Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Lựa chọn nhân sự T.Ư khóa XIII: Bài học từ xử lý hàng loạt cán bộ cấp cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Để lựa chọn được cán bộ cấp cao đủ Đức -Tài, xây dựng một Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII thực sự trong sạch, đoàn kết thì không có con đường nào khác là phải công khai, dân chủ...”, Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng nêu quan điểm.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị T.Ư lần thứ 12, sáng 11/5. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, vấn đề lựa chọn nhân sự, đặc biệt nhân sự cấp cao của Đảng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Đáng nói, sau gần một nhiệm kỳ khóa XII với việc hàng trăm cán bộ cấp cao vi phạm, bị xử lý kỷ luật... cho thấy công tác cán bộ đang có rất nhiều lỗ hổng, đòi hỏi phải có những quy định mới, có giải pháp mới trong việc lựa chọn, giới thiệu, đề bạt cán bộ.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến tiêu chí lựa chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, phải có Đức, có Tài, trong đó Đức là gốc. 
Tại Hội nghị T.Ư lần thứ 12 (khóa XII) đang diễn ra, công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII cũng là một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc và quyết định. 
Nhân dịp này, PV Dân việt đã có cuộc phỏng vấn nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương (T.Ư) Lê Quang Thưởng xung quanh những vấn đề đáng chú ý trong công tác cán bộ hiện nay.
Hội nghị T.Ư 12 đang họp, trong đó có nội dung xem xét phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Đây là vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi. Là người có nhiều năm làm công tác cán bộ, ông có nhận định gì về việc lựa chọn nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ mới?
- Về công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần đề cập: Phải lựa chọn cho được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài, trong đó lấy đức là gốc.
 
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư (Ảnh: IT)
Thực tế những tiêu chuẩn đó không mới, nhưng theo tôi, để lựa chọn những nhân sự T.Ư đủ đức, đủ tài, xây dựng một Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII thực sự trong sạch, đoàn kết thì không có con đường nào khác là phải công khai, dân chủ. Điều này phải được thực hiện từ đại hội cơ sở cho đến đại hội toàn quốc.
Công khai là phải giới thiệu những người được tiến cử vào cấp ủy, T.Ư để mọi người biết và giám sát. Bên cạnh việc thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư, phó bí thư cấp ủy, tôi cho rằng danh sách đưa ra bầu cũng phải đảm bảo có số dư để đại biểu có quyền lựa chọn. Như thế, tính dân chủ sẽ cao hơn.
Cũng liên quan đến việc lựa chọn nhân sự khóa tới, trong một bài viết mới đây, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh "kiên quyết không để lọt vào T.Ư những cán bộ có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính...". Những tiêu chí như vậy được dư luận rất ủng hộ, nhưng theo ông liệu có thực hiện được hay không?
- Quy định kê khai tài sản của cán bộ cũng đã đề cập lâu rồi, nhưng theo tôi thì hơi khó, vì thường người ta ẩn đi, tài sản giao cho con cháu, chứ có đứng tên họ đâu. Kiểm tra thì hơi khó nhưng vẫn phải đưa vào quy định, trước khi vào đại hội thì phải kê khai tài sản, nếu phát hiện khai không đúng thì phải xử lý ngay, như thế mới tránh được những hệ lụy về sau, vào T.Ư rồi mới phát hiện ra, phải xử lý hàng loạt cán bộ như nhiệm kỳ vừa qua.
Việc kiểm tra thực hiện phải có sự giám sát của Ủy ban kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt phải có ý kiến của nhân dân nơi cư trú, người ta góp ý kiến, phát hiện làm cho nhân sự đó được sàng lọc một cách tốt nhất.
Như tôi đã nói, phải phát huy tính dân chủ, tăng cường sự giám sát của nhân dân, lắng nghe nhân dân để lựa chọn cán bộ cho đúng.
Bên cạnh đó, cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu...
Trước đây cũng đã nhiều lần đề cập đến vai trò giám sát của nhân dân. Tuy nhiên phải chăng việc giám sát đó chưa thực chất, dẫn tới việc thời gian vừa qua chúng ta vẫn phát hiện hàng trăm cán bộ cấp cao sai phạm, phải xử lý kỷ luật, thưa ông?
- Đúng là có việc đó. Thực tế, thời gian vừa qua công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều vấn đề. Nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Đáng nói, khi xử lý mới vỡ lẽ, nhiều cán bộ đã vi phạm trong thời gian dài trước khi được cất nhắc vào vị trí quan trọng.
Nhưng cũng nhìn nhận như thế này để thấy rõ bản chất. Thực tế, nhiều cán bộ khi họ chưa vào T.Ư thì chưa vi phạm, chưa có chuyện gì. Nhưng sau vào T.Ư rồi mới bộc lộ ra. Ví dụ như trường hợp ông Đinh La Thăng chẳng hạn. Ông Thăng từng làm Bí thư thành ủy TP.HCM, Bí thư ban cán sự Đảng Dầu Khí... Trước lúc đó ông ấy không có chuyện gì, sai phạm là ở thời điểm làm lãnh đạo Dầu khí. Nhiều trường hợp khác cũng như vậy.
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải thừa nhận là việc giám sát chưa tốt. Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi vẫn thường diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đảng viên. Thứ nữa cũng là do cơ chế thị trường, trong khi chúng ta đang dùng tiền mặt quá nhiều, quá phổ biến nên dễ dàng hối lộ, tham nhũng.
 
Hàng loạt cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý đã bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay (Ảnh: IT)
Theo ông, từ việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo cấp cao thuộc diện T.Ư quản lý bị xử lý thời gian qua, Đảng cần rút ra bài học gì trong việc lựa chọn nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp T.Ư khóa XIII?
- Việc hàng trăm cán bộ cấp cao bị xử lý, thậm chí xử lý đến cả tầm Ủy viên Bộ chính trị chắc chắn có sức răn đe rất lớn. Tuy nhiên không nói trước được gì, mọi thứ diễn biến vô cùng khó lường. Ở thời đại chúng ta đang sống, thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền chi phối ghê lắm, cho nên không thể nói là sẽ không có chuyện tương tự xảy ra trong tương lai.
Do đó, trong việc lựa chọn nhân sự khóa mới, cùng với việc ban hành và thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng thì cần tăng cường giám sát, trong đó phải dựa vào dân, lắng nghe dân, để nhân dân giám sát cán bộ.
Trong cơ cấu nhân sự khóa mới, theo ông Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương có nhất thiết phải là Ủy viên T.Ư?
- Cái này cũng đã nói từ lâu rồi, không nhất thiết phải quy định cứng nhắc Bộ, ngành nào cũng phải có người vào T.Ư. Cũng không nhất thiết cứ Bí Thư tỉnh ủy, Bộ trưởng, trưởng ngành là phải Ủy viên TƯ.
Lâu nay, Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy phần lớn vào T.Ư. Nhưng có trường hợp Bộ trưởng quá lớn tuổi hoặc có chuyện này chuyện khác thì người ta đưa Thứ trưởng vào. Hay ở địa phương thì thông thường là Bí thư tỉnh ủy vào T.Ư, nhưng cũng có những tỉnh người ta không đưa Bí thư mà đưa Chủ tịch vào, đó cũng là chuyện bình thường. Trước đây đã có tiền lệ rồi. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ trưởng Y tế cũng không là Ủy viên T.Ư. 
Theo tôi, về cơ cấu nhân sự Ủy viên T.Ư khóa tới, trước hết phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng như quy định mới đã đề ra. Bên cạnh đó thì cần phải có cơ cấu hợp lý ở các Bộ, ngành, các địa phương. Ví dụ ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có thể cơ cấu thêm một, hai Ủy viên T.Ư. Hay các ngành như quân đội, Công an thì nhiều Ủy viên T.Ư hơn so với các bộ, ngành khác...
Tất nhiên, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên quan, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.
Xin cảm ơn ông!
Lan Uyên (thực hiện/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm