Lễ chùa cầu an rằm tháng Giêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù trong hoàn cảnh dịch nCoV diễn biến phức tạp nhưng một số người dân Gia Lai đeo khẩu trang vẫn đi lễ chùa cầu an rằm tháng Giêng.
Ngày rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu. Đây là ngày rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Dân gian quan niệm “giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, vì vậy vào dịp Rằm tháng Giêng, dù có bận rộn thế nào, nhiều gia đình ngoài sắm mâm lễ dâng lên trên trước, gia tiên để tỏ lòng thành kính cầu một năm mới may mắn, thuận lợi. Dịp này, nhiều người còn dành thời gian đi lễ chùa để cầu bình an cho gia đình, đây đã trở thành phong tục, nét đẹp.
Theo ghi nhận của P.V, chiều ngày 7-2 (14 tháng Giêng Âm lịch), tại một số chùa lớn như chùa Minh Thành, Bửu Quang, Bửu Nghiêm, Bửu Sơn, Quan Âm (TP. Pleiku), Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah)...có khá đông người đi lễ chùa. Điều khác biệt so với mọi năm là hầu hết người dân đi lễ chùa đều ý thức được rằng đến chỗ đông người phải đeo khẩu trang để phòng dịch cúm nCoV.
Chùa Bửu Quang tổ chức lễ cầu an cho tăng ni, phật tử. Ảnh: Đinh Yến
Chùa Bửu Quang tổ chức lễ cầu an cho tăng ni, phật tử. Ảnh: Đinh Yến
19 giờ tối ngày 7-2, tại chùa Bửu Quang, bà Đỗ Thị Phượng (tổ 2, phường Tây Sơn (67 tuổi) dắt theo 2 cháu ngoại đi lễ chùa, chia sẻ: “Năm Canh Tý xem tuổi của gia đình con gái và chồng tôi khắc nhau, năm xấu nên tôi đưa hai cháu ngoại đến chùa ghi tên nhờ thầy cúng vào lễ chính ngày rằm tháng Giêng”. Cũng theo bà Phượng, từ 8 giờ đến 12 giờ trưa ngày 15 tháng Giêng Âm lịch, chùa Minh Thành tổ chức cúng sao giải hạn đầu năm và tổ chức bữa cơm chay. Bà cùng chồng và gia đình con gái đến lễ chùa, cầu xin sức khỏe, bình an, hạnh phúc cho gia đình trong năm. Sau đó, cả nhà dùng bữa cơm chay tại chùa trong ngày rằm, vừa để xin lộc vừa để xả xui.
Từ sáng sớm ngày 8-2, sau khi chuẩn bị mâm lễ cúng tổ tiên, bà Lê Thị Căn (hẻm Thống Nhất, Phường Ia Kring, TP. Pleiku) xúng xính trong bộ quần áo mới và cũng không quên mang theo khẩu trang để phòng dịch đi lễ chùa cầu an. Bà Căn tâm sự: “Năm nào rằm tháng Giêng tôi cũng đến chùa Minh Thành để đội sớ nghe thầy cúng cầu an cho cả gia đình. Khi gia đình cảm thấy tâm an thì làm việc gì cũng tốt và đạt hiệu quả”. 
Không chỉ người dân sở tại mà sáng ngày 8-2 ( rằm tháng Giêng), khá đông người dân các huyện Ia Grai, Mang Yang, Chư Prông cũng tìm đến các chùa trên địa bàn thành phố đề cầu an. Chị Nguyễn Thị Mến (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) vượt gần 70 cây số bằng xe máy đến chùa Bửu Quang từ lúc 8 giờ sáng để cầu an, cầu lộc, mong con cái, gia đình bình an và mọi chuyện thuận lợi. “Năm nào cũng thế, rằm tháng Giêng và tháng Bảy, dù có bận rộn thế nào, tôi cũng dành thời gian đi chùa. Đến chùa để cầu mọi sự an lành cho gia đình, đó như là điểm tựa cho cuộc sống mỗi khi trong lòng có chuyện không vui”-chị Mến chia sẻ.
Nghi lễ rót đồng tại chùa Bửu Minh. Ảnh: Đinh Yến
Nghi lễ rót đồng tại chùa Bửu Minh. Ảnh: Đinh Yến
Trưa rằm tháng Giêng, chùa Bửu Minh còn tổ chức lễ rót đồng đúc đại hồng chung 1.000 kg; thả chim phóng sinh cầu cho quốc thái dân an. Theo Thượng tọa Thích Giác Tâm-Trụ trì chùa Bửu Minh: Chùa được xây dựng từ năm 1936, sau đó tiếp tục trùng tu từ năm 1961 đến nay.  Rằm tháng Giêng năm nay, chùa tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, đúc đại hồng chung 1.000 kg, thu hút tăng ni, Phật tử cùng du khách thập phương về tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về ngôi chùa cổ này.
Nói về ý nghĩa rằm tháng Giêng, Đại đức Thích Đồng Lạc -Trụ trì chùa Bửu Quang cho biết: Quan niệm của người Việt, “đầu xuôi đuôi lọt” tức là thời khắc đầu tiên trong năm rất quan trọng. Ngày mùng 1 tháng Giêng là Tết Nguyên đán, ngày rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu; cả 2 đều mang hy vọng khởi đầu cho một năm mới hanh thông, an khang thịnh vượng. Hơn nữa, nhiều người tin rằng, rằm tháng Giêng là ngày Đức Phật hạ thế tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử. Vì ý nghĩa như vậy nên người dân đi lễ chùa rất đông. 
“Năm nay, do dịch cúm nCoV hoành hành nên chúng tôi đã chủ động phòng chống bằng cách phun thuốc sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí cho mỗi tăng ni, phật tử khi đến chùa cầu an”-Đại đức Thích Đồng Lạc nói thêm.  
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm