Lan tỏa sâu rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 10 năm thực hiện chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X), công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Mở rộng quy mô trường lớp

Những năm qua, quy mô giáo dục, hệ thống trường lớp phát triển khá nhanh, phù hợp với từng địa bàn dân cư và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; các loại hình giáo dục và đào tạo được mở rộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Toàn tỉnh hiện có 827 trường ở bậc học mầm non và phổ thông; 2 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh; 17 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện; 23 trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; 3 trường trung cấp chuyên nghiệp; 2 phân hiệu đại học; 2 trường cao đẳng; 2 trường trung học chuyên nghiệp… Ngoài hệ thống giáo dục chính quy, hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 28 trường mầm non ngoài công lập; ở bậc học phổ thông, có 1 trường tiểu học dân lập, 1 trường THCS tư thục và Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương tại TP. Pleiku (gồm 3 cấp học).

 

Báo Gia Lai trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Ảnh: K.N.B
Báo Gia Lai trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Ảnh: K.N.B

10 năm qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm đến công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực triển khai các biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đến lớp. Hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng và huy động bộ đội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên mở các lớp xóa mù chữ. Nhờ đó, tỉnh luôn duy trì, giữ vững kết quả phổ cập THCS và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Công tác bổ túc THPT được chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Giáo dục thường xuyên từng bước phát triển, các trung tâm không ngừng được củng cố, đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp giảng dạy. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giáo dục thường xuyên tăng về số lượng và chất lượng. Để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch tổ chức các lớp ngoại ngữ, tin học tại Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học của tỉnh. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên cấp huyện thường xuyên tạo điều kiện học tập thuận lợi, đáp ứng nhu cầu người học. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, kiến thức, cập nhật thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác.

Đẩy mạnh công tác khuyến học

Hệ thống tổ chức Hội Khuyến học được củng cố và phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, có 17/17 huyện, thị xã, thành phố và 222/222 xã, phường, thị trấn đã thành lập được Hội Khuyến học với 2.528 chi hội (tăng 935 chi hội so với năm 2007), 641 Ban Khuyến học cơ sở với số lượng hội viên tham gia là 165.422 người (tăng 129.922 người so với năm 2007). Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Các địa phương có phong trào khuyến học phát triển mạnh, như các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Phú Thiện; thị xã An Khê; TP. Pleiku. Riêng huyện Đức Cơ đã chú trọng phát triển công tác khuyến học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội Khuyến học các cấp đã trở thành nhân tố quan trọng trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tổ chức Hội được xây dựng rộng khắp và từng bước được củng cố, nhờ đó, các hoạt động khuyến học không ngừng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực; sự phối hợp giữa Hội Khuyến học các cấp với các ngành liên quan, các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Việc xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng tiếp tục được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 222/222 xã, phường, thị trấn đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng từng bước được đẩy mạnh và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tại nhiều địa phương, trung tâm học tập cộng đồng triển khai các chuyên đề theo chương trình giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ. Các cơ sở dạy nghề phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh. Việc tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tại các trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo ngành Giáo dục-Đào tạo, Hội Khuyến học các cấp cùng với MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Nhiều dòng họ đã chủ động, tích cực thành lập các chi hội khuyến học dòng họ, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích học tập khá, giỏi. Đến nay, có 2.490 gia đình, dòng họ, cộng đồng khuyến học được các cấp Hội đề nghị xét khen thưởng. Đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có 64.780 gia đình, 175 dòng họ, 296 cộng đồng học tập cấp thôn, làng và 16 cộng đồng học tập cấp xã đăng ký xây dựng các mô hình học tập.

Thay lời kết

Có thể khẳng định, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Mạng lưới trường lớp không ngừng được mở rộng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập. Các phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập ngày càng được nhân rộng; các hoạt động hỗ trợ giáo dục, khen thưởng giáo viên, học sinh vượt khó dạy giỏi, học giỏi… đã có tác động tích cực trong xã hội và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ngọc Hải

Có thể bạn quan tâm