(GLO)- Mấy hôm nay trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh Gia Lai coi việc sân bay Pleiku hoạt động trở lại sau gần 6 tháng dừng để nâng cấp, sửa chữa là một sự kiện thông tin. Từ chuyện… bay trở nên “nóng”, tôi lại nhớ về sự “lạnh” của một thời về hàng không Phố núi…
1. Không ít người Pleiku trong những năm của thập kỷ 50, 60, 70 thế kỷ trước từng biết đến ở nơi đây đã có các sân bay quân sự và dân dụng. Có vài bài viết cho rằng trước thập niên 60 đã có hai sân bay, một nằm ở phía Tây-Bắc Hàm Rồng (Pleiku) và hai là ở khu vực nhà máy chè Bàu Cạn (Chư Prông), đường băng làm bằng đất, là nơi thi thoảng cất và hạ cánh của máy bay quân sự và dân dụng của chế độ cũ. Rồi đến những năm sau đó, người ta cho xây dựng tiếp các sân bay Cù Hanh, AREA, chủ yếu là phục vụ cho hoạt động quân sự, riêng sân bay Cù Hanh có dành một phần cho dân sự. Trước năm 1975, người ta ví Pleiku như là căn cứ quân sự khổng lồ (hay còn gọi là trại lính) của quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, cho nên hầu hết các sân bay xây dựng trên vùng đất Gia Lai nói chung và Pleiku nói riêng dành phần lớn phục vụ cho quân đội là điều không khó hiểu.
Những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, sân bay Pleiku phục vụ hàng trăm chuyến bay. |
Sau ngày giải phóng năm 1975, sân bay AREA không còn hoạt động, người viết bài này được biết, hạ tầng của sân bay gần như bị phá sạch, cùng chung số phận với AREA là không ít các sân bay dã chiến phục vụ cho quân đội Mỹ-Ngụy thời trước năm 1975 như Chư Nghé (Ia Grai), Cây Me và Tân Tạo (An Khê), Đức Cơ (Đức Cơ). AREA bây giờ là nơi đóng quân của một quân đoàn trên địa bàn thành phố Pleiku; các sân bay khác đến nay may ra còn lại trong ký ức của lớp người cùng thời…
Cù Hanh (sân bay Pleiku) lại khác, sau ngày 17-3-1975 (ngày giải phóng tỉnh Gia Lai), bộ đội Phòng không-Không quân Quân Giải phóng nhận lệnh của cấp trên đã tiếp quản, tổ chức thu dọn các khí tài trang bị đã hư hỏng, khôi phục hệ thống
Tháng 5-1977, sân bay Pleiku chính thức hoạt động trở lại, với mạng đường bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh)-Pleiku-Gia Lâm (Hà Nội), Gia Lâm-Đà Nẵng-Pleiku-Gia Lâm, một chuyến/tuần, với những loại máy bay AN 24, YAK 40... Những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, sân bay Pleiku phục vụ hàng trăm chuyến bay đón nhân dân từ các tỉnh phía Bắc đến xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên; đón các lực lượng chức năng từ các nơi khác về đây tham gia chiến dịch truy quét bọn tàn quân, phản động FULRO và phục vụ chiến đấu chống quân Polpot bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
2. Không thể nhớ chính xác ngày, nhưng đó là khoảng hạ tuần tháng 8-1978, nhận được giấy báo nhập học ở Trường Sĩ quan Cơ yếu Xuân Hòa-Hà Nội (hồi đó gọi như vậy), chỉ còn mấy hôm nữa là khai giảng năm học mới, mà đường bộ thì ngày ấy ai chẳng biết nó kinh khủng, nó thẳm xa, nó trần ai như thế nào khi nói đến việc đi xe đò bằng những loại phương tiện cũng kinh khủng không kém để ra thủ đô. Mà chuyện đi máy bay thì đâu dễ gì với một viên chức không có chức gì màng đến. Biết được sự “trăn trở” sợ mất học của nhân viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum bấy giờ, chú Hoàng Thanh Hà quyết cho một cái vé máy bay. Mừng ơi là mừng, chẳng nói thành lời để mà cảm ơn người đứng đầu cơ quan luôn quan tâm, để ý tới mọi “sự kiện” của nhân viên mình. Và đó là lần đầu tiên một nhân viên của Văn phòng Tỉnh ủy được bước chân lên máy bay, và nhân viên ấy cũng là lần đầu tiên được biết máy bay là như nào. Nhân viên ấy, là người đang ngồi gõ những dòng nói về chuyện cũ rích này đây.
Ngôi nhà trước đây là phòng bán vé máy bay ở dốc Diệp Kính. Ảnh: Đức Thụy |
Còn nhớ, hồi đó vé máy bay duy nhất có một loại, một giá, mà giá nếu chỉ nhìn số tiền thì tưởng rẻ, nhưng so với lương, với vàng thì ôi thôi… lương của người viết bài này khi ấy là 56 đồng một tháng, vé máy bay gần gấp đôi-90 đồng tuyến Pleiku-Hà Nội. Lúc đó, hình như mỗi tuần chỉ có mỗi chuyến bay từ Pleiku đi Hà Nội theo tuyến Tân Sơn Nhất-Pleiku-Đà Nẵng rồi mới đến điểm cuối là sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Người khác thì không biết, riêng tác giả bài báo này thì cái cảm giác lần đầu được đi máy bay nó như mình chuẩn bị cho một cuộc đổi đời to lớn, khi cầm trên tay tấm vé thì mấy ngày đêm tâm trí cứ như ở trên mây, chân tay chẳng đặng yên, miệng cười cứ roi rói, nghĩ đến mình đi trên trời thì lòng cứ nao nao khôn tả… Những người đồng hành với tôi khi đó là những người mà theo tôi là quan chức, là người giàu sang phú quý, lịch lãm, hiểu biết…, bên họ mình như kẻ lạc lõng, ngớ ngẩn. Chẳng bù cho thời thị trường ngày nay với sự cạnh tranh của nhiều hãng hàng không mà giá vé bay cứ thi nhau hạ, nhân dân được nhờ, nhưng cũng nảy sinh nhiều chuyện bi hài trên các chuyến bay mà chắc ai trong chúng ta cũng đã từng có lần biết đến!
Còn nhớ, cái phòng bán vé máy bay nằm ở lưng chừng dốc Diệp Kính (Pleiku), bên phải đường tính từ phía trên xuống. Bây giờ chẳng biết căn nhà ấy chủ sở hữu thuộc về ai, nhưng nó đã gần như hoang phế, thế mà mỗi khi có dịp ngang qua, nó lại gợi cho tôi bao điều về cái chuyến đầu tiên được bay. Mãi sau này, khi vui vui khoe chuyện lần đầu đi máy bay, lớp trẻ chẳng tin, bảo khi đó ở Pleiku làm gì đã có máy bay dân dụng, thì thôi vậy, đành vậy, mình mình biết vậy. Mấy lần kể từ khi cảng hàng không Pleiku hoạt động sau ngày giải phóng, sân bay này đã được nâng cấp, sửa chữa; đường băng, nhà ga, hạ tầng dịch vụ khác được cải tạo, làm mới, các chuyến bay trong tuần, trong ngày đi và đến từ các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng tăng lên đáng kể, nó giải quyết một phần lớn nhu cầu đi lại của người dân, cán bộ, chiến sĩ, doanh nhân của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum trong khi đường bộ chưa đáp ứng được vì hạ tầng khá kém, và sự không thể của việc đầu tư xây dựng đường sắt như mơ ước của bao người.
3. Thông tin trên báo Gia Lai cho hay, sau gần 6 tháng dừng khai thác để nâng cấp, sửa chữa, chiều 1-9 vừa qua, chuyến bay đầu tiên đến từ Tân Sơn Nhất đã hạ cánh, mở đầu cho việc đưa sân bay Pleiku vào hoạt động trở lại với tầng suất tăng nhanh trên các tuyến nội địa đi và đến từ các thành phố trung tâm của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng bằng các loại máy bay có sức chứa lớn hơn trước đó. Đồng thời cũng từ nay, cái gọi là độc quyền “bay” ở đây không còn nữa, bởi ngoài Vietnam Airline còn có các hãng hàng không giá rẻ khác như Vietjet Air và JetStar Pacific Air. Người dân Phố núi, Gia Lai nói riêng; Kon Tum và các địa phương lân cận cùng chung niềm vui khi mà sân bay Pleiku lại đi vào hoạt động. Pleiku, thủ phủ của Gia Lai-tỉnh nằm ở vị trí trung tâm phát triển của khu vực Bắc Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia, Hạ Lào, vùng được cho là cái tâm của Tam giác phát triển cả 3 nước Đông Dương.
Sân bay Gia Lai chính thức mở cửa trở lại sau 6 tháng tạm ngừng hoạt động. |
Mấy hôm nay Phố núi có nhiều niềm vui đáng nhớ, người người, nhà nhà tưng bừng đón chào lễ kỷ niệm tròn 70 năm nước nhà độc lập; kinh tế-xã hội gần về cuối năm, sau đại hội các Đảng bộ cấp huyện đánh giá bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ; lại nữa, mới chiều 1-9 đây, trên sân Pleiku, đội nhà HAGL tưng bừng thắng trận, được coi sau trận thắng này chín chín phần trăm trụ hạng V-league 2015, người dân Phố núi hân hoan đón chờ trận cuối; và nữa, trong cái bầu không khí ấy, Cảng Hàng không Pleiku cũng tưng bừng khai trương sau gần hai trăm ngày cán bộ, công nhân ở đây vật mình với công việc trên công trường cải tạo, nâng cấp sân bay Phố núi…
Bích Hà