Phóng sự - Ký sự

Làng chài tỷ phú chìm trong biển nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Chắc xuống đất mới hết nổi nợ, cả làng nợ, mỗi người vài tỷ tới chục tỷ”, một người dân Nghĩa An, TP Quảng Ngãi nói không ra hơi và cho biết, nhiều ngư dân đã rời bỏ nhà cửa. Làng chài tỷ phú nổi tiếng nhất nước đang chìm đắm trong nợ, ước tính có khoảng 400 gia đình sẽ mất nhà vì thế chấp ngân hàng và vay nóng.
Nhà hoang
Trưa hè nắng cháy, làng chài Nghĩa An và Nghĩa Phú ở bên sông Cổ Lũy Cửa Đại rơi vào cảnh hiu hắt và buồn hơn bao giờ hết. Trên đường thôn thỉnh thoảng lại xuất hiện cán bộ thi hành án; cán bộ ngân hàng tới xem nhà, nhìn tàu để phát mãi tài sản. Nợ nần nặng nề đến mức khiến nhiều gia đình giàu có tại xã rơi vào cảnh tê liệt.
Ngư dân Lê Hoài Phong cho biết “Nhiều nhà dọc lối này đóng cửa bỏ đi, cắt điện thoại, giao cho cụ già ở nhà hầu chuyện. Nghĩa An rất thảm bại, thê thảm hơn bao giờ hết, chờ 2 năm rồi nhưng chưa thấy nhà nước có chính sách quan tâm giúp bà con ngư dân”.
 
Ngư dân khóa cửa tàu, bỏ vào Nam làm thuê.
Đánh cá không đạt năng suất, vay quá nhiều, đóng tàu ồ ạt, sử dụng máy tàu Trung Quốc, cạnh tranh ngư trường…là những chiếc cùm lôi cả đoàn tàu và hàng ngàn ngư dân chìm trong biển nợ.
Bà Trần Thị Bé, ở thôn Phổ Trường nói không ra hơi “hai cha con đi bạn từ đầu năm tới giờ ở miền Bắc, về phủi tay nói không có gì hết, thằng con nói chỉ còn mấy ngàn lẻ, cho tiền con đi mua đôi dép”. Một phụ nữ khác tên Hải thì cho biết, “tàu đánh cá ở Vịnh Bắc Bộ, nếu cập vô bờ là bạn nhảy hết, vì không có tiền chia cho bạn”.
 
Hiện nay nhiều tàu cá tiền tỷ của bà con ngư dân Nghĩa An bỏ chìm, vô chủ tại cửa biển các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạch Long Vĩ, Nam Định…
Dọc theo đường xóm ở các thôn Phổ Trường, Phổ An của xã Nghĩa An, có nhiều ngôi nhà của những thuyền trưởng danh tiếng nhất nhưng lâm cảnh đóng cửa, chủ nhà im hơi lặng tiếng và mỗi ngày đếm tiền lẻ bằng nghề nhặt ớt.
Nhiều chị em phụ nữ xì xào chuyện ông H, ông T “hồi kia tiền trăm triệu cũng nói là ít, bây giờ cứ 5 giờ sáng lên xã Nghĩa Giõng ngửa tay nhận vài bao ớt của nông dân mang về để phân loại, mỗi ngày thu nhập khoảng 200 ngàn đồng, thê thảm chưa từng có, nhưng không làm thì tiền đâu mà mua gạo”.
Cửa biển Cửa Đại Cổ Lũy có đội tàu hơn 1000 chiếc làm nghề lưới giã cào, bên cạnh đó là một số tàu làm nghề lưới chuồn, câu bủa. Nghề giã cào đều chết, nghề lưới thì vẫn giữ được ổn định. Tôi đã 2 lần gặp bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An để nắm bắt tình hình. Cách đây gần 1 năm thì bà Thu nói chuyện chờ, hy vọng tình hình xoay chuyển. Nhưng lần này thì bà Thu lắc đầu nói: “Khoảng 70-80% tàu cá làm nghề giã cào gặp khó khăn, bà con vay tín dụng ngân hàng, địa phương thì không có vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nên không biết phải xoay sở giúp đỡ bà con như thế nào...”.
 
Một ngôi nhà đóng kín cửa ở xã Nghĩa An.
Câu chuyện của bà Thu cho thấy, sau gần 2 năm làng chài lún trong đầm lầy nợ và mỗi ngày một ngập sâu thì tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có một giải pháp gì để cứu làng chài trong cơn tuyệt vọng.  
Bóng hào quang
Quay lại khung cảnh cửa biển Cửa Đại Cổ Lũy 3 năm về trước, đây là cửa biển tỷ phú, vì cứ vài ngày thì làng chài nhận được thông tin về tiền, tiền về dồn dập. Ví dụ như tàu cá của ngư dân Trần Thanh Vương đi biển 5 chuyến ở Vịnh Bắc Bộ, thu về 5 tỷ.
Cửa Đại Cổ Lũy trở thành làng chài nổi tiếng khắp cả nước, vì thu nhập của mỗi thuyền trưởng dưới 30 tuổi mỗi năm từ 1 đến 2 tỷ đồng. Có chủ tàu mỗi năm thu về tương đương gần nửa triệu đô la. Những chiếc tàu mới đóng có chiều dài 25 mét thì không cần mời mọc, bạn chài cũng xuống xin theo.

Ông Trần Văn Chinh, phụ trách nghề cá của xã Nghĩa An chia sẻ, nhà nước hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp là lối thoát duy nhất giúp ngư dân ra khỏi nợ nần.


Câu chuyện đi 5 phiên kiếm 5 tỷ từ tàu giã cào cao tốc đã cuốn nhiều người vào cuộc đua mới - bán tàu giã cào có chiều dài 19-21m trị giá 6 tỷ đồng để đóng tàu dài 25-26m với giá từ 10 đến 12 tỷ đồng.
Nhiều ngư dân đi bốc nóng tiền lãi suất 10% để đóng một chiếc tàu, sau đó thế chấp chính con tàu này cho ngân hàng để vay đóng tiếp 1 tàu nữa cho đủ cặp tàu kéo lưới giã cào.
Các ngân hàng Vietcombank chi nhánh Dung Quất, Ngân hàng Nông Nghiệp, Sacombank đều mở hầu bao cho ngư dân.
Giữa làng chài tỉnh thoảng treo một tấm băng rôn “ngân hàng đồng hành ngư dân bám biển”.
Giữa lúc say sưa thắng lợi đó, không ai đoán được rằng, thời hoàng kim sẽ diễn ra rất ngắn. Bước sang nửa năm 2017, đoàn tàu giã cào bắt đầu “đi có, về không”. Khi đánh bắt không đạt thì ngư dân mới điểm lại những sai lầm.
Trước tiên đó là hàng trăm tàu cá thi nhau gác máy Nhật Bản, bỏ máy Trung Quốc mới và công suất lớn xuống để chạy cho lẹ, nhưng gắn với phương châm “xài 3 năm rồi bỏ bờ”.
Ông Lê Hoài Phong, là chủ của 2 chiếc tàu cho biết, “máy mới của Trung Quốc giá ngang hoặc rẻ hơn máy cũ của Nhật Bản, sức kéo mạnh nên người dân họ ưa”. Nhưng máy Trung Quốc thì chi phí tiền dầu luôn gấp đôi máy Nhật Bản đã qua sử dụng; tiêu hao dầu nhờn thì khinh khủng.
 
Ngư dân Lê Hoài Phong với lá đơn hàng trăm người ký cầu cứu ngân hàng và chính quyền.
Theo bài toán phân tích của ông Phong thì có chiếc máy Trung Quốc hao nhớt thậm chi gấp 15 lần máy Nhật Bản, mỗi phiên tiêu mất vài chục thùng nhớt, mỗi thùng có giá 12 triệu đồng.

Trong quá trình tiếp xúc với ngư dân, phóng viên đã gặp cỗ máy kinh khủng nhất, đó là chiếc máy hiệu Weichai, seri X6170ZC550-4 của ngư dân Nguyễn Văn Thanh ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, mỗi ngày tiêu tốn 12 lít nhớt, giá thành là 12 triệu đồng.


Thứ 2 nữa là tình hình cạnh tranh trên biển ngày một gay gắt. Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ một đôi tàu cá cho biết, “ra Vịnh Bắc Bộ, đánh cá mới nửa thời gian là vội vàng kéo lên đổ cá.
Đánh cá mà ngày đêm tim gan rối bời bởi tàu cá Trung Quốc đông quá, họ càn qua là dứt luôn lưới, mất cả cá.
Ngư trường đông tàu như vậy nên đánh hoài cũng chỉ đủ tiền dầu, không đủ chi phí sửa chữa và bạn thì cũng không có tiền chia”.
Tôi rời cửa biển Cửa Đại Cổ Lũy trong lúc người dân chuyền tay nhau lá đơn đồng loạt ký, xin ngân hàng khóa lãi suất. Nhiều người chia sẻ “tàu thì cứ xuống thu, chứ hiện nay bỏ chìm ở các cửa biển khắp nơi, Nghĩa An chết dở sống dở”.
Tại cảng Tịnh Hòa cách đó không xa, nhiều chiếc tàu của ngư dân xã Nghĩa An đang trong cảnh neo tàu, đóng cửa đã hơn 2 năm, chỉ chờ đến ngày rã ván, chìm tàu.
Lê Văn Chương (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm