Người dân sửa lại bọng cây để dụ ong về làm tổ. |
Tái thiết Phước Lộc
Trong ký ức của tôi, thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn là ngôi làng trù phú có 30 hộ dân sinh sống. Nhờ giữ được rừng, dựa vào rừng và cần cù chịu khó lao động mà người dân ở đây đã có cuộc sống dư dả. Ngoài làm nương rẫy, họ còn biết dụ ong về các bọng cây làm tổ để lấy mật. Ở đây không có sự hiện diện của cây keo tràm nên mật càng để lâu càng sánh vàng. Cái tên Làng Ong từ đó được mọi người biết đến còn hơn tên gọi chính thức thôn 3.
Nhưng trận sạt lở núi kinh hoàng vào cuối tháng 10/2020 đã phá hủy toàn bộ nhà cửa. Cây cối ngã đổ. Đất đai, hoa màu, ruộng nương bị vùi lấp. Tang thương bao trùm khi có 13 người chết và mất tích. Đàn ong bỏ đi!
Sau mưa lũ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã tập trung nguồn lực hơn 13 tỷ đồng để tái thiết xã Phước Lộc. Làng Ong cũng vì thế mà được xây dựng kiên cố trên nền đất mới rộng hơn một héc-ta, cách nơi ở cũ chừng 500 m.
Qua gần ba năm tái thiết, những nương lúa, rẫy đẳng sâm đã tốt tươi trở lại trên vùng đầy sỏi đá. Đó cũng là lúc người dân sửa lại bọng cây cũ, đục thêm bọng trên những cây mới để cho ong về làm tổ.
Chiều tắt nắng! Già Hồ Văn Yên trở về căn nhà mới được xây dựng sau hơn một năm kể từ ngày sạt lở. Trước đây, gia đình già Yên là hộ khá giả nhất làng với hàng trăm bọng cây nuôi ong, rẫy lúa, quế. Vụ sạt lở năm ấy đã khiến toàn bộ tài sản tích góp của gia đình trôi theo dòng lũ. Ngay cả người bạn đời của già cũng ra đi mãi mãi.
Toàn cảnh xã Phước Lộc nơi có nhiều chỗ sạt lở năm 2020 vẫn còn vệt vàng trên sườn núi. |
“Người thì cũng mất rồi, giờ mình phải làm lụng mà nuôi thân chứ hai con đi lấy chồng, đâu trông chờ được. Năm vừa rồi ong đã về lại, thu hoạch hơn 90 lít. Nay nắng lên, mình ráng đi vào rừng già ở xa hơn đục bọng để ong vào làm tổ. Phải có đồng ra đồng vào để phòng khi ốm đau chứ. Già rồi!”, già Yên nói.
Cũng như già Yên, anh Hồ Văn Thước trắng tay sau sạt lở. Vợ mất, anh gắng gượng dậy để lo cho ba con nhỏ đang tuổi ăn học. Đến nay, rẫy quế anh trồng đã cao ngang đầu. Nương đẳng sâm cũng đến kỳ thu hái.
“Thời gian đầu khó khăn lắm, nhưng sau được Nhà nước hỗ trợ làm được căn nhà nên mình yên cái bụng. Có chỗ ở, mình cố gắng làm mà nuôi con. Vườn đẳng sâm nay lớn rồi. Mỗi lần bán được vài triệu đồng cùng dành dụm gửi xuống thành phố cho đứa lớn học đại học, hai đứa sau học trường nội trú dưới huyện. Giờ mong trời đừng nổi giận. Sợ lắm”, anh Thước chia sẻ.
Làng Ong đang hồi sinh
Quãng đường từ trung tâm xã Phước Lộc đến Làng Ong khoảng 15 km. Mưa lũ đã phá hủy hàng loạt công trình cầu, cống. Nay, hạ tầng giao thông đang được thi công để đưa Làng Ong ra với bên ngoài. Chính quyền địa phương cũng tích cực cung cấp hạt giống, cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn nhân dân canh tác.
Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, Lưu Huyền Thoại cho biết, đến nay bà con đã định thần và cuộc sống dần trở lại. Địa phương đang gấp rút đôn đốc các đơn vị triển khai lắp đặt điện, ống dẫn nước sạch.
Cán bộ xã giúp dân thôn 6, xã Phước Lộc, Phước Sơn dựng lại nhà mới. Ảnh: TC |
“Bà con ở thôn 3 cũng nổi tiếng khắp vùng là cần cù, chịu khó sản xuất nên sau sạt lở thì cũng bắt tay ngay vào lao động chứ không chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của chính quyền. Ngoài mật ong là đặc sản, địa phương cũng đã thực hiện di thực trồng sâm Ngọc Linh, bước đầu có những tín hiệu rất tích cực. Hy vọng trong thời gian tới, cây sâm phát triển thuận lợi để mở hướng thoát nghèo bền vững cho bà con”, ông Thoại tâm sự.
Chiều buông! Lác đác vài con ong đang cố đong phấn hoa xuyến chi bên mép đường thêm đầy giỏ rồi chầm chậm cất cánh bay về tổ.
Những ngày này đang là mùa mưa ở Trung Trung Bộ. Như thường lệ, mưa không hẹn ngày tạnh, khiến những sườn núi “ngậm nước” khó lường. Nhiều bản làng miền núi vẫn nhớ năm 2020, tin tức 5 vụ sạt lở ở các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My làm chết 30 người,
17 người mất tích. Trước đó, năm 2017, cũng trong ba huyện trên có 12 vụ sạt lở đất, làm 29 người chết và nhiều tài sản bị lấp vùi. Theo nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, có hơn 8.000 hộ cần phải di dời.
Riêng huyện Phước Sơn, đợt mưa lũ, sạt lở tháng 10/2020 cuốn trôi hoàn toàn 97 nhà dân. Năm 2021, huyện Phước Sơn đã lập bốn khu tái định cư cho những gia đình bị mất nhà, khắc phục hạ tầng giao thông, trong đó có hai tuyến đường ĐH1 và ĐH2, từ xã Phước Kim đi Phước Thành, Phước Lộc. Riêng đường vào thôn 3, xã Phước Lộc được bố trí gần 2 tỷ đồng để sửa chữa khẩn cấp.
Trước mùa bão và về lâu dài, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam đã chủ động di dời và sắp xếp dân cư vùng thiên tai, rà soát xác định cụ thể những điểm có nguy cơ sạt lở lập bản đồ cảnh báo và tập huấn người dân tham gia vào việc phòng, chống thiên tai. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng.