Phóng sự - Ký sự

Làng lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

 Ít ai biết, có một miền quê chỉ cách QL1 mấy chục bước chân nhưng thường xuyên chịu cảnh ngập lũ. Con nước hiện hữu và làm khổ người dân mấy đời qua tại xã Hồng Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình.

Những ngày giữa tháng 10, H.Lệ Thủy hứng chịu trận lũ lụt đầu tiên của mùa mưa bão năm nay. Vài ba ngày sau, lũ rút khỏi nhiều nơi, tôi lên đường về Hồng Thủy trong cái hanh hao của tiết trời để tìm đến những “làng lũ” theo lời một người dân địa phương.

Vừa đi tôi vừa nghĩ, kể cũng lạ, nước lũ đã rút hầu hết tại các nơi, QL1 ráo hoảnh thì lấy đâu ra những khu dân cư ngập đến hơn 1 m lúc này. Hồng Thủy cũng chẳng có con sông lớn nào chảy qua. Phải chăng, những nhà dân ở mặt tiền được nâng nền lên cao ngang mặt đường, phân bố trải dài theo QL1 đã “che khuất” các xóm dân thấp trũng đằng sau?

 

Người dân di chuyển bằng đò trong ngõ xóm ở Thạch Trung, trong khi chỉ cách mấy bước chân là QL1 khô ráo. Ảnh: Trương Quang Nam
Người dân di chuyển bằng đò trong ngõ xóm ở Thạch Trung, trong khi chỉ cách mấy bước chân là QL1 khô ráo. Ảnh: Trương Quang Nam

 
Xóm nổi xóm chìm

Đến địa phận xã Hồng Thủy, tôi giảm tốc độ xe, vừa chạy vừa căng mắt quan sát xung quanh, nhất là các ngõ nhỏ dẫn vào làng để không bị những dãy nhà cao ráo sát hai bên đường đánh lừa. Rà một lúc, tôi bắt được mục tiêu ở bên trái hướng đi. Một con đường bê tông nhỏ nằm giữa 2 nhà xây kiên cố dẫn vào làng đang sóng sánh nước, mép lũ cách QL1 chừng 20 m. Tôi phát hiện ra phần nhờ mấy đứa trẻ đang chèo đò trên con ngõ đó.

Vòng xe lại, tấp vào đường, tôi đi bộ đến ngõ cũng vừa lúc ông Phan Thanh Huân lội lụt ra QL1 để lấy thuốc tây vào cho người vợ đau dạ dày đột xuất. Làng lụt, xe cộ không đi lại được, ông phải gọi điện nhờ người em họ ở cách xa hơn 1 km thuộc xã Gia Ninh (H.Quảng Ninh) mua thuốc mang đến đầu ngõ.

Ấy là làng Đông Hải. Tôi lội vào cùng ông Huân, nước ngập quá đầu gối, lành lạnh, phải dò dẫm từng bước. Ông bảo, làng thường xuyên bị ngập mỗi khi vào mùa mưa lũ, do nước lũ ngoài ruộng, phía bên kia QL1 tràn vào. Mỗi lần như vậy, nếu không mưa kéo dài thì làng ngập 4 - 5 ngày, vì nó biến thành những cái ao.

 


Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, chia sẻ: “Xã có những địa bàn xung yếu thường bị ngập nặng với tổng 370 hộ. Vì vùng chiêm trũng, bà con sống từ xưa đến nay nên chấp nhận, lâu nay địa phương chỉ hỗ trợ tình thế. Phải có nguồn rất lớn mới có thể di dời dân được; hiện chỉ có cách hướng dẫn, động viên bà con phát triển kinh tế để sửa sang, nâng nền lên cao”.


Lội đến giữa đường, qua một khoảng ruộng mênh mông nước, tôi gặp nhiều đàn ông giăng nò (một dụng cụ làm bằng lưới) để bắt tôm cá. Cách đó một đoạn, anh Phan Văn Giáp đang căng tay lưới bén ngay trên cánh cổng nhà. Dưới chân, nước ngập tầm 30 cm. “Tui mới đi thả lưới về, chỉ được một ít rô phi nhỏ, chắc để rán lên cho bữa tối. Rứa cũng đỡ, chơ ngập úng ri không mần ăn chi được”, anh nói.

Ở làng lụt, người dân chỉ còn biết sống chung với nước. Một trong những phương án hữu hiệu nhất là tôn nền nhà lên cao. Như anh Giáp, 2 năm trước vợ chồng anh vay mượn làm nhà mới, tôn nền lên cao hơn 1,5 m. Nhưng lũ lớn vẫn bị ngập sâu.

Với những gia đình khó khăn hay người già yếu không có khả năng làm nhà mới thì luôn canh cánh nỗi lo mỗi khi trời động. Hễ nước dâng là bà con lập tức di tản đến những nhà cao.

Gần làng Đông Hải, nước cũng đang bủa vây nhiều xóm dân của thôn Mốc Định. Tiếng là ở đồng bằng nhưng giờ nhìn như những ngôi nhà nổi. Đứng ở cổng làng Mốc Định, tôi vừa ra hiệu vừa gọi vọng vào nói với những người đang lấp ló trong nhà: “Lội vào được không bà con ơi?”. Một lúc sau, có chị phụ nữ ở trong xua tay, ý chừng không được, nước sâu.

Trong nháy mắt, một thanh niên chèo đò nan lướt nhanh ra chỗ tôi đứng. Cậu là Nguyễn Văn Đức. Không ở gần sông nhưng nhìn cách chèo đò điêu luyện của Đức cũng đủ hiểu chuyện ngập lũ quá quen thuộc với người dân vùng này. Còn với những nhà không có đò như nhà anh Phạm Văn Sơn, nước lên chỉ biết tận dụng các thùng xốp đựng hàng hóa đóng thành bè rồi chống sào di chuyển, loanh quanh từ nhà mình qua nhà hàng xóm hay từ nhà ra QL1.


 

Ông Phan Thanh Huân lội nước ra lấy thuốc chữa dạ dày cho vợ. Ảnh: T.Q.N
Ông Phan Thanh Huân lội nước ra lấy thuốc chữa dạ dày cho vợ. Ảnh: T.Q.N


Kỷ lục chạy lũ

Qua làng Thạch Trung kề bên, tôi càng bất ngờ về cảnh ngập nước “có một không hai”. “Ở đây hầu như năm mô cũng lụt, có năm 2 - 3 trận, cũng có năm không bị. Trận này nước ngập gần hết giường ngủ, chừ tui đang lau dọn nhà để chuyển về ở lại”, chị Hoàng Thị Huyền vừa lội nước từ nhà đi ra vừa nói.

Tôi ước tính, QL1 chỉ cách cái sân đầy nước lũ của chị Huyền vài ba sải tay. Hầu hết những nhà sát đường sẽ nâng nền lên cao. Có lẽ kinh tế khó khăn khiến gia đình chị không thể làm điều đó. Chị dẫn tôi vào nhà. Trong ngôi nhà cấp 4 trống trơ bởi đồ đạc đã được di chuyển tránh lũ, phần cất lên gác gỗ sát mái nhà, phần mang đi gửi nơi khác. Sinh sống từ năm 1993, sau vài lần sửa chữa nhưng ngôi nhà vẫn còn thấp, lũ lên cả gia đình phải di tản. Lũ rút ra ngoài sân, chị và con về dọn dẹp. Còn chồng chị, anh Nguyễn Văn Toàn, thì đang bận trông giữ đàn vịt đẻ 500 con đang được sơ tán lên vùng cao, nguồn thu nhập chính của gia đình.

Nhưng chị Huyền nói, ở xóm ngoài làng ngập mới dữ.


 

Đồ đạc được gia đình chị Hoàng Thị Huyền cất lên tra tránh lũ
Đồ đạc được gia đình chị Hoàng Thị Huyền cất lên tra tránh lũ


Không khó để tôi tìm ra xóm ấy vì từ trên QL1, nhìn vào một con ngõ, cách tầm 30 m đã thấy toàn nước là nước và có mấy chiếc đò nhỏ đang neo đậu.

Càng lội vào trong, nước càng sâu. Trên ngõ, thỉnh thoảng xuất hiện vài ba chiếc đò của cư dân xóm qua lại. Trong một ngôi nhà xây chưa sơn vôi nằm bên ngõ, ông Lê Văn Phúc đang cặm cụi dùng đoạn cây khô vớt những cọng rơm nổi lềnh bềnh đầy sân. Lũ cuốn rơm chất đống ngoài vườn trôi tung tóe khắp nơi, giờ đành phải tranh thủ vớt, chứ lũ rút khó dọn vì rơm ngấm nước rất nặng.

Ở vùng thấp trũng nhất nhì xã, nên mỗi khi lũ lên, vợ chồng ông Phúc, vợ chồng người con trai và 2 cháu nội phải sơ tán đến nhà bố mẹ ông ở khu vực cao. Họ chạy lũ như vậy mấy chục năm qua.

Có lẽ kỷ lục chạy lũ trong xóm này thuộc về bà Lê Thị Gái, 71 tuổi, nhà lại ở trên triền đất thấp ngay rìa xóm, giáp với cánh đồng bao la. Mấy ngày trước, bà cùng người con trai hớt hải chạy lũ trong đêm, hướng về phía trường tiểu học. Nay nước có rút, nhưng vẫn còn cao. Biết vậy, bà Gái vẫn xắn quần, lội tìm về coi nhà cửa đồ đạc thế nào.

Vì mực nước ngoài khu vực đó còn sâu quá, nên bà Phạm Thị Miễn, một người hàng xóm, lấy đò chở bà Gái và tôi ra. Gần đến nơi, ánh mắt bà Gái thất thần. Gọi là nhà nhưng thực ra nó chỉ như cái quán bán tạp hóa tạm bợ có thể bắt gặp bất cứ ở một miền quê hẻo lánh nào. Bốn bức tường nhỏ vuông vức, mái lợp tôn. Đò chèo vào cho bà Gái dòm vào bên trong. Tôi cũng cố nhìn với vào, chỉ mấy cái ghế nhựa và khung giường bằng sắt chỏng chơ trên nước. Có lẽ đó là những tài sản quý giá nhất của người phụ nữ lam lũ ấy. Nghèo khó và một đời chạy lũ khiến bà khắc khổ, già nua, gầy gò.

Chia tay tôi, bà Miễn thở dài: “Ở đây lụt to có, lụt nhỏ có. Ngập 1,2 m là thấp nhất. Nghe mưa lụt là tui chuẩn bị áo quần bỏ lên đò sẵn sàng để di tản”.

Quả không ngờ Hồng Thủy lại có những xóm làng trĩu nặng, những khu dân cư bị ngập triền miên trong mùa nước nổi xứ Lệ đến vậy. Quanh năm nhờ vào thu nhập từ làm nông, sau này bà con thâm canh rau màu kiếm thêm đồng vào đồng ra, nhưng con nước cứ như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân.

Theo Trương Quang Nam (TNO)

Có thể bạn quan tâm