Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Liên kết bao tiêu sản phẩm sachi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng 2 năm gần đây, cây sachi đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp được hình thành giúp người dân thêm yên tâm sản xuất loại cây trồng này.
Cam kết thu mua với giá ổn định
Từ thất bại đối với cây hồ tiêu, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chuyển sang trồng sachi. Diện tích sachi tăng nhanh cho thấy, loại cây này có giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác. Tuy nhiên, cũng có thời điểm, người dân lao đao khi hạt sachi bị thương lái ép giá, dẫn đến sản xuất bấp bênh. 
Nhận thấy khó khăn này của nông dân, trong khi tiềm năng tiêu thụ hạt sachi ở một số nước rất lớn, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với người trồng sachi trên địa bàn tỉnh. Diện tích liên kết sản xuất là 200 ha ở các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh, Chư Pah và Đak Đoa. Ông Phan Đức Mạnh-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Sau khi mời các chuyên gia khảo sát, Công ty thấy rằng, nếu trồng sachi trên những vùng đất trồng hồ tiêu bị chết để tận dụng nguồn đất đai và cơ sở hạ tầng sẵn có sẽ giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho người dân. Do đó, Công ty đã vận động và ký hợp đồng liên kết sản xuất với các hộ dân. Từ tháng 5-2018, Công ty nhập hạt giống từ Thái Lan để cấp không cho nông dân trồng thử nghiệm 200 ha sachi. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho các hộ dân tham gia. Công ty cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cam kết thu mua với giá ổn định là 35 ngàn đồng/kg hạt trong vòng 5 năm. Trong trường hợp giá trên thị trường tăng lên thì Công ty sẽ tính toán bù thêm để người dân không thiệt thòi, còn nếu giá giảm thì Công ty vẫn cam kết thu mua với giá như đã cam kết. Theo tính toán, với giá 35 ngàn đồng/kg hạt, người trồng sachi sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi 80 triệu đồng/ha/năm. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch đợt đầu tiên chỉ mất 7 tháng, năng suất đạt khoảng 1 tấn hạt/ha. Những năm sau, năng suất sẽ cao hơn năm trước và cây sachi cho thu hoạch liên tục trong khoảng 10 năm, trung bình 1 ha sẽ thu được khoảng 4-5 tấn hạt/năm.
 Ngoài xuất khẩu thô hạt sachi, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên còn chú trọng chế biến sâu cho ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ảnh: V.T
Ngoài xuất khẩu thô hạt sachi, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên còn chú trọng chế biến sâu cho ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ảnh: V.T
“Ở các tỉnh phía Bắc, người dân trồng sachi với mật độ dày, có thể lên đến 2.000 cây/ha. Nhưng tại Gia Lai, chúng tôi khuyến cáo người dân nên trồng với mật độ 1.100-1.200 cây/ha để đảm bảo độ sinh trưởng và cho năng suất cao nhất. Những nghiên cứu khoa học cho thấy, hạt sachi được trồng trên đất bazan cho hàm lượng Omega 3-6-9 cao hơn khoảng 3% so với trồng ở những vùng đất khác. Do đó, đây là điều kiện rất thích hợp để người dân tận dụng đất vườn hồ tiêu chết để trồng sachi”-ông Mạnh cho biết thêm.
Chị Mai Thị Thủy (làng Hố Bi, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) là một trong những hộ liên kết sản xuất với Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên. Hơn 1 năm trước, sau khi tìm hiểu, chị quyết định trồng 5 ha sachi với mức đầu tư ban đầu là 65 triệu đồng/ha (gồm ươm cây giống, cắm trụ, giăng dây và chi phí trồng). Hiện 3 ha sachi của chị đã cho thu hoạch đợt đầu với sản lượng 3 tấn; 2 ha còn lại mới xuống giống, dự kiến vài tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Chị Thủy cho hay: “Là một trong những hộ đầu tiên liên kết trồng sachi, tôi được Công ty ưu tiên ký hợp đồng thu mua với giá 50 ngàn đồng/kg hạt trong vòng 5 năm. Đợt thu hoạch vừa rồi, gia đình tôi lãi khoảng 150 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây sachi mang lại giá trị kinh tế cao hơn”. 
Nâng cao giá trị sản phẩm sachi
Cây sachi không chỉ cho thu hoạch hạt mà cả lá, thân, vỏ quả đều có thể bán được. Với những giá trị tận thu như vậy, có thể thấy, trồng sachi mang lại hiệu quả lớn hơn so với nhiều loại cây khác. Bên cạnh đó, sachi có thể trồng xen với các loại cây khác, mức đầu tư ban đầu thấp, thời gian cho thu hoạch nhanh. Ông Mạnh cho biết, không chỉ thu mua hạt sachi, Công ty còn vận động bà con gom lá cây sau mỗi kỳ cắt tỉa để bán cho Công ty với giá 10 ngàn đồng/kg tươi. Với những chính sách Công ty triển khai, người trồng sachi hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm, không sợ bị thương lái ép giá như trước đây.
Dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên đã thu mua và sản xuất được hơn 150 tấn sản phẩm. Ngoài việc xuất thô đi một số nước, Công ty còn đầu tư chế biến với 5 sản phẩm từ hạt sachi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, giá bán từ 200 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng/kg. Theo ông Mạnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ hạt sachi trong nước rất tiềm năng khi người tiêu dùng đã biết đến công dụng dinh dưỡng của loại hạt này. Tuy nhiên, Công ty vẫn còn gặp khó khăn khi thiết lập thị trường vì nguồn vốn hạn chế, trong khi để đưa sản phẩm vào được hệ thống siêu thị đòi hỏi phải có vốn gối đầu. Công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm của Công ty cũng đang gặp một số khó khăn.
Nói về lợi ích của việc liên kết sản xuất cây sachi, ông Trương Thanh Hoài-quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-đánh giá: “Việc có một công ty đứng chân trên địa bàn liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân đã giúp những hộ trồng sachi thêm yên tâm. Hiện tại, những hộ trồng sachi trên địa bàn thị trấn đã bắt đầu thu hoạch với năng suất ban đầu rất khá, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ trong khi nguồn thu từ các loại nông sản đang giảm sút mạnh”.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm