Phóng sự - Ký sự

Lên bản mùa 'Cô Vi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Học sinh nghỉ học kéo dài nên giáo viên nhiều trường vùng cao Quảng Bình phải băng rừng lội suối vào bản để hướng dẫn các em ôn tập bài vở và động viên, dặn dò hãy... khoan có chồng có vợ.
 
Nhóm giáo viên của Trường THCS và THPT Hóa Tiến băng rừng lội suối vào bản với học sinh. Ảnh: Huệ Minh
Quảng Bình những ngày cuối tháng 3, giống như nhiều nơi khác trong mùa dịch Covid-19, trò một nơi thầy cô một nẻo. Trường lớp vắng ngắt, bàn ghế bụi bặm, bục giảng lạnh lẽo. Chuyện chưa bao giờ xảy ra ở giữa đầu học kỳ 2.
Lên đường
Tiết trời miền ngược những ngày này cứ ương dở lúc nắng lúc mưa. Khi công việc kết nối tạm ổn, nhóm giáo viên Trường THCS và THPT Hóa Tiến khăn gói lên đường. Trường ở vùng miền núi Minh Hóa xa xôi cách trở, giáp với biên giới nước bạn Lào. Trường có 691 học sinh, người dân tộc thiểu số thuộc 3 xã biên giới Hóa Sơn, Dân Hóa và Trọng Hóa. Mùa dịch “Cô Vi”, các em được về nhà.
Thầy giáo Hoàng Văn Hải, hiệu trưởng, cũng nhập cuộc. Sau nhiều giờ chạy xe máy vượt đường đèo 12A uốn lượn, một bên núi cao còn một bên là vực sâu, nhóm giáo viên đặt chân đến địa phận xã Trọng Hóa. Đứng trên đèo cao chỉ thấy từng mái nhà sàn thấp thoáng phía xa xa, để đến được đó phải băng qua nhiều đèo suối nữa. Cứ đi rồi sẽ đến, nhóm động viên nhau.
 
Nghe lời thầy cô, học sinh xã Trọng Hóa say sưa học bài
Hết đường xe chạy, nhóm bỏ xe lại bìa rừng và bắt đầu cuốc bộ xuyên qua những lối mòn chỉ đủ 1 người đi. Cứ thế, hết xuyên rừng lại băng qua suối. Bữa trưa giữa rừng là lương khô và mì ăn liền. Vừa ăn vừa nghỉ, áo chưa khô mồ hôi họ lại lên đường cho kịp. Từ người lớn tuổi đến những cô giáo hai mấy thanh xuân, không ai kêu ca một lời…
Bản nhỏ hiện ra với những ngôi nhà cũ kỹ, trống trơ. Thầy cô nhìn thấy trò sau bao ngày xa cách, niềm vui cứ vỡ òa. Mấy đứa trẻ trong bản bình thường “khô khan”, ngại tiếp xúc nay cũng hớn hở. Em nào cũng đồng thanh: “Em chào thầy, em chào cô ạ!”, rộn rã một góc bản. Sau màn chào hỏi, các giáo viên bắt tay vào việc, đến từng nhà thăm hỏi, kiểm tra và hướng dẫn các em ôn bài. Thầy giáo Lương Xuân Trường, Bí thư Chi đoàn, tâm sự: “Rất vất vả, nhưng đến tận nơi và biết hoàn cảnh của các em mới thấy hết nỗ lực đến trường, rất cảm phục. Những đóng góp của mình vì học sinh thân yêu lại càng có ý nghĩa hơn”.
Lên bản với học sinh, các giáo viên cũng không quên mang khẩu trang tặng cho bà con dân bản và nhắc họ cẩn trọng với dịch bệnh. Phải ăn chín uống sôi. Phải thường xuyên giữ gìn vệ sinh…
 
Giáo viên Lê Thị Thúy Diễm hướng dẫn học sinh ở bản Tăng Ký học bài
 
Giáo viên toán Nguyễn Thanh Hùng tại bản Bạch Đàn
Sứ giả của con chữ
Cách Trọng Hóa hơn 200 cây số, ở miền tây của H.Lệ Thủy, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy cũng đang tỏa về từng bản làng để gieo con chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trước nguy cơ “tái mù”.
Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy, bảo phần lớn học sinh ở bản không có internet và điện thoại nên thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, phụ huynh thiếu sự quan tâm, còn bỏ mặc. Mà chuyện kết nối với phụ huynh càng khó vì họ cũng… không có điện thoại. “Nhiều học sinh chưa có ý thức trong việc học ở nhà nên quên kiến thức. Nhiều em vào rừng, đi rẫy cùng bố mẹ để phụ giúp gia đình…”, thầy giáo Tình nói.
Nhưng không vì thế mà giáo viên “đầu hàng”. Nhà trường thành lập nhóm mạng xã hội rồi đăng tải kế hoạch lên đó, đăng lên cả trang tin điện tử của trường. Với bậc tiểu học, giáo viên bộ môn in nội dung ôn tập rồi phát về tận nhà hoặc gửi đến tận tay phụ huynh, học sinh để các em tự học. Hằng ngày, giáo viên thu nhận kết quả ôn tập của học sinh và gửi báo cáo hằng ngày về cho tổ trưởng tổ chuyên môn.
 
Giáo viên Trường THCS và THPT Hóa Tiến tặng nước sát khuẩn và khẩu trang cho dân bản
Với học sinh hệ THCS, giáo viên làm đề cương ôn tập sau đó đi đến tất các bản ở Lâm Thủy, về tận từng nhà phát phiếu bài tập, tài liệu hướng dẫn ôn tập 8 môn cơ bản (toán, văn, Anh văn, lý, hóa, sinh, sử, địa). Giáo viên làm đề cương trên phiếu phát cho học sinh, giám sát kiểm tra vào ngày thứ năm hằng tuần. Sau đó, nhận kết quả rồi phát phiếu mới...
Những ngày qua, bà con các bản Bạch Đàn, Tăng Ký, Mới... (xã Lâm Thủy) đã quá quen thuộc với hình ảnh các thầy cô giáo trẻ như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thanh Hùng, Lê Thị Thúy Diễm, Hồ Thị Yên ngược xuôi lui tới trong bản, trên tay là những tập giấy và sách sổ. Khi ở ngoài đường, lúc vào nhà, hễ gặp học sinh ở đâu là các thầy cô dừng lại hỏi han, dặn dò, hướng dẫn học bài... Cứ tỉ mẩn như vậy nên dễ hiểu vì sao lượng học sinh ôn bài rất cao. Tổng hợp của các nhà trường cho thấy, mỗi khối chỉ vài ba em chưa được ôn bài vì ốm, vắng.
Thầy cô lên bản như tiếp thêm ngọn lửa cho học trò mùa dịch. Những cử chỉ thân thương dường như đã chạm vào trái tim của học sinh Trọng Hóa. Em nào cũng hứa là sẽ chăm ngoan, nhớ lời dặn.
Hồ Thị Cúc, học lớp 12A2 (ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa) thỏ thẻ: “Em chưa lấy chồng đâu. Em còn đi học. Phải nghỉ học dài ngày, xa trường lớp, thầy cô và bạn bè em cảm thấy rất buồn…”. Hồ Bương, cùng lớp 12A2 nhưng ở bản Ông Tú, vui vui vì được thầy cô đến tận nhà giải bài và còn… tặng quà. “Em hứa sẽ xuống trường cùng các bạn sau khi hết dịch bệnh”, Bương quả quyết.
Chỉ thế thôi, là bao mệt nhọc tan đi!
Khó liên lạc học sinh
Hàng loạt khó khăn xuất hiện khi học sinh miền núi phải nghỉ học “né” dịch, nhất là với các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong khâu theo dõi, giám sát và quản lý học sinh. Địa bàn đồi núi trải rộng, phương tiện liên lạc hạn chế, nhiều bản không có sóng di động, internet càng là thứ xa vời. Cô giáo Cao Thị Giang, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 Trường THCS và THPT Hóa Tiến, chia sẻ: “Khi nghỉ học, rất khó liên lạc với hầu hết học sinh dân tộc. Các em thường đi rừng, có em theo anh chị đi làm ăn xa nên ít quan tâm đến việc ôn bài”.

Một mối lo khác: Nghỉ học dài ngày, những học sinh bậc THPT rất dễ… có chồng, có vợ. Theo Hiệu trưởng Hoàng Văn Hải, cấp ủy và Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch quản lý học sinh, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh để nắm bắt, tìm hiểu về học sinh, từ đó kịp thời động viên các em. Với học sinh sống tại các bản làng, nhà trường phải phân công từng nhóm giáo viên đến trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tặng quà động viên.

Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm