(GLO)- Đã ngả xế nhưng mặt trời thì vẫn còn chói chang lắm. Ánh nắng chiều vàng rói rải đều xuống vạn vật tạo nên những cái bóng-nơi khổng lồ, nơi liêu xiêu-nghiêng nghiêng in trên mặt đất. Con đường chính dẫn vào làng Phung A và Phung B (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) khá đẹp và bằng phẳng. Hai bên là những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố xen lẫn giữa các vườn cây trồng xanh um, đầy sức sống. Tất cả quyện lại xua tan mọi hình ảnh về một làng Phung bệnh tật, nghèo nàn của ngày trước.
Quá khứ và những đổi thay
Làng Phung đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Ảnh: Hồng Thi |
Ông Siu Biai-Trưởng thôn Phung B, tự hào khoe: “Tuy vẫn còn nghèo khó nhưng hiện tại làng mình tốt hơn xưa nhiều rồi. Từ khi được Nhà nước giúp đỡ chữa trị và biết được bản chất của căn bệnh phong, bà con ai cũng nhẹ cái đầu. Người ngoài cũng bớt kỳ thị, xa lánh, dần dần hòa đồng, tiếp xúc vui vẻ với dân làng”.
Anh Siu Hăp (làng Phung B) dẫn lại câu chuyện bà anh đã kể: Khoảng năm 1962, đế quốc Mỹ tập trung tất cả những người bị bệnh phong về sống chung một chỗ tại làng Phung nằm ngay bên đường lớn.Đến năm 1975, cả làng đồng lòng dời về nơi ở mới, xa hơn để phát nương làm rẫy, tránh sự kỳ thị của mọi người xung quanh. 14 năm sau, dân làng lại cùng nhau “nhích” về gần hướng quốc lộ thêm một xíu và định cư từ đó đến bây giờ. Hầu hết bệnh nhân trong làng đều là nông dân nghèo, thất học và ngại giao tiếp, sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, bệnh tật dày vò. Trẻ em sinh ra không được đi học và chịu nhiều thiệt thòi. Họ sống thu mình khiến cho khoảng cách giữa làng Phung với bên ngoài đã xa lại càng xa hơn.
“Mãi đến năm 1994, Hội Chữ thập đỏ tỉnh giải thích cho bà con hiểu về bệnh phong và giúp họ điều trị dứt điểm lây lan căn bệnh, dân làng Phung mới dần thay đổi nhận thức của mình. Sự kỳ thị, xa lánh đến giờ hầu như không còn nữa. Thậm chí, nhiều người Kinh ở những nơi khác đã đến định cư và kinh doanh, buôn bán tại hai ngôi làng này”-ông Nguyễn Văn Đức-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho biết.
Hiện nay, trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng khang trang; một số tuyến đường liên thôn của hai làng đã được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới; 2 công trình nước sạch đã hoàn tất vào năm 2011, đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho 100% hộ dân; hỗ trợ xây dựng 38 căn nhà, 25 con bò sinh sản cho các gia đình bị bệnh (năm 2008, 2009)… Tất cả đều được đón nhận trong sự vui mừng, biết ơn khôn xiết của dân làng.
Quyết tâm đuổi “con ma đói”
Ấm no đã đến với từng nếp nhà. Ảnh: Hồng thi |
Những “con ma lai” xấu xí, tai họa trước đây-theo cách gọi kỳ thị của dân làng-giờ đã không còn mặc cảm với căn bệnh phong nữa. Trong vườn, ngoài đồng ngày nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, í ới gọi nhau. “Cả làng A và B ai cũng phấn khởi không còn nghe lời kẻ xấu xúi giục nữa mà lo làm ăn thôi. Giờ đa phần bà con đều có nhà xây, ti vi, xe máy,… thu nhập khá ổn định, con cái được đến trường học cái chữ như người ta”-Trưởng thôn Phung A Siu Biai vui vẻ nói.
Ngoài cây lúa, cây bắp, dân làng đã biết học hỏi người Kinh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng thêm cây bí, cây tiêu, cà phê… vừa tiết kiệm chi phí mà lại cho năng suất và thu nhập cao (hai làng có tổng cộng 80 ha bí đỏ cho năng suất 30 tấn/ha và 15 ha tiêu). Ông Siu Ah (làng Phung A) hào hứng: “Dân làng thấy trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp mà lại có lời nhiều là ưng cái bụng lắm, áp dụng ngay. Hộ nào cũng biết tính toán, tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí đâu, để dành mà xây nhà, mua cái xe, rồi còn cho con cái đi học nữa”.
Cũng từ đó, số nông dân sản xuất giỏi trong làng ngày một tăng. Nhiều gia đình đã có cuộc sống ấm no, sung túc với thu nhập bình quân hàng năm 400-450 triệu đồng. Anh Rah Lan Krêu, một trong những nông dân điển hình của làng Phung A, chia sẻ: “Lúc đầu cũng gặp khó khăn vì mình chẳng biết trồng cây tiêu, cây bí thế nào cho nó lên xanh tốt cả. Giờ thì kinh nghiệm có rồi, 1,5 ha bí cùng 700 trụ tiêu phát triển tốt lắm. Ngoài hai thứ đó, gia đình mình còn trồng thêm lúa, bông và nuôi con bò, con dê. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình mình còn 150 triệu đồng”.
Trẻ con trong làng giờ đã đến trường học cái chữ. Ảnh: Hồng Thi |
Cũng nhờ quyết tâm phát triển kinh tế mà tỷ lệ hộ nghèo của địa phương cũng giảm dần qua từng năm. Theo thống kê của UBND xã Ia Phang, năm 2010, số hộ nghèo của làng Phung A là 65 (trong tổng số 89 hộ), Phung B là 53 hộ (trong tổng số 96 hộ). Năm 2012, số hộ nghèo của Phung A giảm còn 39 hộ, Phung B còn 32 hộ. Đến năm 2013, con số ấy chỉ còn 33 hộ ở Phung A (trong tổng số 93 hộ) và 25 ở Phung B (trong tổng số 98 hộ).
Một mùa xuân mới lại về, phủ tràn sắc màu tươi mới, thanh khiết lên hai ngôi làng từng một thời tối tăm với cái đói nghèo và bệnh tật trong quá khứ. Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho hay: Tết năm nay, xã vẫn sẽ tổ chức cho bà con hai làng vui xuân tập thể tại nhà sinh hoạt cộng đồng, với khoản hỗ trợ là 3 triệu đồng”. Chắc hẳn ngọn lửa nhà rông nơi đây vẫn lại cháy bùng lên trong ngày xuân mới. Vây quanh đó là bao gương mặt rạng ngời với nụ cười giòn tan, tay ôm ché rượu vít cần, hòa quyện trong tiếng cồng chiêng cùng những điệu múa. Cầu mong tân niên về mang theo may mắn, ấm no…
Hồng Thi