Phóng sự - Ký sự

Lao xao mùa hến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xuôi theo dòng nước kênh Ayun Hạ, từng tốp người ngụp lặn cào hến mưu sinh. Nụ cười loang theo vệt sóng nước sau mỗi mẻ hến nặng trĩu, trong lòng xôn xao niềm thích thú nghĩ về vị hến ngọt thơm.
Một thuở, mấy món ăn được chế biến từ hến đã giúp người dân các làng ở huyện Phú Thiện qua cơn bĩ cực. Và giờ đây, loài nhuyễn thể nhỏ bé này đã vươn ra khỏi ranh giới của làng, trở thành đặc sản gây thương nhớ mỗi khi nhắc đến. Hàng trăm tấn hến được gửi theo xe khách nhập hàng cho một số quán xá trong và ngoài tỉnh mỗi năm là sự khẳng định về chất lượng đặc sản của vùng.
Đời hến, phận người
Những ngày này, cánh đồng sau mùa gặt ở xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) ánh lên vệt nắng hanh hao. Vậy nhưng, phía dưới mấy con kênh nội đồng dẫn nước mát từ hồ thủy lợi Ayun Hạ lại rộn tiếng nói cười. Cứ cách mỗi đoạn kênh lại có từng tốp người ngụp lặn trong nước, tận dụng nốt ngày cuối cùng trước khi đại công trình thủy lợi Ayun Hạ xả nước về gieo trồng vụ mới để cào hến. 
Xoa tay gạt những giọt nước trên gương mặt ửng đỏ vì nắng, anh Ksor Qua (Plei Lôk, xã Ia Ake) bộc bạch: “Tôi theo nghề cào hến 20 năm rồi, nhưng chỉ đi 2 vụ nước cạn trong năm. Nay đã gần cuối đợt cào hến mùa nước cạn đầu tiên trong năm nên vợ chồng đi muộn một chút; ráng cào khoảng vài ba tiếng đồng hồ, kiếm độ 15 kg hến mang về bán và làm thức ăn. Công việc tưởng nhàn nhưng cũng vất vả lắm. Trời nắng nóng mà ngâm mình dưới nước lâu không tốt cho sức khỏe. Có điều, trong khoảng thời gian nông nhàn mà có thêm đồng ra đồng vào nên vợ chồng bảo nhau cùng làm. Tính từ ngày 30-4 đến nay, gia đình cũng kiếm được 6-7 triệu đồng”.
Anh Ksor Qua bán hến mới cào cho gia đình anh Phạm Bá Khánh. Ảnh: Hoành Sơn
Anh Ksor Qua bán hến mới cào cho gia đình anh Phạm Bá Khánh. Ảnh: Hoành Sơn
Nói đoạn, anh Qua quẳng chiếc lồng cào ra xa rồi kéo mạnh về phía mình đang đứng. Khi lồng cào trồi lên khỏi mặt nước, anh với người đổ mớ hến mới kéo lên vào cái sàng tre. Vợ anh nhanh tay đãi, lựa những con có đường kính bằng nắp chai rồi đổ hến vào cái bao tải cạnh đó.
Tại một đoạn kênh khác, bà Trần Thị Linh (62 tuổi, làng Ring, xã Ayun Hạ) cùng một nhóm người đang kéo lồng cào hến. Bà bám kênh tìm hến cũng gần 1 tháng nay, nhờ đó mà có thêm thu nhập. “Nửa đầu tháng 5, mỗi ngày, chúng tôi cào được 40-50 kg hến; sau thì ít hơn, chỉ khoảng 15-20 kg/ngày. Giá hến tươi mới cào lên khoảng 5-10 ngàn đồng/kg. Bữa nay cuối vụ, người ta đi ít rồi đó, chứ trước nhiều lắm, rộn ràng cả con kênh”-bà Linh chia sẻ.
Hệ thống kênh mương Ayun Hạ có vô vàn hến. Ảnh: Hoành Sơn
Hệ thống kênh mương Ayun Hạ có vô vàn hến. Ảnh: Hoành Sơn
Khúc kênh chính chảy ngang qua làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ) là địa điểm yêu thích của người dân tìm lộc thủy thần. Cũng bởi, hến ở nơi này nhiều và có chất lượng thơm ngon. Hơn 10 năm cào hến ở khúc kênh qua làng mình, chị Siu H’Hiên thổ lộ: “Đoạn này đầu kênh chính Ayun Hạ nên nguồn nước rất sạch và có nhiều phù du. Do đó, hến ở đây được ưa chuộng vì vị ngọt, không tanh. Hai lần trong năm, khi hồ thủy lợi Ayun Hạ ngưng xả, nước rút, dưới kênh là vô vàn hến. Cho nên, mọi người tập trung về đây, riêng dân làng thì đi cào hến gần hết. Người lớn cào, trẻ con phụ đổ vào bao hoặc canh chừng. Công việc diễn ra từ sáng sớm đến chiều tối. Dụng cụ cào hến gồm rổ, rá hoặc lồng cào và gùi. Nếu ai không có điều kiện mua lồng cào thì dùng rổ, rá cào luôn cũng được. Bàn cào được thiết kế gồm một thanh sắt dài cỡ 5 tấc, có nhiều que nhọn như chiếc lược chải đầu. “Muốn bắt được hến phải miết mạnh cào xuống, kéo giật lùi khoảng 3 m rồi nhấc lên, xóc cho rơi hết cát sạn. Kế đó, đổ hến ra rổ đãi cho sạch rồi mới nhặt bỏ vào gùi, bao bì. Những hôm đầu vụ, chúng tôi thu về vài tạ hến”-chị H’Hiên tâm sự.
Chị Siu H’Hiên đãi hến dưới kênh chính Ayun Hạ. Ảnh: Hoành Sơn
Chị Siu H’Hiên đãi hến dưới kênh chính Ayun Hạ. Ảnh: Hoành Sơn
Công việc cào hến cũng lắm nỗi gian truân, đòi hỏi người làm phải có sức khỏe vì phải ngâm mình trong nước lạnh nhiều giờ trong tiết trời nắng nóng.Vậy nên, người mới theo nghề thường hay bị ốm, mẩn ngứa. Ngoài ra, dưới làn nước đục đỏ còn có nhiều vật dụng sắc nhọn, không ít người bị trầy da chảy máu do giẫm phải. “Ngày trước, chuyện giẫm vật nhọn trong khi cào hến, phải đi viện khâu là bình thường. Nay thì đỡ hơn vì có đồ bảo hộ lao động. Làm nghề này cũng phải chú ý thời điểm xả nước để nghỉ và tránh chỗ nước sâu. Mấy năm trước có trường hợp bị nước cuốn trôi suýt thiệt mạng rồi đấy. Chưa kể, có trường hợp bê bao hến nặng trịch trèo ngược mặt bê tông kè lên bờ kênh bị trượt chân ngã xuống, hến đổ xuống dòng nước hết, khắp người trầy xước”-anh Qua kể.
Cho vị hến bay xa
Mỗi năm, huyện Phú Thiện có 2 vụ thu hoạch hến chính: từ khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 6 và từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12. Theo đó, sau vụ Đông Xuân và vụ mùa, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Ayun Hạ sẽ cắt nước để làm công tác chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới, kênh mương cạn, người dân kéo nhau ra tận thu lộc thủy thần. Nguồn hến dồi dào sinh sống trong kênh mương đã giúp người dân có thêm thu nhập.
Nhiều người dân xã Ayun Hạ (Phú Thiện) ngâm mình trong mương nước cả ngày để cào hến. Ảnh: Hoành Sơn
Nhiều người dân xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) ngâm mình trong nước cả ngày để cào hến. Ảnh: Hoành Sơn
Vợ chồng anh Phạm Bá Khánh-Lương Thị Dung (thôn Thanh Hà, xã Ayun Hạ) đã có 5 năm hành nghề buôn bán, chế biến hến Phú Thiện cung cấp cho thị trường và là cơ sở lớn nhất huyện. Bình quân 1 năm, gia đình anh Khánh cung cấp xấp xỉ 150 tấn hến cho các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên. Vào chính vụ, ngôi nhà của Phó Trưởng thôn Thanh Hà này tấp nập xe cộ, người vào ra mua bán, trao đổi các sản phẩm từ hến. 
Nói về công việc gia đình đang làm, anh Khánh tâm sự: “Năm 1995, từ Thanh Hóa, tôi theo bố mẹ vào Ayun Hạ xây dựng kinh tế mới. Hồi đó, hến đã có khắp đồng ruộng, người dân trong vùng thường bắt về nấu ăn. Sau khi hồ thủy lợi Ayun Hạ đưa vào sử dụng, con hến sinh sôi nhiều hơn. Có lẽ là do dòng nước chảy liên tục trong kênh, giúp cho sinh vật phù du phát triển, tạo nguồn thức ăn phong phú cho loại nhuyễn thể này. Kể từ đó, mỗi năm 2 vụ, bà con trong vùng đổ ra kênh cào hến. Vợ chồng tôi kế thừa công việc từ bố mẹ đã 5 năm nay, mỗi vụ cũng thu về khoảng 10-20 triệu đồng. Hiện gia đình tôi là cơ sở mua bán hến chính trong vùng với số lượng chừng 150 tấn/năm”.
Một chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát tỉnh Đak Lak đỗ xịch trước cổng nhà. Anh Khánh khệ nệ khiêng mấy bao hến tươi chất lên thùng xe, chị Dung thì nhanh chân vào nhà mở tủ lạnh lấy mấy bì thịt hến ra giao cho chủ xe. Chị Dung hồ hởi: “Cả tháng nay, nhà tôi không ngơi việc. Có bao nhiêu hến về là chủ nhà hàng ở Đak Lak, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… gọi ra mua hết. Chúng tôi có bếp chế biến hến thịt để bán nhưng không kịp nên chủ yếu bán hến tươi cho khách hàng”.
Gia đình anh Phạm Bá Khánh chế biến sản phẩm hến thịt. Ảnh: Hoành Sơn
Anh Phạm Bá Khánh chế biến sản phẩm hến thịt. Ảnh: Hoành Sơn
Anh Khánh cũng phấn khởi khoe việc xã vừa thành lập Tổ thu mua, khai thác, chế biến hến hồ Ayun Hạ; chị Dung được bầu làm Tổ phó. Gia đình anh cùng các thành viên tin rằng, tổ sẽ hoạt động hiệu quả, giúp nâng tầm các dòng sản phẩm hến Ayun Hạ và tăng thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, anh cũng trăn trở khi trữ lượng hến ở trên địa bàn huyện nói chung, xã nói riêng giảm trong những năm qua do tình trạng cào bắt theo kiểu tận diệt; trong khi việc nuôi trồng loài nhuyễn thể này chưa hình thành.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ Lê Xuân Mạnh cho hay: Những năm qua, người dân Ayun Hạ nói riêng và trong huyện nói chung có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống từ hàng trăm tấn hến được khai thác mỗi vụ. Xã cũng đang xây dựng sản phẩm OCOP hến Ayun Hạ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân khi khai thác hến trong tự nhiên cần chọn những con có kích cỡ lớn, thả lại những con nhỏ để chúng sinh sôi, không bắt theo kiểu tận diệt.
…Xế trưa, quán cơm Hữu Sâm dưới chân đèo Chư Sê nườm nợp khách vào ra. Bà chủ quán giới thiệu cho chúng tôi bữa trưa với những đặc sản canh hến, cá thác lác, cá trắm hồ Ayun Hạ kho rục, heo thả vườn và cơm nấu từ gạo Phú Thiện vừa gặt. Và khi được thưởng thức vị ngọt dịu, thanh mát của chén canh hến, chúng tôi tưởng như cái nắng nóng oi ả đầu hè ở vùng lòng chảo Cheo Reo đã tan biến.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm