(GLO)- Làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) có 2 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cả 2 nghệ nhân đều có nhiều đóng góp trong việc duy trì, phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar ở khu vực phía Đông tỉnh.
Ông Đinh Bri (65 tuổi) là nghệ nhân tạc tượng giỏi của làng Pyang. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông đã đưa nét đẹp của tượng gỗ quảng bá tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Ông cho rằng mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở ngôi làng đậm đà bản sắc văn hóa, người dân vẫn chung một ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có tượng gỗ dân gian.
Năm lên 10 tuổi, ông Bri được cha cho làm quen với tượng gỗ. Ban đầu, ông học cách phân biệt các loại gỗ để đẽo tượng, cách cầm rìu, cầm dao… và hiểu ý nghĩa các hình tượng. “Cha tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy tạc tượng. Với cha, tạc tượng gỗ không chỉ là tín ngưỡng thiêng liêng mà còn là một nghề thủ công lâu đời và độc đáo của dân tộc. Bởi vậy, người đàn ông phải có đôi tay thật cứng cáp, mạnh mẽ để có thể cầm chắc chiếc búa, chiếc rìu; đôi mắt phải thật sáng và tinh tường; còn trí tưởng tượng thì phải phong phú để tạo nên hình tượng gỗ sắc sảo, bền đẹp”-ông Bri nói. Đến năm 25 tuổi, ông thực sự thành thạo nghề tạc tượng và được cha giao cho làm những bức tượng gỗ trong các lễ hội của làng.
Ông Đinh Bri (làng Pyang, thị trấn Kông Chro) tạc tượng gỗ. Ảnh: Trần Dung |
Cùng với ông Bri, ông Đinh Uế cũng vừa vinh dự được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. “Các bức tượng thường được đẽo bằng công cụ thô sơ, thoạt nhìn có vẻ xù xì, mộc mạc, nhưng phải ngắm kỹ mới thấy được độ khó trong việc tạo hình và sự tinh tế của bàn tay nghệ nhân. Từ một thân gỗ nguyên khối, màu sắc hoàn toàn tự nhiên, chỉ sau vài thao tác, họ đã tạo nên những hình khối, điệu bộ… Tôi mê tạc tượng cũng vì thế. Tôi trau dồi tay nghề của mình sau nhiều lần theo ông Bri tạc tượng cho các gia đình trong vùng”-ông Đinh Uế chia sẻ.
Với những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm như ông Bri, ông Uế thì chỉ cần nhìn qua vân gỗ, thớ gỗ, sắc độ đậm nhạt của lõi gỗ là có thể tạo ra bức tượng. Không có khuôn mẫu chung, mỗi bức tượng là một sản phẩm độc đáo, duy nhất. Để tiếp tục truyền dạy cho lớp con cháu, người già trong làng như ông Bri đã nỗ lực làm ra nhiều bức tượng đẹp, tạo “thương hiệu” riêng. Từ đó, lớp cháu con sẽ cảm thấy tự hào và ra sức “giữ hồn” tượng gỗ. Anh Đinh É (40 tuổi, con trai ông Bri) hào hứng nói: “Thế hệ trước đã làm rạng danh cho làng bởi nghề tượng gỗ. Vì vậy, chúng tôi phải học tập và ra sức gìn giữ, phát huy. Tôi được cha dạy tạc tượng từ năm 15 tuổi và tôi cũng sẽ tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu để tượng gỗ không bị mai một”.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Pyang Đinh Văn Drênh (bìa trái) trao đổi với nghệ nhân Đinh Bri về việc truyền dạy nghề tạc tượng cho lớp trẻ. Ảnh: Trần Dung |
Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đinh Văn Drênh, làng Pyang vinh dự có 2 nghệ nhân tạc tượng giỏi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đó chính là thành quả tốt đẹp nhờ nỗ lực bảo tồn và phát huy nghề tạc tượng bao đời nay ở làng. Hầu hết các gia đình trong làng đều có 3 thế hệ tiếp nối nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian.
“Mỗi bức tượng đều mang hồn vía, cốt cách của làng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghề tạc tượng, truyền dạy cho lớp trẻ luôn được người già cũng như hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Để thanh-thiếu niên có thêm tình yêu với nghề tạc tượng, chúng tôi tìm cách vận động người thân trong gia đình mình trước rồi đến các thành viên trong cộng đồng. Cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các nghệ nhân và người trẻ trong làng tham gia các cuộc thi, ngày hội giao lưu tạc tượng gỗ dân gian để họ thấy tự hào và nỗ lực hơn trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc”-ông Drênh cho biết thêm.
TRẦN DUNG