Doanh nghiệp tổ chức hội thảo, ký kết hợp đồng bán cây giống, phân bón và cam kết thu mua sản phẩm cho dân, thế nhưng lại bán giống kém chất lượng. Đến lúc dân thu hoạch thì doanh nghiệp 'cao chạy xa bay', không chịu đền bù. Thậm chí, có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải nhưng lại tự ươm giống, tổ chức hội thảo để bán giống.
Người dân xã Ia Blứ trồng chanh dây do Công ty Tuấn Đại An cung cấp giống nhưng không có quả, buộc dân phải chặt bỏ. |
Mỏi mòn chờ đền bù
Đến thôn Lương Hà, xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) và nhắc đến tên Công ty TNHH Tuấn Đại An (đóng tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), nhiều hộ dân bày tỏ sự bức xúc. Ông Lê Đầu, Trưởng thôn Lương Hà nói: “Ai biết công ty chuyển đi đâu thì chỉ cho chúng tôi. Công ty này cung cấp giống đểu, đến khi bị vạch trần thì viết cam kết đền bù nhưng quá hạn hơn 1,5 năm mà chẳng thấy trả, công ty cũng mất tích luôn”.
Giữa năm 2016, công ty này ký hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống chanh dây, vật tư nông nghiệp cho 8 hộ dân xã Ia Hla với diện tích 6,5ha và 33 hộ dân xã Ia Blứ (cùng thuộc huyện Chư Pưh) với diện tích 16,8ha. Đến khoảng tháng 6-2017, phát hiện chanh dây không cho quả, hoặc quả nhỏ, không đảm bảo chất lượng, người dân tố cáo công ty cung cấp giống, phân bón, thuốc không đảm bảo chất lượng…
Theo ông Nguyễn Long Khánh - Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, sau khi có phản ánh, phòng phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT xác minh, xác định thời điểm triển khai hợp đồng với dân, công ty chỉ đăng ký ngành nghề kinh doanh là giao thông, vận tải chứ không có chức năng kinh doanh mảng nông nghiệp. Thông tin tố giác giống công ty cung cấp không đảm bảo chất lượng là đúng. Kiểm tra thì công ty không chứng minh được nguồn gốc giống mà do công ty tự cắt, tự ươm, điều này không đúng quy định sản xuất giống hiện hành. Trong khi đó, các loại thuốc bán cho dân, công ty đã lột nhãn mác, có tính chất giả dối. Sở NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang công an thụ lý. Sau đó, công ty cũng nhận lỗi và xuống xã họp cam kết đền bù cho dân.
Chỉ riêng tại xã Ia Blứ, theo biên bản thống nhất hòa giải vào ngày 3-7-2017 của UBND xã, công ty thống nhất sẽ hoàn trả lại cho 33 hộ dân hơn 268 triệu đồng, thời gian chậm nhất đến tháng 9-2017, đổi lại người dân sẽ rút đơn tố cáo. Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, cho biết: “Hết thời hạn cam kết, UBND xã đã tìm mọi cách nhưng không liên hệ được với lãnh đạo công ty, người dân đã lên tận trụ sở nhưng công ty không còn tồn tại”.
Cũng tại Gia Lai, vào năm 2017, Công ty CP An Phú Khang Tây Nguyên cũng đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua bí với các hộ dân trên địa bàn, diện tích ước tính khoảng 30ha, nhưng đến lúc thu hoạch thì người dân không thấy công ty đến mua. Một phần bí của dân lúc đó không bán được phải bỏ thối. Còn tại huyện Phú Thiện, cũng từng có doanh nghiệp liên kết thu mua gừng với dân nhưng cuối cùng cũng không thấy đâu…
Tại xã Cư Knia (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), người dân cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho cây sâm đương quy do doanh nghiệp liên kết thu mua với dân đã “bỏ chạy”. Ông Hồ Sơn - Trưởng phòng NN-PTNN huyện Cư Jút, cho biết, tháng 12-2017, Công ty CP Solavina đến xã Cư Knia tổ chức hội thảo và hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sâm đương quy với 7 hộ dân, diện tích 2,3ha. Hơn 1 năm, sâm đương quy cho thu hoạch thì phía công ty lại “dở chứng” không chịu thu mua. Bà Phạm Thị Út - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Knia, cho biết, sau khi Công ty Solavina “bỏ chạy”, chính quyền địa phương cũng đã mời một số chuyên gia về cây dược liệu đến khảo sát vườn sâm, đánh giá giống sâm mà công ty bán cho người dân là giống rễ nhỏ, không đảm bảo chất lượng.
Theo một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp trực tiếp liên hệ với người dân để bán cây giống, phân bón, vật tư và cam kết bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi bán được sản phẩm, doanh nghiệp lại bỏ người dân “tự bơi” với vườn cây của mình.
Cần ràng buộc chặt hơn
Để thuyết phục được dân liên kết với mình, các công ty sử dụng đủ chiêu trò như tổ chức tham quan, hội nghị, hội thảo và thậm chí cho nợ tiền phân bón, cây giống. Ông Lê Đầu bức xúc: “Công ty làm bài bản lắm. Họ xuống thôn gặp chúng tôi, sau đó đánh xe đi tham quan vườn cây rồi tổ chức hội thảo để giới thiệu, rất nhiều người ở các huyện cũng tham gia. Họ cũng hứa cho nợ 50% tiền giống, phân bón và sẽ trừ khi thu hoạch. Những đãi ngộ tốt như vậy, ai mà không tham gia. Cũng vì trót tin tưởng mà giờ dân khổ. Đất đai trồng chanh dây nhưng không cho quả giờ phải bỏ hoang”.
Trong khi đó, chính quyền và ngành chức năng chỉ biết chuyện khi việc đã rồi. Ông Phạm Đức Ngọc, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Công ty TNHH Tuấn An khi về địa phương bán giống chanh dây không báo chính quyền xã, huyện mà trực tiếp xuống làm việc với dân nên xã, huyện không biết để theo dõi, quản lý”.
Còn theo ông Hồ Sơn, hiện nay chưa có quy định, chế tài nào ràng buộc doanh nghiệp phải thông qua ngành nông nghiệp mới có thể liên kết với người dân trong sản xuất cây trồng. Lợi dụng kẽ hở này, các doanh nghiệp trực tiếp gặp người dân ký hợp đồng sản xuất, bán cây giống, phân bón. Khi người dân gặp thiệt hại, cơ quan chức năng phát hiện được thì vụ việc đã muộn.
Ông Lê Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, ngành nông nghiệp là cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm định hướng, khuyến cáo người dân nên trồng những cây thích hợp trên vùng đất của họ. Tuy nhiên, đất là của người dân, các doanh nghiệp trực tiếp đến liên kết với người dân nên khi gặp rủi ro, ngành nông nghiệp không can thiệp được. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con trước khi liên kết sản xuất cần phải có hợp đồng cam kết sản xuất với các điều khoản phải chi tiết, rõ ràng. Khi doanh nghiệp tự ý phá vỡ cam kết, người dân có thể kiện ra tòa, buộc doanh nghiệp bồi thường thiệt hại.
Hữu Phúc - Đông Nguyên (SGGP)