Liên hoan văn hóa cồng chiêng: 9 năm nhìn lại...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước thềm Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên lần này, nhiều bạn bè của tôi ở một số vùng miền trong cả nước gọi điện hỏi nhiều nội dung liên quan đến sự kiện này, trong đó có bạn “thắc mắc” sao lần trước Gia Lai tổ chức sự kiện tương tự lại gọi là “Festival Cồng chiêng Quốc tế”, lần này chỉ bó hẹp trong khu vực Tây Nguyên và sao không để đến... 10 năm tổ chức một lần? Những câu hỏi đó vẫn còn để ngỏ... Nhưng sau các cuộc trò chuyện ấy với bè bạn, tôi đều không quên ngỏ lời mời chân thành rằng hãy đến với Gia Lai trong dịp lễ hội này. Và Festival đã chính thức diễn ra với nhiều hoạt động từ hôm qua (29-11).
Còn nhớ, năm 2009, lần đầu Gia Lai đăng cai tổ chức một sự kiện văn hóa tầm quốc tế, chắc chắn không thể tránh khỏi khiếm khuyết, nhưng sự thành công thì có thể nói là ngoài mong đợi. Lễ hội diễn ra đúng vào dịp “hội hè, ăn chơi, nhảy múa” của bà con các dân tộc Jrai, Bahnar trên vùng đất Gia Lai vốn có bề dày trầm tích văn hóa, sau mùa thu hoạch. Kể từ khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (năm 2005), đây là sự kiện văn hóa có một không 2 được Gia Lai đăng cai tổ chức từ ngày 12 đến 15-11-2009. Theo thống kê của Ban tổ chức và giới báo chí, sự kiện này đã thu hút hơn 30 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước cùng người dân tại chỗ tham dự; trong đó có gần 1.000 diễn viên, nghệ nhân quần chúng trực tiếp tham gia vào các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ lễ hội. Sau Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009, danh tiếng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, thật sự trở thành di sản của nhân loại.
 Một nghệ nhân nhỏ tuổi tại Festival Cồng chiêng Quốc tế 2009. Ảnh: CAO NGUYÊN
Một nghệ nhân nhỏ tuổi tại Festival Cồng chiêng Quốc tế 2009. Ảnh: Cao Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là bản sắc văn hóa ngàn đời của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, nó gắn bó với đời sống người dân bản địa từ khi mới lọt lòng cho đến khi về với ông bà tổ tiên; là tinh hoa văn hóa của Việt Nam. Được biết, kể từ sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, Gia Lai đã trở thành tâm điểm của sự đầu tư, bảo tồn, khai thác và phát triển có hiệu quả nhất khu vực. Những con số thống kê sau đây có lẽ đủ sức thuyết phục: Trong khi bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn lưu giữ khoảng 10 ngàn bộ cồng chiêng thì riêng đồng bào Jrai, Bahnar của Gia Lai đã sở hữu khoảng trên 5.600 bộ. Ngoài việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ, Gia Lai còn chủ trương khôi phục nhiều nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong không gian cồng chiêng. Đặc biệt là việc truyền dạy đánh chiêng và chỉnh chiêng cho lớp trẻ rất được quan tâm chú ý; 100% các trường, lớp học có đông con em đồng bào Jrai, Bahnar học tập đều có các tiết học ngoại khóa liên quan đến việc dạy các em đánh chiêng nói riêng và sinh hoạt cộng đồng theo truyền thống của dân tộc mình nói chung. Nhiều đội chiêng, trong đó có cả thiếu niên, phụ nữ đã hình thành và duy trì sinh hoạt như ở các huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Pưh, Chư Pah, TP. Pleiku... Bà con người Jrai, Bahnar đã từng bước nhận thức được họ chính là chủ nhân của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, chính họ là người bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong cộng đồng. Vì vậy, xa lắm rồi cái thời người ta bảo rằng Tây Nguyên... chảy máu cồng chiêng!
Dịp liên hoan văn hóa cồng chiêng lần này, về mặt “sự kiện”, với Gia Lai, chúng tôi tin chắc đã không còn bỡ ngỡ nữa khi mà cách đây 9 năm đã một lần thử sức, từ đó rút ra kinh nghiệm về những điều chưa hoàn thiện. Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 thêm một lần nữa khẳng định “chỗ đứng” của cồng chiêng nói riêng, không gian văn hóa của nó nói chung trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là góp phần khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về lĩnh vực văn hóa trong đời sống xã hội là đúng đắn!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm