Phóng sự - Ký sự

Lớp học tình thương của cô giáo nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gia đình chẳng mấy khá giả nhưng thấy nhiều em nhỏ trong xóm không được đến lớp, cô Trần Thị Mươn (59 tuổi, ngụ khóm 3, phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) một mình khăn gói đi học lớp sơ cấp Sư phạm mầm non. Hoàn thành khóa học, cô về quê đến từng nhà vận động những đứa trẻ không được đến trường đi học chữ…

Lấy lương mở lớp

Không chỉ miệt mài với nghề “gõ đầu trẻ”, cô Mươn còn dành thời gian giúp hàng chục em nhỏ làm giấy khai sinh. Những hành động hết mình vì con trẻ của cô đã được nhiều người dân hết lời ngợi khen.

 

Lớp học tình thương được cô Mươn mở tại nhà gần chục năm nay.
Lớp học tình thương được cô Mươn mở tại nhà gần chục năm nay.

Cô Mươn kể: Khi học xong lớp 10 thấy nhiều em nhỏ không được đến trường nên cô quyết định lên Cần Thơ học tiếp lớp sơ cấp sư phạm mầm non rồi về phường 5 dạy học. Thời kỳ đó, điều kiện dạy học vô cùng khó khăn nên cô phải mượn kho chứa lúa của người dân trong xóm mở lớp.

“Trước đây, gia đình các em thuộc diện nghèo khó, quanh năm ngoài ruộng nên đâu quan tâm đến việc học của con mình. Do vậy để có người dạy, tôi phải lội bộ hàng cây số gom học sinh dẫn nhau đi cả đoàn. Sau đó một năm, chủ lấy lại kho, lớp học đành dời qua cơ sở của hợp tác xã nông nghiệp”.

Thời kỳ đó, mỗi năm cô Mươn vận động và xóa “mù” chữ cho 25 học sinh. Sau 5 năm đứng bục giảng, vì hoàn cảnh gia đình, cô đã bàn giao công tác lại cho một giáo viên khác và cũng là lúc địa phương tiến hành xây dựng trường mầm non.

Sau khi lập gia đình, cô Mươn đảm nhận việc làm rẫy và nuôi dạy 3 đứa con. Với mong muốn nhiều trẻ em biết chữ, cô đã định hướng cho 2 người con nối nghiệp giáo viên và quyết định trở lại bục giảng.

“Thấy học trò, tôi rất thương nên năm 2000 đã ký hợp đồng với nhà thờ để dạy cho các em nhỏ trên địa bàn. Mỗi tuần dạy 5 buổi từ sáng thứ hai đến thứ sáu và được trả lương 300.000 đồng/tháng, nay tăng lên 2 triệu đồng”, cô Mươn nói về quyết định của mình trở lại nghiệp dạy học.

Hàng ngày đạp xe chở các em đến lớp với quãng đường hàng cây số đã khiến cô trò dường như bị kiệt sức. Sau những đêm nằm trằn trọc trước cảnh những em ngồi ngoài không được vào lớp, dẫn đến đánh nhau, cô Mươn đã quyết định thành lập lớp học tình thương tại nhà.

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, cô bộc bạch: “Lúc đó đi dạy bằng xe đạp mà nhiều em xin theo nên ngày phải chạy 2 chuyến với quãng đường 6 cây số mỗi lượt. Do vậy tôi đã quyết định mở lớp dạy kiến thức cho trẻ từ mẫu giáo đến lớp 3 và nay đã được 7 năm”.

Lớp học xóa mù chữ cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt chỉ có một tấm bảng sờn, vài viên phấn trắng tận dụng khoảng trống của căn nhà nhỏ. Để có nơi cho các học trò ngồi viết, cô Mươn đã gom góp số tiền tích lũy mua 10 cái ghế nhựa. Thế nhưng chẳng bao lâu trẻ em trong xóm đến học ngày một nhiều khiến cô phải sắm thêm dụng cụ. Ngoài ra, cô còn đi vận động tập sách, quần áo cho học trò của mình.

Học sinh trong lớp có độ tuổi khác nhau nên người dạy phải khéo léo trong việc tổ chức và sắp xếp. Cô Mươn chia sẻ: “Thời gian dạy học bắt đầu từ 13 – 15 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Dạy các em cũng gặp nhiều khó khăn do không cùng một lớp nên nhóm này đọc thì nhóm kia viết, làm toán… để mọi việc diễn ra được trơn tru. Dạy ở đây như làm việc thiện vì mình không có tiền mua gạo hoặc quyên góp tiền nên xuất công bằng việc dạy chữ cho học sinh nghèo”.

Đối với những em học sinh từ lớp 3 trở lên, cô Mươn nhờ thêm đứa con dâu kèm cặp. Ngoài việc dạy học, những ngày rảnh, cô Mươn đi vận động gạo, quần áo, tập sách cho người già neo đơn, học trò và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Quách Thị Thu Hà (28 tuổi, ngụ khóm 3) nhận xét: “Vợ chồng lo buôn bán kiếm sống, không có thời gian kèm đứa nhỏ nên gửi vào lớp học tình thương của cô Mươn. Con ai không có giấy khai sinh không những cô đến từng nhà hướng dẫn, chở đi làm mà còn tặng tập, quần áo. Từ ngày có lớp học tình thương mà trẻ em vùng này hình thành được nếp sống lành mạnh hạn chế chơi game”.

 

Có hàng trăm em học sinh nghèo được cô Mươn xóa mù chữ.
Có hàng trăm em học sinh nghèo được cô Mươn xóa mù chữ.

Cán bộ hộ tịch bất đắc dĩ

Dù khác nhau về xuất thân nhưng các em đều có chung cảnh đời bất hạnh và thiếu thốn tình thương từ bé. Càng thương hơn khi hầu như các em đều không giấy khai sinh từ lúc chào đời cho đến nay.

Nói về gia cảnh của học trò mình, cô Mươn cho biết: “Gia đình của các em học sinh tại lớp học tình thương vô cùng khó khăn và đủ thành phần như con không có cha, mẹ không có chồng, vợ chồng gửi cháu lại cho ông bà để đi làm ăn xa hoặc là không có thời gian dạy dỗ. Từ đó mà hàng chục em nhỏ không giấy khai sinh và mất cơ hội đến trường”.

Đơn cử là trường hợp của em Thạch Ong (13 tuổi). Ngồi luyện từng nét chữ trong căn nhà xập xệ, Thạch Ong nói: “Cha mẹ đi làm ở Long An, con sống với bà nội nhưng đến nay chưa có giấy khai sinh. Cách nay gần năm, thấy nhiều bạn đến lớp cô Mươn, con đi theo học cảm thấy rất vui. Nhờ cô mà con biết được cái chữ và tin rằng sẽ giúp ích cho mình sau này”.

Vì miếng cơm manh áo, nhiều gia đình quần quật suốt ngày ở ngoài đồng nên việc vận động các gia đình làm giấy khai sinh cho con thường diễn ra vào ban đêm hoặc thứ bảy, chủ nhật, có trường hợp phải đi 5 – 7 lượt mới thành công.

“Mình không chỉ vận động mà còn viết sẵn đơn rồi chở họ lên khóm, phường công chứng. Để tạo điều kiện cho họ, mình còn đăng ký với phường làm việc cả buổi sáng thứ bảy, nhờ vậy hàng chục em được cấp giấy. Hiện trong số 40 em theo học lớp học tình thương đến nay còn khoảng 15 em chưa được cấp giấy khai sinh”, cô giáo Mươn tâm sự.

Nhờ cô giáo mà 5 đứa con anh Trần Hoàng Tuấn (32 tuổi, ngụ tổ 7, khóm 3) được cấp giấy khai sinh. Anh Tuấn chia sẻ: “Trước đây, 5 đứa con có làm giấy khai sinh nhưng khi chuyển qua nhà mới bị thất lạc. Cách đây mấy tháng, nhờ cô Mươn hướng dẫn mà các con tôi được cấp lại giấy khai sinh và đang nộp hồ sơ nhập học”.

Bà Phan Thị Mỹ Lệ - Phó Chủ tịch UBND phường 5, thành phố Sóc Trăng, cho biết: “Mặc dù là địa bàn nằm trong thành phố nhưng tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 37%. Những đứa trẻ được cô Mươn dạy phần lớn là bị bỏ rơi, người mẹ mặc cảm do không có chồng, cha mẹ không có điều kiện đưa rước… dẫn đến không đi đăng ký giấy khai sinh. Sau nhiều lần được cô Mươn vận động và hỗ trợ đến nay hàng chục trường hợp đã được cấp giấy và đi học bình thường tại các cơ sở công lập. Ngoài ra nhờ tấm lòng của cô mà rất nhiều trẻ em được xóa mù chữ”.

Văn Nhân/GDTĐ

Có thể bạn quan tâm