Kinh tế

Nông nghiệp

Lồng ghép nguồn vốn giúp hộ nghèo vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã lồng ghép nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Đa dạng sinh kế

Gia đình ông Liơch (làng Tnung-Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) là hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Tháng 6-2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, gia đình ông được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Ông Liơch cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các hội, đoàn thể về ngày công mà gia đình xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Giờ chúng tôi không còn phải lo lắng mỗi khi mưa gió nữa”.

Thông qua chương trình giảm nghèo, gia đình ông Hoàng Đình Dũng (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) được hỗ trợ chuyển đổi sang trồng nhãn để cải thiện thu nhập. Ảnh: P.N

Trước đây, gia đình ông Hoàng Đình Dũng (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) cũng thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là do đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên mùa màng thường thất bát. Thông qua chương trình giảm nghèo, gia đình ông đã được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên cuộc sống dần được cải thiện. “Sau khi chuyển đổi 1,5 ha mía kém hiệu quả sang trồng nhãn, gia đình được hỗ trợ vay vốn sản xuất, áp dụng kỹ thuật vào canh tác nên năng suất cây trồng tăng, thu nhập được nâng lên đáng kể. Mỗi năm, gia đình tôi thu được gần 200 triệu đồng từ vườn nhãn sau khi trừ chi phí”-ông Dũng chia sẻ.

Ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang-cho biết: Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng mía, mì, thu nhập rất bấp bênh. Vài năm trở lại đây, thông qua chương trình giảm nghèo, nhiều hộ được hỗ trợ để chuyển sang trồng nhãn, na Thái cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80% dân số, nay giảm còn 21,9%.

Gia đình bà Rơ Mah Yéo (làng Sung, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) cũng là hộ nghèo. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình bà, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã hỗ trợ dê giống làm sinh kế. Bà Yéo cho biết: “Đầu năm 2021, gia đình được hỗ trợ 1 cặp dê sinh sản. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện để gia đình vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua bò về nuôi, mua phân bón cho 3 sào cà phê và 2 sào cao su. Hiện gia đình có 4 con bò, dê 6 con. Hàng năm, gia đình có tổng thu nhập 70 triệu đồng”.

Theo ông Rơ Lan Pêu-Chủ tịch UBND xã Ia Dơk, để làm tốt công tác giảm nghèo, xã đã lồng ghép các chương trình, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Nhờ đó, số hộ nghèo của xã hiện còn 275 hộ, giảm 55 hộ so với cuối năm 2022.

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

Ông Đỗ Hà Quang-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro-cho biết: Năm 2023, với 182 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, mở lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, huyện cũng đã đầu tư 15 công trình giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng.

Người dân xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ thu hoạch điều. Ảnh: P.N

Còn ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ thì cho hay: Thời gian qua, huyện đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn được phân bổ triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cùng với sự ủng hộ của người dân nên mang lại hiệu quả rõ rệt. Bộ mặt các xã vùng sâu, vùng xa có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống người dân được nâng cao, góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Năm 2023, toàn huyện còn 2.001 hộ nghèo, chiếm 10,11%, giảm 419 hộ so với năm 2022.

Đến nay, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo, trong đó có 28.173 hộ nghèo là người DTTS (chiếm 21,05%). Số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 35.749 hộ, trong đó có 27.876 hộ DTTS (chiếm 17,66%).

Theo ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Thời gian tới, Sở phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh phân cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, triển khai và giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, chủ động, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Có thể bạn quan tâm