Lớp học "3 trong 1" ở xã biên giới Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một lớp học chỉ vẻn vẹn 13 học sinh nhưng lại có tới 3 trình độ. Mặc dù vậy, lớp học “3 trong 1” này đã được duy trì 5 năm qua tại làng Ring (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông). Đây cũng là ngôi làng có vị trí đặc biệt nơi biên cương khi một bên tiếp giáp với huyện Ea Súp của tỉnh Đak Lak, một bên tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Làng Ring trước đây là Làng Thanh niên lập nghiệp, được thành lập năm 2008 do Tỉnh Đoàn quản lý. Đến năm 2011, làng được chuyển giao về huyện Chư Prông, đổi tên thành làng Ring thuộc xã biên giới Ia Mơr. Làng có hơn 100 hộ dân sinh sống. Do khoảng cách từ làng đến trung tâm xã hơn 20 km cộng với đường sá xuống cấp nên việc đi lại rất khó khăn. Trước đây, các em học sinh Tiểu học được bố mẹ gửi sang tỉnh Đak Lak hoặc đưa về quê để học. Trước nhu cầu thực tế này, chính quyền địa phương tiến hành cải tạo một số căn phòng để tổ chức 2 lớp học. Tuy nhiên, do số lượng học sinh quá ít nên ngành Giáo dục và Đào tạo buộc phải tổ chức mô hình lớp ghép 3 trình độ: lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

 

Thầy giáo Phạm Văn Hậu với lớp học “3 trong 1” nơi biên giới Ia Mơr. Ảnh: N.B
Thầy giáo Phạm Văn Hậu với lớp học “3 trong 1” nơi biên giới Ia Mơr. Ảnh: N.B

Lớp học chỉ vẻn vẹn 13 học sinh nhưng lại có đến 3 bảng đen và 3 vị trí bàn học được kê khác nhau. Thầy Phạm Văn Hậu-chủ nhiệm lớp học đặc biệt này vì vậy cũng hiếm khi nào được đứng yên. Thầy Hậu cho biết: “Duy trì lớp học 3 trình độ là điều vô cùng khó khăn, vừa phải đảm bảo cho các em về mặt kiến thức, vừa đúng tiến độ bài giảng để không có sự cách biệt với học sinh ở điểm trường chính”.

Dẫu khó khăn nhưng thầy Hậu vẫn phải duy trì bằng được lớp ghép. Hễ thầy ốm hay có việc bận thì sẽ có giáo viên khác lên thay. Thầy cho biết: “Duy trì lớp ghép nhằm tạo môi trường học tập thuận lợi và để học sinh không còn phải đi xa. Quan trọng hơn, con em làng Ring được ở gần bố mẹ, điều đó khiến họ an tâm làm ăn, việc chăm sóc, giáo dục cũng thuận tiện hơn. Người dân thấy có trường, có lớp thì mới đưa con em về đây sinh sống”. Bản thân thầy giáo trẻ Phạm Văn Hậu cũng phải sắp xếp cuộc sống riêng để gắn bó với lớp học đặc biệt này. Nhà cách trường 80 km nên mỗi tuần thầy Hậu chỉ sắp xếp về thăm gia đình một lần. “Gia đình biết điều kiện công tác của tôi nên cũng rất thông cảm. Vì thế, có khó khăn mấy tôi cũng khắc phục được”-thầy Hậu nói.

 

Điểm trường làng Ring thuộc Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông). Đây là ngôi trường ghép chung 2 bậc Tiểu học và THCS. Lớp học “3 trình độ” này có 13 học sinh, trong đó lớp 1 có 2 em, lớp 2 có 6 em và lớp 3 có  5 em.

Chia sẻ về công việc của mình, thầy Hậu cho biết: “Thỉnh thoảng, phụ huynh hỏi tôi rằng con em họ học trên này liệu kiến thức có đảm bảo không. Tôi hứa với họ sẽ giúp các em tiếp thu tối đa kiến thức. Nếu buổi sáng truyền đạt không đủ thì phụ đạo thêm vào buổi chiều”. Chị Bùi Thị Vịnh-một phụ huynh học sinh, nhận xét: “Do lớp ghép có nhiều độ tuổi nên tôi thấy thầy rất vất vả. Có lần thầy đang giảng giải cho cháu lớp 1 thì cháu lớp 2 ngồi nghe rồi ý kiến. Tuy vậy, thầy vẫn rất nhiệt tình, quan tâm đến học sinh. Điều đó khiến chúng tôi yên tâm để con học ngay tại làng”.

Từ ngày mở lớp học đặc biệt này, người dân ở làng Ring đã yên tâm làm ăn khi con em được học gần nhà. Tuy vậy, trong quá trình giảng dạy, thầy Hậu cũng nhận thấy những hạn chế của mô hình lớp ghép. Trước mắt, để duy trì sĩ số, cũng như nâng cao chất lượng lớp ghép, thầy Hậu đã tự nguyện dành thời gian rảnh rỗi để phụ đạo thêm kiến thức cho những học sinh vốn chịu nhiều thiệt thòi ở vùng biên xa ngái này.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm