Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Liên hoan Phát thanh-Truyền hình toàn tỉnh lần thứ IX: Bám sát vấn đề dư luận quan tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 9 lần tổ chức, Liên hoan Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) toàn tỉnh Gia Lai ngày càng thu hút sự quan tâm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của 2 loại hình báo chí: báo nói và báo hình.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Đài PT-TH tỉnh vừa tổ chức thành công Liên hoan PT-TH toàn tỉnh lần thứ IX-2019. Sau 8 tháng phát động, Ban tổ chức liên hoan đã nhận được 138 tác phẩm của 20 đơn vị tham gia, trong đó có 32 phóng sự ngắn truyền hình, 15 phóng sự dài truyền hình, 56 phóng sự ngắn phát thanh, 22 phóng sự dài phát thanh và 13 chương trình phát thanh tổng hợp của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao (VH-TT-TT) cấp huyện.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng trao giấy chứng nhận và hoa cho tác giả, nhóm tác giả đạt giải nhất tại liên hoan. Ảnh: P.L
Nhìn chung, các tác phẩm tham gia liên hoan năm nay đều được trau chuốt, đầu tư kỹ càng. Các tác giả đã bám sát đặc trưng và thế mạnh của từng loại hình để có tác phẩm dự thi chất lượng. Đề tài hướng đến là gương người tốt-việc tốt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; điển hình là các tác phẩm: “Nay Bim-Giấc mơ con chữ cho buôn làng” của nhóm tác giả Nguyễn Sang-Bích Hường (Trung tâm VH-TT-TT thị xã Ayun Pa); “Nỗi niềm con chữ” của nhóm tác giả Hòa Giang-Ngọc Hà-Viễn Khánh (Đài PT-TH tỉnh). Một chủ đề khác cũng được khai thác sâu là phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới trong “Cánh đồng làng Tung-Niềm vui trở lại”-nhóm tác giả  Minh Châu-Văn Biên (Trung tâm VH-TT- TT huyện Đức Cơ), “Đường thay áo mới”-tác giả Phan Thương (Trung tâm VH-TT-TT huyện Ia Grai)... Những trăn trở, bức xúc xã hội như vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số, công trình dân sinh không phát huy tác dụng, tình trạng luẩn quẩn trong sản xuất do được giá-mất mùa, được mùa-mất giá cũng được thể hiện trong nhiều tác phẩm như: “Tan nát những cánh rừng phòng hộ biên giới Đức Cơ”-nhóm tác giả Đức Hải-RPiên (Đài PT-TH tỉnh), “Vì đâu mất rừng”-tác giả Đoàn Bình (Đài PT-TH tỉnh), “Vấn nạn tự tử và hệ lụy ở một ngôi làng đồng bào”-tác giả Văn Chi (Trung tâm VH-TT-TT huyện Krông Pa)…
Điểm mạnh của các tác phẩm dự thi năm nay chính là chú trọng sử dụng hình ảnh “nói thay” cho lời bình. Các tác phẩm từ phát thanh đến truyền hình đều hạn chế sử dụng lời bình. Thay vào đó, tác giả tập trung vào tự sự của nhân vật để làm bật lên vấn đề cần khai thác, tạo sức gợi và ấn tượng sâu sắc trong lòng khán-thính giả. Chọn thể hiện tình trạng người dân tộc thiểu số nghèo ở huyện Kbang ngại tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách, series 3 kỳ “An phận với cái nghèo” của nhóm tác giả Hồng Uyên-Minh Trung (Đài PT-TH tỉnh) đã xuất sắc giành giải nhất ở thể loại phóng sự ngắn truyền hình. Chị Uyên chia sẻ: “Đề tài này chúng tôi ấp ủ từ lâu trong quá trình thực tế ở địa phương. Qua phóng sự, chúng tôi hy vọng những trăn trở của mình sẽ được ngành chức năng nghiên cứu để có chính sách, biện pháp kịp thời giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn  làm ăn vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi chọn cách để cho những người trong cuộc tự nói lên vấn đề của mình. Những lời bình, hình ảnh, âm thanh được lồng ghép đúng lúc để truyền tải thông điệp một cách thật khách quan, trung thực”.
Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: P.L

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đề nghị: “Các phóng viên, biên tập viên cần không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tuyên truyền tốt các vấn đề, sự kiện trong tỉnh. Cùng với đấu tranh phê phán mặt trái, mặt tiêu cực cần đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt để tạo sự lan tỏa tích cực”.

Tham gia đều đặn các kỳ liên hoan, anh Lê Văn Châu (Trung tâm VH-TT-TT huyện Đức Cơ) bày tỏ: “Qua kỳ liên hoan này, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp trong cách lựa chọn đề tài, thể loại và kỹ thuật thể hiện tác phẩm. Đó là vốn quý để tôi áp dụng vào thực tiễn công việc”.
Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã chọn  57 tác phẩm để trao giải, trong đó có 5 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 30 giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng tặng giấy khen cho 5 đơn vị có thành tích xuất sắc. Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban tổ chức liên hoan-nhận xét: Hầu hết tác phẩm tham dự liên hoan đều bám sát thực tế và những vấn đề dư luận đang quan tâm. Qua 9 lần tổ chức, từng nhà báo, từng phóng viên đã có thêm kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng, chất lượng tác phẩm PT-TH. Mỗi giải thưởng là sự động viên kịp thời với những tác giả có tác phẩm tốt, là vinh dự và động lực để anh chị em phấn đấu hơn nữa trong chặng đường làm nghề vất vả nhưng cũng không ít vẻ vang. 
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm