(GLO)- Những năm gần đây, nấm lim xanh được đồn thổi là chữa bách bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, đặc biệt là ung thư phổi. Mặc dù nhiều chuyên gia y tế, thảo dược đã cảnh báo nấm lim xanh không có tác dụng chữa bệnh ung thư nhưng nhiều người vẫn chi tiền để mua.
Ảnh: K.N.B |
Mới đây, một người bị ung thư phổi gặp người viết hỏi trong tâm trạng hoang mang về việc ông đã lỡ mua 1 kg nấm lim xanh với giá 2,2 triệu đồng mà không biết nấm đó thật hay giả, công dụng chữa bệnh ra sao. Chúng tôi đã đi tìm hiểu về loại nấm hiện được coi là thần dược này.
Rầm rộ phát triển
Cách đây khoảng 3 năm, một người tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, được cho là bị bệnh ung thư gan đã lành nhờ uống nấm lim xanh. Trước hiện tượng này, Sở Y tế Quảng Nam đã gửi mẫu nấm lim xanh đến Viện Dược liệu. Viện này đã xác định số nấm mẫu trên là nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum. Ngoài ra một đơn vị khác cũng gởi 2 mẫu nấm đến Viện Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh để xác định và cũng đã được xác định 2 mẫu nấm trên là linh chi.
Căn cứ vào những xác nhận này, nhiều cơ sở bán nấm mọc hoang trong rừng núi Quảng Nam và nhiều nơi khác đều khẳng định nấm được bán là nấm linh chi và gán ghép thành phần hóa học của linh chi cũng như công dụng của linh chi vào nấm lim xanh.
Từ thời gian đó đến nay, việc mua bán nấm lim xanh đã phát triển ồ ạt tại tỉnh Quảng Nam, khá nhiều công ty, cơ sở được thành lập để bán nấm lim xanh, cùng nhiều bài viết quảng cáo về loại nấm này nêu công dụng của nấm như cho rằng rất nhiều người đã khỏi bệnh ung thư, viêm gan, xơ gan… .
Hiện nay trên các trang mạng có rất nhiều lời rao bán nấm lim xanh. Giá cả dao động từ 1,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/kg tùy người bán và nơi bán. Thậm chí có nơi còn quảng cáo nấm của đơn vị mình đã được các bác sĩ Anh quốc thử nghiệm điều trị trên bệnh nhân ung thư người Việt và đã khỏi bệnh. Kết quả này được đăng trên tạp chí y học của Mỹ (?). Có nơi đưa ra các kết quả kiểm định của Viện Dược liệu, để chứng minh nấm của mình đúng là nấm lim xanh và có những giá trị chữa bệnh thần kỳ. Công việc bán nấm có vẻ phát triển rầm rộ, có cơ sở có hàng chục đại lý.
Thực hư lẫn lộn
Một chuyên gia về nấm cho biết: Từ lâu, nấm lim là tên dùng để chỉ các loài nấm gỗ thuộc chi Ganoderma mọc trên cây lim. Nấm lim xanh là tên được dùng gần đây, do những người đi rừng thuộc tỉnh Quảng Nam gọi để chỉ những loài nấm gỗ này mọc trên cây lim xanh. Nấm có thể mọc trên thân cây hay dưới gốc, ở cây còn sống hay cây đã chết. |
Chuyên gia nghiên cứu và phân loại nấm nói: Nấm gửi đến Viện Dược liệu kiểm định cho kết quả là nấm linh chi, nhưng cần chú ý là kết quả kiểm định chỉ có giá trị trên mẫu thử mà thôi. Các công văn trả lời kết quả kiểm định cũng đã nêu rõ điều này. Mẫu thử rất ít nhưng lượng bán là hàng tấn được thu hái từ địa phương này đến địa phương khác, kéo dài trong nhiều năm.
Do vậy, nấm lim xanh-linh chi như ở mẫu thử lấy đâu ra mà nhiều thế? Không ai khẳng định được là nấm đã bán có phải là linh chi thật sự không. Và vì vậy cũng không ai biết được là nấm đó có tốt không. Và tốt là do cái gì. Muốn biết rõ phải qua sàng lọc về hóa học, phải thử dược lý… phải qua các bước tiền lâm sàng mới chứng minh được giá trị phòng và chữa bệnh của nấm lim xanh. Từ trước tới nay, hoàn toàn không có những bước này cho nấm lim xanh ở Quảng Nam.
Chuyên gia này nhận định: “Với những hình ảnh về nấm lim xanh rao bán dày đặc trên mạng cho thấy rất nhiều loài trong chi Ganoderma lẫn lộn nhau, có đủ màu sắc, từ cam đến đỏ, tía, đen…. Cuống ngắn hoặc dài. Tai nấm nhỏ nhiều loại, từ 3 cm đến 10 cm. Thấy cả mốc xanh, những lỗ mọt đục trên tai nấm. Như vậy có thể khẳng định, không thể có chỉ một loại nấm lim xanh được mà phải có nấm từ cây khác”.
Một người buôn bán dược liệu ở TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Trước đây tôi cũng bán nấm lim xanh, nhưng sau bỏ vì nghi ngờ nấm giả. Khi tôi yêu cầu nấm bám kèm theo mẩu gỗ lim nhưng không nhà cung cấp dược liệu nào hay thợ rừng nào đáp ứng được nên tôi không bán nữa”.
Thay lời kết
Như vậy, nấm lim xanh được rao với những công dụng thần kỳ, có phải là nấm lim xanh không? Có công dụng chữa được nhiều bệnh nan y không? Điều đó đòi hỏi những nghiên cứu khoa học chuẩn mực mới có thể kết luận được về thành phần hóa học, tác dụng và công năng của nó. Còn hiện nay, người bán vẫn bán, người uống vẫn uống nhưng không thể biết được là đang uống gì vào bụng. Có bệnh thì vái tứ phương nhưng xin rất cẩn trọng để khỏi phải rước bệnh thêm vào người.
Nguyễn Hưng