Phóng sự - Ký sự

Lò gốm thủ công ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến nay, khu trải nghiệm làng nghề gốm Việt Đà Nẵng (số 55 đường 2/9, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã kết nối nhiều trường học, khách sạn...

Mong muốn tìm không gian vui chơi cho con, chị Phạm Hoài Thương (sinh năm 1989, quản lý khu trải nghiệm làng nghề gốm Việt Đà Nẵng, số 55 đường 2/9, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) không biết từ khi nào bén duyên với nghề làm gốm. Điều chị cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày là thấy những nụ cười mãn nguyện của nhiều vị khách khi sản phẩm thành hình. Rồi chị đưa lò gốm ra phố để phục vụ trẻ con và du khách.

Độc đáo gốm độc bản

Trong không gian nhỏ, gần 10 người đang say sưa, chăm chú bên sản phẩm gốm thủ công của chính mình. Ai cũng cẩn thận vuốt món đồ cho thật tròn, thật nét trên bàn xoay. Đôi bàn tay lấm lem bùn đất bên những câu chuyện vui nhộn. Đang tập trung tạo hình một cái chén, Mai Thị Anh Thư (sinh năm 2005, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) chia sẻ, làm gốm khá thú vị bởi là sinh viên ngành đồ họa như em, việc thiết kế trên máy đôi khi dễ hơn vì có những quy ước, công thức rõ ràng. Tuy nhiên, dù được nhân viên cầm tay chỉ việc nhưng em vẫn chưa tạo được dáng hình như mong muốn. Giữa không gian yên tĩnh, cảm nhận từng thớ đất sét khẽ lăn qua từng ngón tay, chậm rãi, tỉ mỉ tạo hình theo bất cứ hình dáng nào mình thích, thể hiện niềm vui của sự tự do khi thoải mái sáng tạo. Sáng tạo đến từ bất cứ đâu, ở bất kỳ hình dạng hay dưới bất kỳ hình thức nào, tùy thuộc vào mỗi cá nhân.

Đến trải nghiệm làm gốm tại làng nghề gốm Việt Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Đến trải nghiệm làm gốm tại làng nghề gốm Việt Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tính độc bản của mỗi sản phẩm gốm chính là lý do mà Trần Hoàng Xuân Nguyên (sinh năm 2005, quê ở Quảng Trị) đến đây để làm ra một món quà tặng mẹ. “Sau 1 giờ đồng hồ tạo hình, mình thấy làm gốm nhìn thì dễ nhưng không đơn giản chút nào. Dù đã xem không biết bao nhiêu video clip hướng dẫn nhưng việc tự tay làm ra một sản phẩm đơn giản cũng cần sự kiên nhẫn, trau chuốt”, Nguyên lý giải. Đối với những vị khách, làm gốm không chỉ là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ mà còn là một phương thức chữa lành hiệu quả cho tâm hồn. Họ bình tĩnh và chậm rãi nhào nặn từng chi tiết, để rồi dần nhận ra những muộn phiền của bản thân bỗng chốc tan biến một cách kỳ diệu. Khi đến với gốm, họ có rất nhiều cái mới, từ kiến thức, bạn bè, đam mê đến một tâm hồn mới.

Mê gốm vì... thương con

Cơ duyên đưa chị Hoài Thương, bà mẹ 3 con, đến với nghề làm gốm cũng từ con. Từng đưa con đến một tiệm gốm, chị ngạc nhiên khi nhìn thấy các con chơi với cục đất sét một cách nhẫn nại. “Chưa bao giờ tôi thấy con chơi mãi một thứ gì đó ngoài điện thoại từ 7 giờ đến 10 giờ đêm. Một miếng đất sét rất to, con chơi đến khi cục đất sét chỉ còn một chút và có một hình thù nhất định. Người hướng dẫn gợi ý để con tô lên một sản phẩm khác đúng kỹ thuật hơn để mang về, nhưng con nằng nặc muốn nung sản phẩm mà chính mình tạo ra. Lúc cầm sản phẩm đầu tiên, con vui lắm, cầm nắm mãi không buông”, chị nhớ lại.

Nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm làm gốm tại làng nghề gốm Việt Đà Nẵng
Nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm làm gốm tại làng nghề gốm Việt Đà Nẵng

Kể về việc làm gốm đối với các con, chị Thương chia sẻ, bây giờ chén bát, ly uống nước trong gia đình chị toàn là những sản phẩm gốm thủ công độc bản rất lạ lẫm do chính các thành viên trong gia đình chế tác. Trẻ con làm theo cảm xúc nên chị cũng điểm lên nhiều họa tiết cho những dụng cụ ăn uống trong nhà theo sở thích của con. “Đứa nhỏ nhất trong nhà không bao giờ thích uống nước lọc nhưng lại thích ăn dưa hấu. Thế là, tôi đã tặng một ly có hình quả dưa cho con. Điều bất ngờ là ngày nào con cũng cảm thấy nước dưa hấu rất ngon, thực ra nó chỉ là nước lọc. Rồi con có thói quen để lại một chút cơm ở đáy chén, tôi bèn tặng con một cái chén với hình của con trên đáy. Nhờ thế, mỗi lần tôi muốn con ăn hết cơm thì sẽ nói: Vít ơi, Vít ở đâu rồi, Vít ăn Vít lòi Vít cho mẹ xem nào!”, chị Thương kể.

Ấp ủ mang niềm vui đến cho trẻ, chị Thương quyết định mở chương trình đầu tiên tại biển Đà Nẵng. Nhiều công đoạn được chị đẩy nhanh từ việc vận chuyển gốm Bát Tràng về Đà Nẵng, trang trí cho chương trình… Ấy vậy, khi mở cửa, chị bất ngờ với lượng khách, đối tượng tham gia không chỉ là những đứa trẻ. Dù chỉ có 6 ngày, khách đến trải nghiệm đếm không xuể. Có hôm, khu trải nghiệm “sáng đèn” đến 2 giờ sáng. Và mỗi ngày, chị Thương chạm đến cảm xúc của nhiều người. Một du khách Nga ngồi 2 tiếng đồng hồ để làm một cái đĩa và một bông hoa sen đính ở trên. Khi sản phẩm thành hình, du khách này tô màu và đi nung để mang về nước làm quà. “Khi cầm trên tay sản phẩm do chính mình làm ra sau khi nung, khuôn mặt bạn rất ngạc nhiên và hạnh phúc. Bạn ấy rối rít cảm ơn chúng tôi và cho biết sẽ mang về nước làm quà”, chị Thương nhớ lại.

Mở đầu thuận lợi không có nghĩa là dễ dàng. Có những lúc chị Thương và nhân viên phải thức trắng đêm để phân loại, mang đi nung, đóng gói để gửi cho khách. Tuy vậy, mang đến niềm vui cho trẻ con và du khách là lý do để chị Thương tiếp tục. Đến nay, khu trải nghiệm làng nghề gốm Việt Đà Nẵng đã kết nối nhiều trường học, khách sạn...

Có thể bạn quan tâm