Làng nghề bên thành cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thành Đồ Bàn và thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã là phế tích, nhưng những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm quanh thành cổ này vẫn còn nhộn nhịp, làm nên dư vị riêng cho một vùng địa linh.

Trên những con đường làng, xe ngựa vẫn còn lộc cộc chở những chuyến hàng, đưa người dân đến chợ mỗi sáng. “Lối xưa xe ngựa” quanh những ngọn tháp thâm trầm ngàn năm là cảm giác đầu tiên của du khách khi đặt chân đến vùng “đất võ trời văn”. Đi một vòng bằng xe ngựa trong nhịp nhạc của lục lạc, an yên vó ngựa thăm những làng nghề cổ xưa mà phồn thịnh là một chuyến đi đầy lý thú.

 

Nghề rèn ở làng Phương Danh. Ảnh: T.Đ

Từ bến Xe Ngựa vô trung tâm Đập Đá, du khách có thể đã bắt đầu nghe thứ âm thanh đặc trưng vang ra từ các làng nghề. Đó là tiếng khung dệt vải, tiếng búa làng rèn Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu. Cùng với đó là mùi chua thanh của làng bún tươi Ngãi Chánh, hương đậm đà của rượu Bàu Đá ở làng Cù Lâm. Đến đây, du khách còn được đắm chìm vào thế giới đèn hột vịt (đèn dầu) lung linh của chợ nón Gò Găng để ngâm nga câu “Nón Gò Găng, vầng trăng Đập Đá”... Nhìn từ trên cao, đoạn sông Kôn chảy qua làng An Thái như được lắp những tấm điện năng lượng, lại gần mới nhận ra đó là những vỉ bánh, bún phơi dày phủ khắp một đoạn sông.

Làng nghề nào cũng quy mô và lâu đời. “Không biết chính xác từ đời nào, nhưng thời ông cố tui đã làm nghề rèn ở đây rồi. Nghe đâu thời Tây Sơn nghề thợ rèn phát triển mạnh, họ chuyên lo rèn các loại kiếm, đao, khí giới”-ông Nguyễn Văn Ngọc, 71 tuổi, một chủ lò ở làng rèn Nam Tân cho biết. Tiếng lộc cộc của xe ngựa đã thưa thớt nhưng tiếng búa rèn của làng nghề thì vẫn vang đều dù cho thời công nghiệp hiện đại có gây áp lực. Theo nhiều người dân, những thứ rựa, dao, cuốc, xẻng cùng các nông cụ khác chỉ mua ở những làng rèn này thì mới sắc bén và bền. Một lần lang thang vào làng rèn Phương Danh, tôi bắt gặp một nhóm tay máy săn ảnh, họ rất tâm đắc bởi làng nghề đã mang lại cho họ những tác phẩm nghệ thuật đẹp. Họ còn rủ rê tôi ngủ lại đêm để săn ảnh ở chợ nón Gò Găng.

Ba giờ sáng, chợ bắt đầu có người đến. Điều kỳ lạ là người bán nón và mua nón ở chợ này đi rất sớm và ai cũng mang theo đèn dầu, dù trong chợ có điện chiếu sáng. Người dân cho biết, có hay không có điện, người mua bán ở chợ nón đều mang theo đèn dầu. Một phần đèn báo hiệu nơi hàng bán nón, một phần dùng để soi vào trong vành xem người thợ đan nón có điêu luyện hay không. Những chồng nón được xếp thành vòng cung ôm quanh người bán tạo cảm giác ấm áp dù mở hàng từ lúc gà gáy canh khuya trời còn đầy sương lạnh. Từ sau 4 giờ, chợ nón tan hẳn, nhường lại cho chợ bán nguyên liệu làm nón.

Buổi sáng sẽ thật ấm áp nếu ghé vào làng rượu Bàu Đá ngây ngất mùi men từ đầu ngõ. Rượu Bàu Đá thuộc vào hạng rượu quý (mỹ tửu) mà người xưa chỉ dùng trong lễ nghi quan trọng, thết đãi khánh quý. Làng có 33 hộ nấu rượu thủ công bằng công thức dân gian, không có bí quyết gia truyền gì đặc biệt. Để chứng minh điều này, ông Tạ Chí Nhơn, một chủ lò rượu đã mấy đời ở đây, cho biết con gái ông nấu rượu Bàu Đá từ nhỏ nhưng khi có chồng đến địa phương khác thì nấu lại không ngon. Người dân ở đây khẳng định rượu ngon là do nguồn nước. Nguồn nước ngọt vùng này nấu với gạo, men trấu cho ra một loại rượu đế bình thường nhưng lại có độ nồng, độ thơm, độ ngọt khác biệt hầu hết những vùng khác.

Nhấp ly rượu ngon trong lúy túy mà bước vào làng võ xem những bài quyền cổ truyền Bình Định, thưởng thức bún song thằn, du khách sẽ bị cuốn vào men say của đất trời, của con người làng cổ.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm