Phóng sự - Ký sự

Làng nghề miền Tây vào Tết-bài 3: Đã nồng nàn mùi Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cũng bận rộn, nhộn nhịp không kém làng hoa, các làng nghề ven biển Mũi Cà Mau và các tỉnh miền Tây đang hối hả vào mùa chế biến đặc sản đón tết.

Thơm nức những làng khô

Những ngày này, các cơ sở chế biến tôm khô Rạch Gốc  ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) tất bật chuẩn bị Tết đến. Tiếng đập vỏ tôm bình bịch, mùi tôm khô xông vào mũi, màu sắc tự nhiên, hương vị đậm đà trứ danh sản phẩm tập thể tôm khô Rạch Gốc. Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, Trưởng Ban quản lý nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc cho biết, từ năm 2011 đến nay, tôm khô Rạch Gốc được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể. Bà con làng nghề chế biến tôm khô mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất như: Lò sấy, máy tách vỏ, máy phân cỡ, máy sàng lọc để nâng năng suất, chất lượng tôm khô tốt hơn.

 
Phơi khô ở Cà Mau.
Phơi khô ở Cà Mau.

Huyện Ngọc Hiển có hơn 15 cơ sở sản xuất tôm khô, mỗi tháng sản xuất từ 20- 30 tấn tôm khô đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh Cà Mau, với khoảng 200-300 lao động làm nghề chế biến. Trong đó, 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc.

Bà con chế biến tôm khô có nguồn tôm từ đáy hàng khơi, khai thác tự nhiên trên biển, có màu đỏ tự nhiên, giá cả mềm hơn. Nhiều cơ sở chuyên chế biến tôm khai thác từ sông rạch, tôm nuôi quảng canh có chất lượng tốt hơn nhưng giá dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/kg. Ông Lê Ngọc Lâm nói: “Người tiêu dùng không quen biết nhiều, khó chọn tôm khô có chất lượng cao nhất thì hãy tìm đến tôm khô nguyên con, nguyên vỏ. Loại tôm khô này, người chế biến chỉ sử dụng tôm nguyên liệu còn sống, tươi rói mới có thể chế biến nguyên hình dạng”.

Công đoạn làm tôm khô Rạch Gốc gồm mua tôm tươi, rửa sạch, luộc, phơi hoặc sấy, tách vỏ, sàng lọc, làm bóng, phân cỡ loại, đóng gói. Ông Bùi Hoàng Chương, cơ sở sản xuất tôm khô xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển) tiết lộ: “Tôm khô hồng tự nhiên, thịt tôm khô dẻo, có vị ngọt đậm đà đều có bí quyết là luộc tôm tự nhiên, giữ màu đỏ tự nhiên, vị ngọt của tôm thuần chất từ môi trường sạch”.

Cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời) cung cấp nguồn khô biển hàng đầu tỉnh Cà Mau với hơn 1.200 tàu cá tấp nập người mua bán. Bà Nguyễn Thị Nghĩa chủ sạp khô mực tại chợ Sông Đốc nói: “Các loại khô biển đều tăng giá khoảng 10%, riêng khô mực tăng hơn 100.000 đồng/kg mỗi loại. Hiện nay, mực khô loại 1 (8-12 con/kg) giá 900.000 đồng/kg”. Còn ở cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) có làng nghề làm khô truyền thống lớn nhất Cà Mau, loại khô nổi tiếng ở đây phải kể đến khô khoai, bởi lẽ cá khoai khai thác từ biển, vô bờ được phơi trong nắng, mang hương vị tự nhiên, vừa ăn, không sử dụng muối hoặc gia vị nào. Ông Nguyễn Văn Chẵn, ngụ khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm cho biết, gia đình theo nghề làm khô gần 20 năm. Làng cá khô biển hoạt động mạnh nhất, tranh thủ làm ăn dịp Tết. Ông Chẵn nói: “Nghề truyền thống chế biến khô biển là nghề của rất nhiều bà con ở làng biển này. Tận dụng sân nhà, bờ biển, khu đất trống làm giàn phơi khô dịp Tết”.

 

Người dân phơi bánh ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm, Bến Tre).
Người dân phơi bánh ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm, Bến Tre).

Dịp này khi các cơ sở nâng công suất làm cá khô thì lao động tại địa phương lại có thêm việc làm, từ đó tăng thêm thu nhập. Trung bình, một nhân công làm cá khô kiếm từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Hiện, thị trấn Cái Đôi Vàm có khoảng 230 phương tiện khai thác biển. Sản lượng khai thác thủy sản của thị trấn Cái Đôi Vàm gần 6.000 tấn/năm, hơn 800 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chế biến thủy sản. “Mỗi ngày, các cơ sở sản xuất lớn nhỏ có thể cung cấp cho thị trường tầm 2 - 3 tấn khô các loại. Những ngày cận Tết số lượng còn tăng lên nhiều lần”- ông Nguyễn Thanh Lâm, ở thị trấn Cái Đôi Vàm cho biết.

Làng nghề này nổi tiếng khắp nơi bởi các mặt hàng đặc trưng như: khô cá khoai, cá cơm bánh tráng, ruốc, cá mối, cá đù… Trong đó, nổi bật nhất là khô cá khoai, mang đặc trưng miền biển Cái Đôi Vàm không nơi nào có được. “Cá Khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau” cũng là một trong 8 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể của tỉnh Cà Mau - ông Trần Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Đôi Vàm nói.

Những ngày cuối năm, mùa thu hoạch cá đồng U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… Bà con làm khô cá bổi, cá lóc tràn ra đường đón nắng gió những ngày giáp Tết. Ông Lê Minh Đức, chủ cơ sở khô cá bổi U Minh Hạ mang nhãn hiệu Ba Đức, ở khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 60 tấn cá bổi, bán ra thị trường khoảng 2 tấn cá khô, chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán”.

Hết công suất

Áp Tết, cả trăm lò bánh ở làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) hoạt động suốt ngày đêm, nhà nào lò cũng đỏ lửa, cháy rực, người ngồi tráng bánh cặm cụi từ sáng đến chiều để kịp giao hàng phục vụ thị trường Tết. Bà Hai Giáo gắn bó hơn 30 năm trong nghề cho biết, làng nghề có trên 100 năm, từ đời ông bà truyền lại rồi con cháu nối nghiệp cho đến ngày nay. Sản phẩm được thương lái đến tận nhà mua về bán lại khắp các tỉnh ĐBSCL và sang Campuchia. Đồng thời, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng được thành phố Cần Thơ công nhận làng nghề truyền thống và là một trong những sản phẩm du lịch phục vụ khách đến tham quan. Ở tỉnh Bến Tre, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc của huyện Giồng Trôm cũng hoạt động không kém sôi nổi trong những ngày này. Bà Hai Sậm chủ cơ sở sản xuất bánh phồng chuối Sơn Đốc cho biết, gia đình bà gắn bó với nghề hơn 50 năm. Hiện cơ sở đang vào cao điểm sản xuất hàng cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Tại tỉnh Đồng Tháp, làng nghề chế biến dưa kiệu ở xã Phú Hiệp, sữa hạt sen ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông cũng đang hối hả chuẩn bị hàng Tết. Dù tăng nhịp độ sản xuất, nhưng sản phẩm dưa kiệu và nhiều sản vật đặc trưng của địa phương làm ra luôn cháy hàng.

 

Thu hoạch kiệu ở Tam Nông (Đồng Tháp).
Thu hoạch kiệu ở Tam Nông (Đồng Tháp).

Xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp) hiện có “Hiệp Tâm hội quán”. Tại đây có một tổ thanh niên hợp tác làm dưa kiệu và trên dưới 20 cơ sở chế biến dưa kiệu lớn nhỏ. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 7 - 10 lao động. Cứ 10 kg củ kiệu tươi sẽ chế biến ra 3,5 kg dưa kiệu. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra hằng ngày từ 60 - 80 hộp dưa kiệu thành phẩm và bán ra thị trường trong và ngoài huyện. Giá bán mỗi hộp dưa kiệu dao động từ 70.000 đồng đến 130.000 đồng tùy loại. Bà Nguyễn Thị Cưng - chủ cơ sở chế biến dưa kiệu Thành Công 2 cho biết: Năm nay, giá củ kiệu tươi tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, giá thuê nhân công cũng tăng nên giá bán dưa kiệu tăng trên 10.000 đồng/hộp so cùng kỳ năm trước. Dù giá tăng, nhưng dưa kiệu ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, không có chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên khách hàng rất ưa chuộng.

Nông dân huyện Tam Nông đã gieo trồng cả ngàn hecta kiệu, sen, khoai cao, dưa hấu, bắp, ớt các loại để phục vụ thị trường Tết. Năm nay, sản phẩm sen cũng được nông dân quan tâm chăm sóc để bán Tết. Toàn huyện đã gieo trồng cả trăm hecta sen các loại. Hiện nay, đang vào thời điểm thu hoạch sen, với năng suất bình quân đạt gần 1.000 kg gương sen thương phẩm/công (một công là 1.300m2). Nhiều thương lái đến tận nơi thu mua với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Người trồng sen rất phấn khởi khi bán hạt sen cho những cơ sở sản xuất sữa sen. Người trồng sen có lợi nhuận trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng/công. Không chỉ bán gương sen, hạt sen mà các bộ phận khác của sen như: ngó, lá, cuống, hoa sen, tâm, nhụy, hạt sen... cũng đều có thể bán được nên cây sen rất có giá trị về kinh tế.

Bà Lê Thị Bến ở ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ có trên 3 hecta sen, cho biết: “Muốn trồng sen đạt hiệu quả cao, trước khi trồng phải bơm nước vào ruộng cao chừng 3 - 5 tấc, rồi chọn những bụi sen khỏe, có đủ rễ, lá còn đang cuống... đem cấy xuống ruộng. Khi cấy phải cho các lá sen nằm trên mặt nước, nếu để nước ngập lá sen sẽ chết! Việc chăm sóc sen rất đơn giản, nhưng cho lợi nhuận thương phẩm cao”.

Tiến Hưng - Hòa Hội - Trọng Trung/tienphong

Có thể bạn quan tâm