Phóng sự - Ký sự

Lớp học đặc biệt của những đứa trẻ Cheng Leng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiếc xe công nông từ từ tiến về phía gốc cây to chỗ khoảnh đất trống gần làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai), cách suối Cheng Leng chừng 1 km. Xe đỗ lại, một đám trẻ ùa tới. Miệng chào, tay bấu vào thành xe, đám trẻ đu người lên thùng xe công nông. Một lúc sau, có người đàn ông cõng thêm 1 đứa trẻ và dắt tay 1 đứa trẻ khác tới, chúng nhanh chóng được bế lên thùng xe. Xe công nông nổ máy chở đám trẻ về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai). Chiếc xe lọc xọc chạy trên con đường gập ghềnh, lũ trẻ bổ nhào mọi hướng vì liên tục gặp ổ gà. 
Đó là đường đến trường của 12 đứa trẻ có bố mẹ từng sinh sống ở xã Chư A Thai nhưng sau đó tự lên khu vực suối Cheng Leng (huyện Chư Sê, Gia Lai) lập làng sinh sống và làm rẫy. Chuyện những đứa trẻ được đến trường học chữ còn khó gấp bội lần so với những vất vả của con đường đến trường.
10 lần lên núi vận động học trò ra lớp
Chư A Thai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Thiện dù nằm cách trung tâm huyện chỉ khoảng 10 km. Xã có 1.206 hộ thì có 660 hộ là người dân tộc Bahnar, Jrai, Thái, Nùng... Tỷ lệ hộ nghèo của xã gần 35,5%, trong đó có gần 30% là người dân tộc thiểu số. 
 Làng trên đỉnh núi Cheng Leng. Ảnh: Nguyễn Tú
Làng trên đỉnh núi Cheng Leng. Ảnh: Nguyễn Tú
Do thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ dân bỏ làng cũ ở xã Chư A Thai lên khu vực núi cao tiếp giáp với huyện Chư Sê và huyện Mang Yang làm rẫy, dựng nhà sinh sống từ năm 1990, tụ họp lại thành 2 ngôi làng (Báo Gia Lai đã phản ánh). Một làng gồm 36 hộ dân gốc ở các làng Dlâm, Hek, Trớ sinh sống và làm rẫy tại khu vực suối Cheng Leng. Một làng mang tên Hek với 19 hộ dân gốc ở các làng Hek, Trớ của xã Chư A Thai và 3 hộ người Thái của xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, Gia Lai) sinh sống tại vùng hồ Ayun Hạ, nơi tiếp giáp các huyện: Phú Thiện, Chư Sê, Mang Yang. 
Gần 30 năm sống gần như biệt lập nên đời sống của người dân ở 2 làng này hết sức khó khăn. Họ không biết đến ánh sáng của điện, không có nước sạch để uống và không được thụ hưởng các dịch vụ y tế. Đa phần dân cư ở 2 làng bị mù chữ hoặc tái mù và có khoảng 40 đứa trẻ mù chữ. Tình trạng hôn nhân cận huyết cùng chế độ dinh dưỡng không đảm bảo khiến các em nhỏ nơi đây bé choắt, gầy còm. Nhiều em đã 15 tuổi nhưng thân hình chỉ bằng trẻ 9-10 tuổi ở các vùng khác. Vì vậy, tỉnh và huyện Phú Thiện đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp nhân dân 2 làng nói trên được hưởng chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là ưu tiên cho trẻ em được đến trường học chữ.
Ngôi làng tại khu vực suối Cheng Leng được chọn thí điểm. Với những hộ dân sống tách biệt lâu năm, chính quyền muốn vận động người dân di dời về nơi ở cũ hay đưa trẻ đến trường đều không hề dễ dàng. Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-kể: “Các hộ dân sinh sống ở khu vực suối Cheng Leng cách làng Hek khoảng 3-4 km, cách trụ sở UBND xã 8 km. Nhưng vì đường lên núi rất khó đi nên người dân hầu như tự cung tự cấp và ít giao tiếp với bên ngoài, trẻ em cũng không đi học. Muốn lên trên đỉnh núi chỉ có cách đi bộ. Chúng tôi nhiều lần lên núi vận động dời làng về nơi ở cũ để thuận tiện cho việc sinh sống và con cái học hành nhưng họ cứ tránh gặp. Ban ngày, họ vào rẫy trong rừng, tìm không được. Tối đến, họ đóng kín cửa chẳng tiếp ai”.
Với tập thể Hội đồng sư phạm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der, việc đưa được 12 học sinh ở khu vực suối Cheng Leng đến trường là một kỳ tích. Trước đó, Hiệu trưởng và giáo viên trong trường đã phải 10 lần lên núi vận động học sinh đến trường. “Đa phần người dân Cheng Leng là học trò cũ của trường nên họ không né tránh khi chúng tôi lên gặp. Nhưng để vận động họ cho con cái đi học thì rất khó. Ban đầu, họ lấy lý do con đi học thì không ai coi nhà cửa hoặc nấu ăn, phụ việc rẫy. Sau họ bảo ở trên núi cao, không thể đưa đi học về trong ngày. Riêng các em học sinh hễ thấy giáo viên là chạy vào rừng trốn. Phải đến lần thứ 10, khi lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và UBND xã đồng ý chủ trương đưa các em vào ở nội trú trong trường, thuê xe đón các em từ chân núi đến trường vào sáng thứ hai và chở về chân núi chiều thứ sáu thì phụ huynh mới đồng ý cho con đi học”-thầy Hoàng Minh Thái-Hiệu trưởng nhà trường-nhớ lại.
Lớp học đặc biệt
 
Lớp học của những đứa trẻ núi Cheng Leng. Ảnh: N.T
Lớp học của những đứa trẻ núi Cheng Leng. Ảnh: N.T
Trong lễ khai giảng năm học 2018-2019, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der vui mừng chào đón 12 học sinh mới của 5 gia đình sống ở khu vực suối Cheng Leng. 12 học sinh độ tuổi từ 6 đến 15 cùng học chương trình lớp 1 và được bố trí chung một lớp do 2 giáo viên Ksor HNgen và Ksor Jơ làm chủ nhiệm.
Ngoài việc được cùng học chung một lớp, các em còn được nhà trường bố trí ở chung 1 phòng tại khu nội trú; mỗi em một giường riêng có đầy đủ chăn, màn. “Đối với 12 em này, chúng tôi có giáo án riêng. Trong đó, chủ yếu tập trung vào việc tạo điều kiện cho các em tiếp xúc nhiều với mọi người để nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, sau đó mới dạy chữ”-thầy Ksor Jơ chia sẻ. 
Theo Hiệu trưởng Hoàng Minh Thái, hơn 1 tháng kể từ ngày nhập học, 12 học sinh này đã hòa nhập với các bạn ở trường. Những mặc cảm, sợ hãi do sống biệt lập trên núi dần được xóa bỏ. “Các em đã mạnh dạn tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, trong giờ học tự tin phát biểu khi được giáo viên đặt câu hỏi. Hết giờ học, các em rủ nhau xuống bếp phụ các cô cấp dưỡng nấu ăn, chiều thì ra sân trường đá bóng, nhảy dây với các bạn khác lớp. Đợt vừa rồi cả 12 em cùng ốm, phải điều trị ở bệnh viện hơn 1 tuần do không quen khí hậu. Chúng tôi cứ lo các em bỏ học nhưng các em đều bảo đi học rất thích”-thầy Thái vui mừng cho hay.
Học sinh làng Cheng Leng đá bóng cùng bạn khác lớp. Ảnh: Nguyễn Tú
Học sinh làng Cheng Leng đá bóng cùng bạn khác lớp. Ảnh: Nguyễn Tú
Ksor H'Thoang năm nay 8 tuổi. Cô bé có thân hình gầy gò này là một học sinh đặc biệt trong lớp học đặc biệt. 4 lần thầy-cô giáo lên núi vận động đi học thì cả 4 lần em đều bỏ chạy vào rừng trốn. Nghe lời bố mẹ khuyên nhủ, H'Thoang đồng ý đến trường học chữ, nhưng sau giờ giải lao của buổi học đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm tá hỏa vì không thấy em đâu. Tìm quanh trường không thấy, nhà trường đành cử giáo viên tìm đến gia đình em. Gặp thầy cô nơi chân núi, H'Thoang bỏ chạy theo con đường mòn. Được cha mẹ vận động, nửa tháng sau, H'Thoang mới trở lại trường. Giờ đây, gặp chúng tôi sau giờ học, H'Thoang phấn khởi: “Được gặp nhiều người nên em không còn sợ khi thấy người lạ. Em cũng không muốn bỏ về nữa vì khi học được biết chữ lại được ăn no, được xem ti vi và được xem nhiều truyện tranh”.
Khi chúng tôi đến, trong nhà ăn của trường, 12 học sinh Cheng Leng quây quần bên mâm cơm chiều gồm một đĩa trứng chiên, một đĩa rau muống xào với ít thịt heo băm nhỏ, một đĩa cà xào, một tô canh và một tô cơm trắng. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về bữa cơm chiều, các em đồng thanh: “Cơm ngon lắm ạ!”.
Các em đã dần thích nghi với môi trường mới nhưng nhà trường vẫn chưa hết lo lắng. Chính quyền huyện Phú Thiện sắp dời số hộ dân ở khu vực suối Cheng Leng về làng Hek cách trường khoảng 4 km. Cuộc sống của người dân sẽ thuận lợi hơn tại nơi ở mới nhưng việc 12 em học sinh đặc biệt này có thuộc diện bán trú hay không thì nhà trường chưa rõ. Nếu không có chế độ dành cho học sinh bán trú, với hoàn cảnh gia đình khó khăn, nguy cơ các em bỏ học là rất cao. 
Chiều thứ sáu. Một chiếc xe công nông dừng trước bãi đất trống của làng Hek. 5 người đàn ông đứng chờ sẵn. Những đứa trẻ từ thùng xe nhảy xuống. Chúng lí nhí chào rồi cùng người thân đi bộ theo con đường mòn lên núi. Bóng họ lẩn khuất vào cây cối. Trên ngọn núi ấy, ngoài 12 em đang theo đuổi con chữ vẫn còn 10 em chưa được đến trường...
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm