Với quan niệm "trần sao âm vậy" việc đốt vàng mã cho người cõi âm đã thành truyền thống của người Việt, cứ đến các ngày lễ Tết, nhà nhà lại chuẩn bị vàng mã để đốt cho người đã khuất. Đặc biệt là vào tháng 7 âm lịch, việc đốt "đồ dùng" lại càng được chú trọng với mong muốn người đã khuất cũng có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia.
Nhiều mặt hàng được làm theo mẫu của các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton,... treo đầy trên kệ hàng |
Vào thời điểm này, nhiều gia đình có thói quen mua sắm vàng mã, đồ làm lễ cúng cho người đã mất để tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành với tổ tiên và xá tội vong nhân không nơi nương tựa.
túi xách thiết kế cực kỳ tinh xảo |
Ngoài những mặt hàng thường có như giấy vàng mã, xe, nhà, quần áo, tiền âm phủ,… thường thấy từ xưa đến nay, những món "hàng hiệu", "hàng xa xỉ" được làm theo mẫu của các nhãn hiệu tên tuổi nổi tiếng như Chanel, Loius Vuitton, Gucci,.... cũng được chế tác y như thật và bày bán nhiều trên phố Hàng Mã.
Những bộ mĩ phẩm hàng mã được làm với mẫu mã giống y hàng thật |
Vì là "hàng hiệu" được chế tác tinh xảo giống y như thật nên giá thành cũng cao hơn một chút so với những mặt hàng thông thường. Được biết, mỗi sản phẩm "hàng hiệu" có giá giao động từ 50.000 - 150.000 đồng/bộ tùy kích thước. Ngoài ra còn có các bộ nước hoa, mỹ phẩm dành cho người "cõi âm" mang tên thương hiệu Chanel, Ohui,... đựng trong những hộp sang trọng.
Theo bà Thảo - một chủ cửa hàng tại phố Hàng Mã cho hay: "Những sản phẩm này nhiều năm gần đây rất được người dân chuộng. Nhiều người khi còn sống thích dùng đồ hiệu nên khi qua đời, người thân cũng muốn đốt cho họ những món đồ như vậy với mong muốn họ ở thế giới bên kia có một cuộc sống đủ đầy, được an ủi."
Ngoài những món "hàng hiệu", tại phố Hàng Mã cũng không thiếu những "nhà lầu", "xe sang", "đồ điện tử",...đang đợi để được gửi sang "thế giới bên kia". |
Chị Minh Hạnh (Hàm Long, Hà Nội) vừa mua một lô những quần áo, giày dép, túi xách, nhà, ô tô để chuẩn bị đem về cúng lễ và đốt cho người mẹ mới mất cách đây không lâu, chị cho biết: "Mình cảm thấy lựa chọn những món vàng mã kiểu cách hơn một chút không phải để khoa trương, màu mè. Mặc dù mẹ mình đã khuất nhưng mình vẫn muốn gửi đến cho bà những món đồ tốt nhất giống như những gì bà vẫn dành cho con cho cháu khi còn sống. Mình cảm thấy đấy là một cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã có công sinh thành dù họ không còn nữa và cũng là cách để xoa dịu nỗi đau mất người thân."
Vừa chọn một lô đồ hàng mã để về "lập đàn" cúng, anh Hùng (Long Biên) cho biết tháng 7 âm lịch này có rất nhiều gia đình tìm đến thầy cúng nhờ lập đàn để xá tội vong nhân. Được biết có những gia đình có điều kiện sẵn sàng chi hàng chục thậm chí hàng trăm triệu để mua lễ vật lập đàn trong đó vàng mã cũng chiếm phần lớn.
Từ xa xưa, khi nghề sản xuất vàng mã chưa phát triển, những món đồ đốt vào Rằm tháng 7 thường được các gia đình mua giấy màu về cắt kiểu tượng trưng. Cách làm này không quá tốn kém mà vẫn thể hiện được lòng thành, tâm nguyện của người sống.
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, hàng mã cũng dần trở nên sẵn và đa dạng hơn, tinh xảo hơn, đáp ứng được mục đích của người mua. Tuy nhiên việc đốt vàng mã không nên sa đà gây lãng phí, tốn kém.