Phóng sự - Ký sự

Lớp học còn xa!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Chị ơi, em bị lừa rồi. Người ta lấy tiền đầy đủ nhưng giao nguyên đợt hàng kém chất lượng. Em thì không rành nên không biết cách kiểm tra. Giờ khách hàng trả lại hết, còn trách móc đủ điều trên Facebook. Người ta nói em là giáo viên sao lại làm ăn gian dối”. Suốt 5 năm nay, chưa bao giờ chị Nguyễn Hồng Nga (quận 12) thấy T.T.T.S., cô giáo viên xinh xắn, nhanh nhẹn của trường mình hụt hẫng đến vậy.

Các trường mầm non mong ngày mở cửa để được hoạt động bình thường.
Các trường mầm non mong ngày mở cửa để được hoạt động bình thường.
Ngại ngần xoay xở mưu sinh
S. chỉ là một trong vô vàn trường hợp từ vị trí một cô giáo mầm non, phải xoay xở đủ thứ để mưu sinh trong đại dịch. Đợt TP Hồ Chí Minh bùng dịch, nhiều bạn bè về quê, S. chọn cách ở lại vì nghĩ chắc một, hai tháng sẽ được gặp lại học trò. S. đâu ngờ, gần sáu tháng trôi qua, ngày đến trường vẫn xa ngái. 
Ban đầu S. sống bằng tiền tiết kiệm. Ngồi trong phòng trọ, S. dành nhiều thời gian trong ngày để nhớ trẻ, nhẩm mấy bài hát quen thuộc cô trò hay hát múa cùng nhau. Nhưng chỉ được hai tháng, mọi thứ dần cạn kiệt, cuối cùng chị mới tập tành bán hàng online để “có đồng ra, đồng vào”. Mấy ngày đầu, cô giáo trẻ ngại chia sẻ thông tin vì sợ gặp phụ huynh của trường trên Facebook: “Tôi làm giáo viên nên muốn giữ mãi hình ảnh đẹp ấy trong lòng phụ huynh và học sinh”. Có lần gặp ai đó bình luận vào bài đăng bán hàng của S., chọc ghẹo “Giáo viên thất nghiệp phải đi làm thêm hả em? Tội thế!”, S. khóc ngon lành. “Cho dù việc buôn bán này có đem lại thu nhập thì tôi vẫn chỉ mong được mặc đồng phục, đến lớp bày trẻ học và cùng các con vui chơi, nhảy múa”, chị S. tâm tư. 
May mắn hơn chị S., ngay khi ban giám hiệu thông báo đóng cửa trường vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (giáo viên Trường mẫu giáo Làng Nắng, quận Bình Thạnh) trả phòng trọ thuê sát trường, chạy xe về TP Biên Hòa (Đồng Nai) ở với ba mẹ và hai em. Nhà ở Biên Hòa của gia đình chị Thảo thật ra là căn phòng trọ ngoài 20 m2, chật chội và ẩm thấp. Trước khi bị tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não, liệt người, ba Thảo cùng mẹ đi phụ việc cho người ta, số lương kiếm được không nhiều nhưng cũng đủ lo ăn ở cho bốn nhân khẩu. 
Từ ngày Thảo đi làm, lương hơn 10 triệu đồng/tháng, ba mẹ mừng lắm. Vậy mà, đi làm được hai năm thì nghỉ dịch mấy tháng ròng. Thảo lẳng lặng quay về nhà, mặt buồn thiu. Thoạt đầu, Thảo rủ mẹ làm mấy món ăn, đăng lên mạng bán. Lúc đó, phụ huynh trên TP Hồ Chí Minh ủng hộ nhiều lắm, nữ giáo viên mừng thầm khi có chút tiền xoay xở lúc dịch bệnh hoành hành. Thế nhưng khi chất hàng đầy xe, chuẩn bị xuất phát về Sài Gòn giao cho phụ huynh, Thảo lại chạnh lòng. Chị sợ sau dịch, hình ảnh của cô giáo tự tin ngày nào trong mắt người nhà học trò sẽ chẳng còn như xưa. Việc buôn bán do vậy là tạm ngưng.
Dịch lan đến Đồng Nai, công ty nơi mẹ Thảo phụ chuyện cơm nước đóng cửa do có F0, cả nhà thất nghiệp. Nguồn thu chính không còn, bữa cơm loe ngoe mấy cọng rau với cá khô, xơ xác. Những lúc khó khăn nhất, khao khát được quay lại trường khiến Thảo mỏi mệt vô cùng: “Những việc tưởng chừng đơn giản như học sư phạm rồi đi làm giáo viên mà khi dịch đến lại thành khó khăn như vậy. Làm giáo viên mà phải xa học trò quá lâu, ai không nhớ thương rồi chán nản. Giờ dịch tạm lắng nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy trường mở cửa, tôi phải đi kiếm việc làm để có tiền phụ mẹ cha. Phải làm điều mình không mong muốn, thật sự chẳng thoải mái trong lòng nhưng biết sao được”.
Thảo nói, chị đang xin phụ làm bếp, tạp vụ cho mấy công ty gần khu trọ. Lương công nhật, bữa có bữa không nhưng còn đỡ hơn ở nhà đợi chờ trong vô vọng. Thảo không muốn bỏ nghề vì bốn năm đi học, hai năm gắn bó với trẻ với nhiều kỷ niệm đẹp đủ để níu chân cô gái trẻ. Thảo nói, chị sẽ tìm đủ việc làm đợi ngày trường mở cửa trở lại, chỉ mong ngày đó không quá xa, chỉ mong có thêm khoản hỗ trợ nào đó để ba mẹ bớt xót xa khi nhìn con gái rồi lắc đầu: “Cũng ăn học đàng hoàng mà sao khổ quá”.
Riêng đợt dịch này, TP Hồ Chí Minh có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục bị mất việc. Trong đó, bậc mầm non chiếm hơn 82% với hơn 10 nghìn người. Bán hàng online, xin chân phụ việc trong siêu thị, cửa hàng, làm công nhân, cùng đường thì về quê sống nhờ cha mẹ... bất cứ nghề gì mà trước kia những giáo viên mầm non chưa từng nghĩ tới, giờ đều phải chấp nhận khi các trường đóng cửa dài. Gần nửa năm không đứng lớp, họ thấy sợ ai đó ngạc nhiên hỏi “Là giáo viên mà phải vậy sao?”. Họ muốn gặp trò, muốn trở lại trường học để được là một giáo viên đúng nghĩa, nhưng trước mắt, họ cần phải tồn tại đã. 
Chờ ngày đón học sinh
Một điều trớ trêu là khi dịch bệnh bùng phát, các trường mầm non ở danh mục tạm đóng cửa đầu tiên, cùng với các ngành không thiết yếu. Mở cửa đón lớp học sinh đầu tiên vào năm 2020 với cơ sở đầu tư hơn 4 tỷ đồng tại quận Bình Thạnh, thời gian đầu các nguồn thu còn hạn chế nhưng anh Nguyễn Minh Tuấn (chủ cơ sở Trường mầm non N.L.V.V.) vẫn nuôi hy vọng vài tháng tới tình hình sẽ ổn hơn. Thế nhưng, dịch ập đến cuốn phăng mọi dự tính, ước mơ của anh. Tính ra hai năm qua, trường của anh Tuấn mở cửa hoạt động xấp xỉ 10 tháng. Chưa kịp quen mặt học sinh đã phải xa đằng đẵng mấy tháng trời. 
Hay tin nhiều trường mầm non tư thục tại TP Hồ Chí Minh âm thầm đóng cửa vì “hết sức chịu đựng”, anh Tuấn vừa lo, vừa buồn. Anh sợ mình theo chân họ khi các nguồn cạn kiệt, cả vật chất lẫn niềm tin. Hiện, mặc dù đã được chủ cho thuê mặt bằng giảm 40% nhưng mỗi tháng anh Tuấn vẫn phải rút túi chi gần 50 triệu đồng. Cộng thêm các khoản thu khác, số tiền vay mượn ngày một tăng trong khi ngày hoạt động trở lại chưa thấy đâu. “Tháng đầu nghỉ dịch, tôi có hỗ trợ giáo viên mỗi người ba triệu đồng vì nghĩ chắc tình hình sẽ sớm ổn, ai dè càng kéo, càng dài. Dù rất buồn nhưng tôi vẫn phải nói với giáo viên của mình nếu có việc làm nào khác thì các cô hãy đi làm để kiếm tiền mà sống. Trường không lo được cho các cô thì tôi đâu quyền gì giữ chân họ. Cả trường 20 nhân sự nhưng giờ tôi cũng không đủ khả năng để hỗ trợ ai”, anh Tuấn trầm giọng.
Làm chủ hai trường mầm non tại quận Tân Phú và Bình Tân suốt nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Cẩm Đan thấy mình bối rối vì tính hoài chưa có hướng để đi. Hai cơ sở thuộc hệ thống Trường mầm non Tây Thạnh của chị Đan có thể nhận vào khoảng 700 trẻ với sự vận hành của hơn 80 giáo viên, nhân viên. Bình thường, thu nhập của giáo viên dao động từ sáu đến bảy triệu đồng. Năm 2020, mặc dù hoạt động của trường phải gián đoạn hơn ba tháng nhưng lúc đó chị Đan vẫn còn khoản dự trữ và mọi thứ mau chóng quay lại nhịp bình thường nên không quá chật vật. Năm nay, tình hình mỗi lúc một tệ hơn khiến chị Đan như ngồi trên lửa. 
Mỗi tháng, chị Đan phải chi hơn 500 triệu đồng cho tiền mặt bằng, bảo trì máy móc, hệ thống mạng… Từ tháng 5 tới tháng 7, tiền trong tài khoản cạn, chị vay mượn thêm để chi trả các khoản, cố gắng duy trì trường đợi ngày hết dịch. Tháng 8, tháng 9, khi đã thâm hụt các khoản lớn, chị thương lượng và được chủ cho thuê mặt bằng giảm giá nên cố gắng “gồng”. “Đến giờ thật sự tôi hết sức chịu đựng rồi. Vay mượn cũng có giới hạn. Mấy tỷ bạc đã bị dịch Covid-19 cuốn trôi. Giáo viên thì tôi chỉ giúp được lương tháng 5, lo tiền bảo hiểm y tế nên nhìn thấy mấy em cực khổ bươn chải, tôi đau lòng lắm. Nếu cứ đóng cửa hoài vậy, tôi buộc phải chuyển hướng kinh doanh mới có thể đủ sức giữ mặt bằng. Nhưng, bao nhiêu tâm huyết cả chục năm trời, nói bỏ sao đành”, chị Đan trải lòng.
Chỉ một đợt dịch bùng phát, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 150 cơ sở giáo dục mầm non tư thục buộc phải giải thể. Con số đó đang tiếp tục tăng khi mà ngày đến trường của trẻ vẫn còn xa. Điều mà nhiều chủ trường, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non tư thục lo nhất bây giờ là họ phải “gồng gánh” đến bao giờ? Và khi mở cửa trở lại liệu họ có đủ nhân lực để duy trì hoạt động không? 
Ở nhà mấy tháng liền, khó khăn về kinh tế cộng với sự tác động nặng nề về mặt tâm lý có thể khiến nhiều giáo viên mầm non tư thục chuyển hướng nghề nghiệp. Ban đầu hơi khó nhưng rồi một giáo viên sẽ tìm cách làm quen với vị trí của một công nhân, nhân viên bán hàng, người giao hàng… Thế nhưng, khoảng trống họ để lại không phải ai cũng có thể thay thế. Cuối cùng, chịu thiệt thòi vẫn là ngôi trường và những đứa trẻ. Đâu ai muốn rời bỏ cái nghề mình hết mực yêu thương. Nhưng ngày trở lại lớp học của các cô vẫn còn xa lắm!  
Theo Bài & ảnh: Mỹ Dung (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm