Lộ diện hàng ngàn giấy phép lái xe giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 2.341 là số lượng giấy phép lái xe (GPLX) giả mà Sở Giao thông-Vận tải đã phát hiện trong quá trình đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET từ tháng 7-2013 đến nay. Đây là con số không nhỏ so với tổng số GPLX quản lý trên địa bàn. Việc kịp thời phát hiện và xử lý GPLX giả góp phần hạn chế rất nhiều hệ lụy  trong giao thông cơ giới đường bộ.

“Vô tư” đi đổi GPLX giả

Tại Phòng Quản lý Phương tiện và Người lái, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) có đến hàng ngàn bộ hồ sơ liên quan đến GPLX giả. Ông Lê Ngọc Hữu-Phó Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái, cho biết: “Bình thường sẽ rất khó phát hiện các trường hợp người dân sử dụng GPLX giả. Thông qua công tác đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET từ ngày 1-7-2013 đến nay, Sở đã phát hiện 2.341 GPLX giả, trong đó chủ yếu là GPLX mô tô hạng A1”.

 

Việc cấp đổi GPLX được triển khai đến các huyện và có thể thông qua bưu điện địa phương. Ảnh: D.Q
Việc cấp đổi GPLX được triển khai đến các huyện và có thể thông qua bưu điện địa phương. Ảnh: D.Q

Chẳng hạn như trường hợp của chị L.T.T. (SN 1981, thường trú tại phường Trà Bá, TP. Pleiku). Ngày 2-12-2016, chị L.T.T. đến Sở GTVT để đổi GPLX số S145628 hạng A1 cấp ngày 14-9-2004. Thế nhưng, khi cán bộ Phòng Quản lý Phương tiện và Người lái rà soát thông tin trong hệ thống thì không có thông tin về GPLX của chị L.T.T.. Sau khi tiến hành xác minh, Sở đã ra quyết định thu hồi GPLX giả này, đồng thời thông báo đến chủ GPLX và các cơ quan chức năng liên quan. Tương tự, chị N.T.M. (SN 1978, thường trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cũng “vô tư” cầm GPLX giả đến đổi từ vật liệu giấy sang vật liệu PET, thậm chí vẫn “tự tin” ký vào mẫu đơn đổi GPLX mặc dù trong đơn này ghi rõ “Tôi xin cam đoan những điều ghi trong đây là đúng sự thật, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Với trường hợp này, Sở GTVT cũng đã xác minh là GPLX giả, đồng thời ra quyết định thu hồi .

Cũng theo ông Lê Ngọc Hữu, đối với các GPLX ghi thông tin do Sở GTVT cấp thì công tác xác minh khá nhanh. Còn đối với những GPLX do các Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác cấp, việc xác minh sẽ lâu và phức tạp hơn. Nhiều trường hợp là người Gia Lai nhưng do Sở GTVT tỉnh, thành phố khác cấp, cán bộ thực hiện đổi GPLX vẫn “tra” ra. Cụ thể, trường hợp ông L.V.D. (SN 1973, trú xã Tân Sơn, TP. Pleiku) đến đổi GPLX số AL678596 hạng A1 do Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 30-7-2009. Sau khi tra trên hệ thống và kiểm chứng, xác minh thông tin với Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh thì phát hiện đây là GPLX giả. “Tất cả những trường hợp trên đều đồng thuận với quyết định thu hồi của Sở, chứng tỏ việc xác minh GPLX trên đều được thực hiện đúng quy trình và chính xác”-ông Lê Ngọc Hữu nhấn mạnh.

Sử dụng GPLX giả bị “cấm” cấp lại trong 5 năm

Nhằm đưa ra chế tài xử lý mạnh tay đối với các trường hợp sử dụng GPLX giả cũng như có hành vi gian dối để được cấp, đổi GPLX, ngày 15-4-2017, Bộ GTVT  đã ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Cụ thể: “Những người tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX, sử dụng GPLX hoặc hồ sơ GPLX giả, sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX và hồ sơ gốc, cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống GPLX còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời gian 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu”. Đây là mức phạt khá nghiêm khắc, qua đó hạn chế tình trạng sử dụng GPLX giả điều khiểu phương tiện cơ giới hiện nay.

 

Toàn tỉnh đã cấp và quản lý 484.892 GPLX (mô tô hạng A1 là 404.472 giấy; ô tô các loại 80.420 giấy. Trong đó, GPLX bằng vật liệu PET là 247.721; gồm 60.924 GPLX ô tô các loại, 213.797 GPLX mô tô hạng A1.

Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ hệ thống quản lý GPLX toàn quốc trên mạng internet hiện nay cũng là công cụ đắc lực giúp các cơ quan, người dân dễ dàng tra cứu thông tin, phát hiện GPLX giả. “Việc tra cứu khá đơn giản, chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet, cán bộ quản lý, Cảnh sát Giao thông hoặc kể cả người dân cũng có thể truy cập vào trang Web: http://gplx.gov.vn nhập số GPLX và số sơ ri của GPLX vào công cụ tìm kiếm, sẽ nhanh chóng hiện ra thông tin của ngưởi sử dụng GPLX. Trường hợp không hiện thông tin có nghĩa là GPLX trên không tồn tại trên hệ thống, những GPLX này có thể là giả. Trường hợp sai sót gần như không có vì hiện tất cả thông tin GPLX đã được cập nhật trên hệ thống”-ông Lê Ngọc Hữu cho biết thêm.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm