớn... các kiểu.
Tôi thì cho rằng, nhà văn tài hoa là người không kể, không tả, mà phải viết về sự mình cảm nhận, mình chiêm nghiệm về vùng đất ấy. Những xê dịch, những rạn nứt, những đổ vỡ... theo quy luật và cả phi quy luật, tức là các yếu tố khách quan và chủ quan tác động vào sự phát triển, sự biến đổi, sự vỡ da ấy. Phải đưa ra được những dự báo chứ không kể tả, việc ấy của báo chí. Vì thế, Tây Nguyên, Gia Lai hiện lên trong tác phẩm, nó không “kêu như chuông”, mà nó chìm vào trong hình ảnh, hình tượng, nó ở giữa chữ, phía sau chữ, nó ở trạng huống cảm xúc, ở kết cấu tác phẩm... Nó còn nằm ở phía những tiên tri, dự báo...
Nhà văn phải sống tận cùng với đời sống. Không phải sống kiểu cùng ăn, cùng ở, mà còn phải nghiên cứu, học hỏi, phải luôn liên tưởng so sánh, đau đáu nhưng phải tỉnh, yêu thương nhưng đừng gào lên mà cần tỉnh táo... Một vài ví dụ: Có nhà văn nọ viết truyện, có nhân vật phụ nữ đi mua… lông gà, lông vịt trong làng đồng bào dân tộc. Nhà văn này không biết rằng, người Tây Nguyên không nhúng nước sôi vặt lông gà mà họ nhúng nước rồi đốt gà. Mà đốt như thế thì lấy đâu lông gà, lông vịt mà mua. Vả lại, giữa lông gà, lông vịt thì chủ yếu người ta mua lông vịt vì lông vịt giá trị hơn, mà người Tây Nguyên hầu như không nuôi vịt, vịt là động vật ưa nước, Tây Nguyên lấy đâu ra nước mà nuôi vịt. Chưa hết, khi tả các phong tục thì lẫn lộn lung tung giữa Bahnar với Jrai, giữa Ê Đê với Rơ Ngao, cứ đại khái là già làng khấn: Ơi lũ làng, ơi thần sông, thần núi, thần rẫy, thần rừng, rồi thì cái mày cái tao, cái bụng cái rẫy... lẫn lộn giữa tết cơm mới với lễ pơ thi, giữa tượng nhà mồ với hình tượng rau dớn nhà rông, giữa việc đẻ trong rừng với kiêng khem đốt lửa hơ hóng của người Kinh...
Nhà văn bây giờ, nói là ở Tây Nguyên, nhưng phần lớn là sống ở thành phố, ở các khu đô thị, lâu lâu lại đi “thực tế”. Những cuộc thực tế vài ba ngày ấy là rất quan trọng và cần thiết nhưng nó chỉ như là... cưỡi ô tô ngắm làng. Ai đó nói không cần đi thực tế vẫn viết được, tôi thì không tin, bởi nếu không đi thực tế hoặc không sống cùng, chỉ ngồi một chỗ, làm sao biết được cái cuộc tế trâu nó khác lễ cơm mới như thế nào, cái khố khác cái váy thế nào và sâu xa hơn nữa, chiều sâu tâm hồn tính cách con người như thế nào? Có thể ngồi một chỗ gõ Google tìm số liệu, nhưng Google không thể chỉ ra chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn, những phập phồng thức mở của từng nhịp đập trái tim, của những li ti rung động và cả những chấn động lớn trong tâm hồn con người giữa cuộc sống còn nhiều những vòng xoay trái chiều hôm nay. Phía trong cái vẻ trầm mặc của đời sống có vẻ buồn bã kia là điều gì, những gì đang cuộn xoáy phía trong...
Nhưng các bạn tôi vẫn lần lượt ra sách. Gần đây, tôi dự những cuộc ra sách rất thú vị. Như cô giáo Lữ Hồng, ra sách khi đang vừa điều trị ung thư vừa dạy học. Thơ đã giúp cô bình an để tồn tại một cách đàng hoàng nhất. Chử Anh Đào, bạn viết của tôi gần 40 năm qua cũng thế. Và rất nhiều bạn viết trẻ nữa, họ vẫn âm thầm viết, lặng lẽ in và an nhiên giữa cuộc đời này bằng chữ của mình, bằng những xao động của mình truyền cho người đọc.
Văn chương Gia Lai vẫn âm thầm chảy, dẫu không phải tất cả đều suôn sẻ, không phải tất cả đều an nhiên, đều rờ rỡ. Những nội lực cá nhân đang lặng lẽ chứng minh vai trò của mình bên cạnh những ồn ào hào nhoáng xưng tụng...
Văn Công Hùng