Phóng sự - Ký sự

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Bảo tồn gắn phát triển du lịch

Sáng cuối tháng 10/2024, bè cá bập bềnh trên sông Hậu của ông Lý Văn Bon (tên thường gọi Bảy Bon) nhộn nhịp với cảnh nhiều tàu du lịch nổ máy xình xịch rẽ sóng chở khách tấp vào tham quan. Thời điểm này, đang vào mùa nước nổi ở đầu nguồn. Nước cuồn cuộn mang theo phù sa đục ngầu từ thượng nguồn theo dòng Mê Kông mang về vùng hạ lưu sông Tiền và sông Hậu.

Từng đoàn khách ta lẫn quốc tế từ bến đò Cô Bắc (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) dập dềnh trên sông khoảng chục phút tới bè cá Bảy Bon. Người đi lần đầu có vẻ sợ sệt do khi đặt chân tới miền sông nước, còn người đi quen cảm thấy thú vị với cảnh hữu tình mà thiên nhiên ban tặng.

Ông Bảy Bon là dân miền Tây chính gốc, tính tình chất phác, niềm nở đón và giới thiệu khách. Với du khách, họ nghĩ rằng đến chỉ tham quan những con cá bình thường trong đời sống hàng ngày nhưng đến khi ông Bảy Bon giở vèo, cá hô nặng mấy chục ký mà người ta thường gọi là “thủy quái” Mê Kông khiến nhiều người thích thú.

Chưa dừng lại, ông Bảy Bon tiếp tục “trình làng” cho khách xem tiếp loài cá “tên lửa”. Loài cá này có nguồn gốc từ vùng Amazon ở Nam Mỹ và cũng được gọi là một loài thủy quái. Sở dĩ gọi cá “tên lửa” bởi những con cá này chỉ cần đưa miếng mồi cách mặt nước gần cả mét là chúng sẽ dùng nước phun mạnh lên làm cho con mồi ướt cánh rơi xuống.

Ông Bảy Bon kể, phát hiện con cá này trong buổi chiều hoàng hôn khi ngồi ngắm sông Hậu, bất chợt thấy kiểu bắt mồi lạ của nó nên giăng lưới bắt được rồi nuôi thử nghiệm. Từ vài con ban đầu, hiện số lượng cá “tên lửa” phục vụ khách tham quan đã lên hàng nghìn con.

Song song đó, hai loài cá xuất xứ từ Nam Mỹ tiếp theo cũng được ông mang về nuôi phục vụ khách du lịch là cá hồng vỹ mỏ vịt và cá cọp. Hai loại cá này ít phổ biến và chỉ được nuôi trong môi trường cá cảnh. Tuy nhiên, ông Bảy Bon đã nuôi trên sông Hậu vẫn sinh trưởng tốt, trọng lượng đều hơn chục kg. Trên bè của Bảy Bon còn có cá Koi với đủ màu sắc khiến nhiều khách thích thú, chụp ảnh. Tất cả được ông sưu tầm, mua từ người dân đánh bắt trên sông Mê Kông. Đồng thời, ông cho biết đó chỉ là khoảng hơn chục loài để phục vụ khách du lịch, chứ còn cá nuôi thương phẩm trên bè như thát lát, rô phi... mỗi năm xuất bán vài trăm tấn.

Khách xem cá “tên lửa” bắn nước Ảnh: HÒA HỘI

Chị Trần Kim Cương, du khách từ TPHCM lần đầu đến tham quan bè cá của ông Bảy Bon ở cồn Sơn. Chị Cương chia sẻ: “Tôi quê ở miền Tây nhưng ít có cơ hội trải nghiệm hoạt động trên sông nước. Đến đây cảm nhận được những điều mới lạ và thú vị giúp mình hiểu nhiều hơn các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông, đặc biệt là thông tin về “bảo tàng cá” quý trên sông Mê Kông”.

Duyên với loài cá trên dòng Mê Kông

Ông Bảy Bon quê tận Cà Mau lên Cần Thơ lập nghiệp gần 30 năm nay. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang, khi đó ông không theo nghề mà trở về quê làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Cà Mau.

Nói về cơ duyên đến với nghề này, ông Bảy Bon kể, cách đây hơn 20 năm, ông tình cờ quen Tiến sĩ chuyên về thủy sản người Pháp tên là Philip Serene và biết được dòng Mê Kông là nơi nuôi cá rất thuận lợi. Sau đó, ông nghỉ việc và phối hợp với ông Philip Serene cùng nhiều chuyên gia về thủy sản ở Hungary và Trường Đại học Cần Thơ tiến hành nghiên cứu. Ông nhớ lại: “Năm 1998, trong một lần đi công tác, tình cờ gặp ông Philip Serene. Ông ấy nói với tôi rằng trên thế giới, không có nơi nào thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt như dòng Mê Kông”.

Ông Bảy Bon lặn sông bê cá hô gần 30 kg Ảnh: HÒA HỘI

Từ lời khuyên của Philip Serene, sau nhiều đêm trăn trở, bàn với gia đình và cuối cùng ông quyết định chọn cồn Sơn để lập nghiệp. Ông Bảy Bon bảo, ở đây nước chảy mạnh, ít bị ô nhiễm sẽ giúp cá nuôi mau lớn. Sau đó, ông xin nghỉ việc cơ quan để cùng vợ con "khăn gói" lên Cần Thơ sống cho đến giờ.

Với hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá bè, ông Bảy Bon đã biến bè cá thành một “Bảo tàng cá nước ngọt” với hơn 15 loài cá quý hiếm, trong đó có nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trên sông Mê Kông. Từ năm 1999, Bè cá Bảy Bon trở thành nơi nghiên cứu, thử nghiệm của nhiều chuyên gia, sinh viên thủy sản trong và ngoài nước. Năm 2016, Bè cá Bảy Bon mở cửa đón du khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần lan tỏa kiến thức về đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn các loài cá nước ngọt.

“Bảo tàng” cá nước ngọt của dòng Mê Kông

Giữa năm 2024, bè cá của ông Bảy Bon được UBND quận Bình Thủy công nhận và trao quyết định đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện tại, ông đang nuôi các loại như cá hô, cá cóc, trà sóc, chạch lấu, sóc sọc, vồ cờ... và nghiên cứu nhân giống thêm nhiều loại khác. Tại bè cá của ông Bảy Bon còn trưng bày hình ảnh phục vụ cho du khách thông tin của 27 loài cá đặc trưng trên dòng Mê Kông như một “Bảo tàng” thu nhỏ; trong đó có mô hình 3D của 15 loài bao gồm: những loài cá kinh tế, những loài cá du lịch và những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng được tổng hợp bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, kèm theo là các bảng biểu giới thiệu về đặc tính của các loài.

Hiện tại ông có trên 30 bè các loại, được thiết kế với hệ thống lồng bè khoa học, chia thành nhiều ô riêng biệt để nuôi dưỡng từng loại cá khác nhau. Mỗi ô được bố trí phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loài, đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá phát triển. Điểm đặc biệt là ông áp dụng phương pháp nuôi cá kết hợp, dựa vào đặc tính cộng sinh của các loài cá để hỗ trợ lẫn nhau trong việc phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường và bảo vệ hệ sinh thái.

Nói về kỹ thuật nuôi cá đặc biệt này, ông Bảy Bon lý giải, nuôi cá bè trên sông cần 1 bè cá vồ đém, để con cá khác chết, bỏ vô cho cá vồ đém ăn, thay vì quăng ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Cá vồ đém được xem là “nghĩa địa” chôn các con cá chết. Nuôi con cá ét trong các bè bị đóng rong đóng rêu hay thức ăn thừa thì con cá ét sẽ dọn (ăn hết). Kế đó là phải nuôi chung với con cá mè hôi, để khi bè bị con hàu hay con hà đóng vô, con cá mè hôi sẽ làm vệ sinh bằng hết.

Khách quốc tế tham quan bè cá bảy Bon Ảnh: HÒA HỘI

Kế đến là con cá he. Cá he dọn phân các con cá khác nên khi nuôi con cá này không gây ô nhiễm môi trường, không bệnh tật, không tốn tiền thức ăn. Nuôi bè thì cần có con cá này vì khi bè có nguồn nước độc trôi vào thì con cá này sẽ lên mặt nước báo hiệu bè cá có sự cố, giúp phát hiện sớm cá khỏe hay không, nên cho ăn hay là không nên cho ăn.

Theo HÒA HỘI (TPO)

Có thể bạn quan tâm