Lịch sử là cốt lõi văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Ở cấp Tiểu học, việc tích hợp là hoàn toàn đúng về phương diện khoa học và tâm lý học sinh, nhưng đến cấp THCS và THPT mà môn Lịch sử vẫn tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là xóa bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông. Môn Lịch sử đã được khẳng định là môn khoa học thì phải đối xử với nó như là một môn khoa học.

Chương trình tích hợp như Bộ dự thảo sẽ làm cho lớp trẻ sau này chỉ biết lờ mờ về những thành tựu dựng nước và giữ nước của tổ tiên chúng ta, từ đó sẽ khó tự hào và kế thừa những truyền thống hào hùng của dân tộc ”-đó là ý kiến của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Chiến-nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo xung quanh vấn đề tích hợp môn Lịch sử vào bộ môn “Khoa học xã hội” ở bậc THCS và “Công dân với Tổ quốc” ở bậc THPT trong chương trình sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục-Đào tạo đề ra.

 

Một tiết học Lịch sử ở Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang). Ảnh: Phương Linh
Một tiết học Lịch sử ở Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang). Ảnh: Phương Linh

Cùng với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chiến hết sức đồng tình với quyết định của Quốc hội khi giữ lại môn Lịch sử là một môn học độc lập. Ông cho rằng đây là một quyết định sáng suốt, kịp thời và hợp lòng dân, thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng.

Về phía những giáo viên đang giảng dạy môn Lịch sử trong các trường phổ thông, đa số thầy cô cũng thống nhất và vui mừng trước việc môn học này được giữ là môn học độc lập. Là một trong những giáo viên hết sức quan tâm và thường xuyên theo dõi vấn đề gây tranh cãi tích hợp hay không tích hợp môn Lịch sử, Thạc sĩ Sử học Ngô Trọng Hiệu-giáo viên Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) cho rằng: “Nếu tích hợp môn Lịch sử với những môn học khác thì như một sự ép duyên rất đáng tiếc. Lịch sử cần đứng độc lập với những kiến thức chuyên sâu bởi nó gắn liền với văn hóa truyền thống của dân tộc, với sự phát triển của đất nước. Không chỉ là môn học độc lập mà Lịch sử nên là môn học bắt buộc chứ không phải là môn tự chọn”.

Theo nhận định của thầy Ngô Trọng Hiệu thì ngày càng nhiều học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử nên nếu tích hợp bộ môn này với các bộ môn khác thì nguy cơ môn Lịch sử bị xóa sổ là rất dễ xảy ra. Còn nếu Lịch sử là môn học độc lập nhưng là môn tự chọn thì cũng sẽ có rất nhiều học sinh không chọn học bộ môn này. Hiện nay, việc dạy môn Lịch sử đã được đổi mới nhiều về cách dạy và cách học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh như học nhóm, nêu vấn đề, giải quyết vấn đề và rút ra nhận định. Chấm dứt tình trạng thầy đọc trò chép và học thuộc lòng, học vẹt nhưng bộ môn này vẫn không thu hút được học sinh. “Một trong những nguyên nhân khiến học sinh tỏ ra ghét bỏ môn Lịch sử là vì kiến thức trong sách giáo khoa quá nặng nề, nhiều số liệu, mốc thời gian không cần thiết cũng bắt học sinh phải ghi nhớ. Ngoài ra, kiến thức môn Lịch sử hiện nay đang coi trọng về tính chính trị mà ít quan tâm đến yếu tố khoa học trong tính tổng thể và toàn diện”-thầy Ngô Trọng Hiệu trao đổi thêm.

Tìm hiểu về phản ứng của các em học sinh trước vấn đề này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến. Đa số các em theo học khối tự nhiên tỏ ra không quan tâm đến việc môn Lịch sử được tích hợp với các môn học khác hay được giữ lại là môn học độc lập bởi dù thế nào, các em cũng coi môn Lịch sử chỉ là môn học phụ. Còn với những học sinh theo học khối xã hội và yêu thích môn Lịch sử thì tỏ rõ mong muốn môn học này là một môn học độc lập. “Nếu môn Lịch sử được tích hợp cùng với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng để thành bộ môn Công dân với Tổ quốc thì lượng kiến thức lịch sử sẽ bị thu hẹp lại, không được chuyên sâu như khi nó đứng độc lập. Điều đó sẽ gây khó khăn cho những học sinh theo học bộ môn này. Dù hiện nay, kiến thức môn Lịch sử trong sách giáo khóa khá nặng nề, khó học nhưng em vẫn thích nó là một môn học độc lập mang tên Lịch sử”-em Nguyễn Thị Thanh Tiền (lớp 12A2 Trường THPT Lương Thế Vinh, thị trấn Kbang, huyện Kbang) bày tỏ.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm