Lặng lẽ “thân cò” nuôi con tật nguyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một nỗi đau đến vô cùng cứ dai dẳng đeo bám trong trái tim những người mẹ yếu ớt. Nỗi đau ấy in hằn trên khuôn mặt khắc khổ, trên đôi vai mỏng manh và trong đôi mắt ầng ậc nước. Đó chính là nỗi đau về số phận bất hạnh của những đứa con tật nguyền-giọt máu mà họ hết mực yêu thương. Và dẫu cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu thì những người phụ nữ ấy vẫn lặng lẽ hy sinh cho sự sống của con mình.

Đắng lòng…

Trên chiếc giường gỗ, đứa con gái tật nguyền 23 tuổi hú lên những tiếng hoang dại. Dưới bếp, người chồng bị chứng tâm thần phân liệt la hét, chửi bới đòi bữa cơm trưa. Và sau vườn, đàn heo lớn nhỏ cũng đua nhau kêu la ầm ĩ. Tất cả những âm thanh ấy hòa lẫn vào nhau rồi trở nên đặc quánh lại, bao vây lấy cái thân hình nhỏ bé của người chủ gia đình-chị Lê Thị Thắm (tổ 12-phường Phù Đổng-TP. Pleiku). Ngày nối ngày, cảnh tượng đắng lòng ấy vẫn diễn ra trong căn nhà cấp 4 hoen ố, cũ kỹ.
 

 Chị Thắm luôn phải ở bên cạnh để chăm lo cho cô con gái tật nguyền của mình. Ảnh: Trần Dung
Chị Thắm luôn phải ở bên cạnh để chăm lo cho cô con gái tật nguyền của mình. Ảnh: Trần Dung

Ngôi nhà ấy từng là tổ ấm ngập tràn tiếng cười của vợ chồng chị Thắm. Anh chị cùng nhau xây hạnh phúc từ năm 1986. Đến 1990, anh chị chào đón đứa con đầu lòng với biết bao vui mừng khôn tả. Những tưởng hạnh phúc sẽ vẹn tròn khi tổ ấm ấy có thêm cô con gái Nguyễn Thị Hồng. Thế nhưng, chưa được một năm tuổi, mắt Hồng đã bắt đầu mại dần, chân tay co quắp lại, cứng đờ. Xương sống của em cũng cong dần và phải nằm một chỗ. “Niềm vui được làm mẹ chưa kịp đầy thì tôi nhận ra con mình không giống với những đứa trẻ khác. Hồng hay lên cơn co giật và nôn mửa, chân tay dị tật và càng lớn càng không biết gì. Lúc đó, tôi sợ lắm! Nhưng tình yêu của tôi dành cho con đã đánh đổ sự sợ hãi ấy. Tôi có thể làm tất cả để con có thể bớt đau đớn”-chị Thắm kể lại trong nước mắt.

Rồi Hồng cũng có thêm hai người em trai. May mắn là hai người con sau của vợ chồng chị chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Chồng chạy xe thuê, vợ ở nhà trồng rau, nuôi heo. Cuộc sống ngỡ có thể cùng nhau sẻ chia gánh nặng gia đình, vậy mà oái oăm thay, đến tháng 4-2004, chồng chị bỗng nhiên bị chứng bệnh tâm thần phân liệt, lúc tỉnh lúc mê. Từ đó, chị Thắm trở thành trụ cột của một gia đình toàn những người bệnh tật. Vừa lau người cho Hồng, chị vừa tâm sự: “Những ngày chồng phát bệnh, đập phá nhà cửa tôi phải đưa các con đi sang nhà hàng xóm gửi, sau đó về cho chồng uống thuốc. Bao nhiêu năm qua tôi luôn phải thức cùng chồng, cùng con thành ra cũng thành thói quen. Giờ tôi chỉ có một hạnh phúc duy nhất là được chăm lo cho chồng con. Tôi không còn sợ khổ, sợ đau nữa mà chỉ sợ chồng con bỏ mình mà ra đi”.

Đôi vai người vợ-người mẹ ấy đã oằn xuống từng ngày nhưng nụ cười dành cho chồng con thì vẫn không bao giờ tắt.

“Mẹ sống vì nụ cười của con”

“Con bé rất hay cười, mỗi lần nhìn thấy mẹ là nó cười tươi lắm. Lòng tôi đau lắm khi nghĩ tới ngày không được thấy nụ cười của con”-bà H’Lũk (làng Ia Lang-phường Chi Lăng-TP. Pleiku) xúc động khi nói về H’Li-người con gái tật nguyền của bà. Đã 18 năm nay H’Li vẫn chỉ nằm một chỗ trong góc nhà chật hẹp nhưng lúc nào nụ cười hiền và trong sáng cũng hiện hữu trên gương mặt không vẹn nguyên của em.
 

H’Li là cô gái đã bước sang tuổi 18 nhưng thân hình chỉ như trẻ lên 5. Ảnh: Trần Dung
H’Li là cô gái đã bước sang tuổi 18 nhưng thân hình chỉ như trẻ lên 5. Ảnh: Trần Dung

Chồng mất sớm, bà H’Lũk một mình chèo chống nuôi 5 người con khôn lớn nên người. Tuy nhiên, chỉ có H’Li là đứa con khiến bà day dứt và suy nghĩ nhiều nhất. Được 4 tháng tuổi, người mẹ ấy xót xa khi phát hiện con mình không phát triển bình thường. Đầu của H’Li bỗng to lên rất nhiều, người thì teo tóp, chân tay co dúm lại. “Lúc đó người trong làng mình nói không tốt về H’Li nhưng mình không muốn nghe, vì nó là khúc ruột của mình mà. Mình càng thấy thương nó nhiều hơn”-bà mẹ đã gần bước sang tuổi 60 ngậm ngùi chia sẻ.  

Cả một đời cặm cụi nuôi các con khôn lớn, vậy mà khi tuổi già, bà còn phải lo kiếm từng miếng cơm, thang thuốc cho người con gái tật nguyền của mình. Thế nhưng bà lấy đó làm niềm hạnh phúc cuối đời của mình. Trong vườn, bà trồng thêm rau để đổi lấy mắm muối, rồi ai thuê gì bà cũng xông xáo nhận làm với mong muốn ngoài khoản mua gạo còn có thể mua thêm cho H’Li gói bánh. Mỗi lần bà đi làm xa là H’Li phải ở nhà một mình, lòng người mẹ cứ bồn chồn không yên. Bà cứ lo rằng nếu H’Li lên cơn co giật thì không có bà bên cạnh chăm sóc, bà sợ con gái sẽ bỏ bà ra đi bất cứ lúc nào. Cô bé H’Li rất ngoan, mỗi khi mẹ đi làm sẽ để lại thức ăn ngay bên cạnh chỗ cô nằm, lúc nào đói, H’Li tự lấy tay bốc ăn ngon lành. 18 năm nằm một chỗ, toàn thân của H’Li đều trở nên phồng rộp. Cô luôn muốn được mẹ bế ra ngoài, nằm trên xe lăn và nhìn ánh mặt trời.
 

Nụ cười của con gái luôn là nguồn động viên to lớn cho người mẹ H’Lũk. Ảnh: Trần Dung
Nụ cười của con gái luôn là nguồn động viên to lớn cho người mẹ H’Lũk. Ảnh: Trần Dung

“Mỗi khi thấy con gái khỏe mạnh, tươi cười, mình lại ước mình có thêm thật nhiều sức khỏe để chăm sóc con tốt hơn. Mình chỉ mong mỗi ngày lại thấy H’Li cười”-bà H’Lũk nhẹ nhàng cười và nắm tay con gái.   

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm