Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Lối về tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ký ức của một người đôi khi đơn giản chỉ là những lối đi. Với một người xa quê lâu ngày, nếu còn nhớ ra những lối tắt thì chứng tỏ tình quê còn sâu nặng.

Ngày nhỏ, tôi bé loắt choắt. Bố mẹ sợ tôi bị ngã, sợ gai cào nên thường dẫn con theo con đường thẳng. Đường dài, nắng gắt, đi mỏi chân và chẳng có gì thú vị với một đứa trẻ. Theo lũ bạn, tôi tự tìm ra lối tắt để đi nhanh, để tạt vào nhà nhau, để tạo ra muôn vàn trò chơi thú vị như trốn tìm, bắt chim, hái quả. Dần dà, nó thành một ký ức khó phai mờ trong tâm trí.

Học xong tiểu học, tôi theo bố mẹ rời quê lên sống ở thành phố. Mỗi lần được về thăm quê bao giờ tôi cũng kiếm cớ đi lại những lối đi ấy. Đó là lối mòn đi khu vườn có cây xòa bóng mát rộn tiếng chim hót, nắng chiều như thếp lên cành cây một sắc vàng óng của mùa màng.

Một lần, nhận ra trong khu vườn có mùi hương rất lạ, tôi lần tìm xem thứ quả nào đang chín. Quả cố náu mình trong vòm lá cũng như tôi đang cố kìm nén sự hồi hộp mà trái tim cứ đập thình thịch. Bữa đó, tôi chạy ra xe muộn, suýt nữa thì lỡ chuyến xe về thành phố nhưng vẫn thấy lòng vui.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Khi lớn lên, nhà có xe riêng, tôi vội vã hơn. Đôi lúc lái xe qua cái lối đi phía sau gốc cây ấy, nhưng không rẽ vào được. Vậy nên, tôi hay sống cùng kỷ niệm tuổi thơ. Rồi tôi nhớ lại cái ngày mình về quê để dẫn khách đến xem nhà. Lúc đó không hiểu sao tôi vui lắm vì bao lâu mới có cơ hội bán đi ngôi nhà đầy lá khô, ẩm mốc luôn đóng cửa im lìm.

Hóa ra, tuổi trẻ như mũi tên chỉ hăm hở lao lên phía trước mà đâu biết không phải lúc nào cũng trúng đích. Dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều hoạt động xã hội phải gác lại, buôn bán ế ẩm, trường học đóng cửa, người hỏi mua nhà cũng rút lui. Lúc này, người ta cần một độ lùi, cần một khoảng cách an toàn với phố xá, tôi mới hiểu căn nhà ở quê là hậu phương tránh dịch tốt như thế nào cho tụi trẻ. Khi con người ta không thể làm điều đơn giản nhất trong cuộc đời là lúc nhận ra mình đã nhầm, đã đánh mất một thứ gì quý giá nhất. Cuộc đời này có con đường hoa lệ, có lối rẽ thuận lợi, có lối đi vòng để thay đổi số phận… nhưng trước hết phải bắt đầu từ con đường không tên đã nuôi dưỡng tâm hồn mình.

Tôi nhớ cha tôi từng nói, có thân có quen mới rẽ lối qua vườn, qua sân. Cái lối đi ở nông thôn đâu chỉ tiện lợi mà còn cả một câu chuyện của tình nghĩa xóm làng. Thì chẳng phải, những câu nói như “tối lửa tắt đèn có nhau”, “gần nhà xa ngõ” đều ngầm chỉ những lối đi của sự quan tâm hay hờ hững, xa xôi đó thôi. Lối tắt qua hàng rào, qua bờ ao là sự gần gũi, thân thuộc của người cùng làm lụng trên một mảnh đất, cùng bám trụ trên đất này mà sinh sống.

Giờ mỗi bận về quê, ngó những ngôi nhà mới mọc lên san sát, nhiều cái ngách nhỏ đi tắt đã bị bịt kín, tôi lại thấy ngậm ngùi. Người đông, đất chật, lo nạn trộm cắp là những nguyên nhân khiến nhà nào cũng phải kín cổng, cao tường. Không còn những hàng rào bằng cây xanh hay xếp đá, không còn những tiếng gọi nhau í ới hái quả, xin nắm rau như xưa nữa, quê nhà đã đổi thay để làm thành những phố dở dang.

Phố núi của tôi mọc lên nhà những dãy nhà san sát, đường dài rộng, xe cộ tấp nập. Cái làng ven thành phố giờ đã được sáp nhập vào để lên phường, lối nhỏ xưa chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người sẽ mãi mãi tìm thấy nhau trong niềm hoài niệm về những gì đáng quý nhất của cuộc đời này.

Có thể bạn quan tâm