(GLO)- Lâu nay, ở Gia Lai không ít cán bộ và nhân dân ta thán về “độ thiêng” của luật. Một vụ khai thác gỗ lậu với chứng cứ hẳn hoi, nhưng cơ quan A nói có tội, cơ quan B cho rằng “non” chứng cứ, cơ quan C phán xuống tội ấy chỉ cần “nhắc nhở” là đủ. Ông Đ. khi còn làm giám đốc sở đã cấp giấy phép khai thác không có căn cứ pháp luật. Cơ quan giám sát thi hành pháp luật cho rằng giám đốc sở đó có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn… trong khi thi hành công vụ. Còn một cơ quan bảo vệ pháp luật khác thì nói là ông Đ. không có tội. Vậy ai đúng, ai sai?
Rất nhiều kỳ họp của Quốc hội nước ta dành cả tháng cho việc xem xét và quyết định một số bộ luật, luật quan trọng. Những lần biểu quyết tán thành, với đa số tuyệt đối, tại các phiên họp toàn thể làm nức lòng người dân cả nước. Nhưng “độ thiêng” của những bộ luật ấy chưa được khẳng định trọn vẹn, vì một phần quan trọng còn đang chờ ở quá trình đưa chúng vào thực tiễn đời sống thường nhật của cả một cộng đồng.
Ảnh minh họa |
Vì sao? Một trong những lực lượng cản phá trong quá trình tỏ rõ sức mạnh hiện thực của luật, của mỗi bộ luật, điều luật, cũng như nhiều mối quan hệ “tế nhị”, nhất là thời kỳ mở cửa và hội nhập, mà người dân thường thấy từ nhiều năm nay là những thứ “luật truyền miệng”. Liên hệ ở Gia Lai, điều đó có hay không? Có thể nói rằng lúc sơ khai, nó mới chỉ là những trao đổi thì thầm, tính toán hơn thiệt, có đi có lại, có ăn có trả, thả ra khoản này-lấy lại khoản kia… Nói nôm na là quà biếu, thưởng, đưa đi, đá lại, “lại quả”… Trong lĩnh vực nào cũng có, “mặn mà” nhất là đất đai, nhà cửa, cầu đường… Giờ đây nó đã trở thành một thứ luật, dù chẳng thành văn bản gì cả, nhưng ai muốn được việc mà không làm theo nó? Đấy là chưa kể một số những “luật truyền miệng” khác.
Có vị chủ tịch một địa phương nọ “lệnh miệng” cho một lâm trường vào rừng chặt hạ hàng trăm mét khối gỗ tròn mà chẳng cần một tấm “cẩm nang” hành nghề nào khác? Ông chủ tịch xã kia “lệnh” cho thủ quỹ chi chín mười triệu đồng cho những buổi “tiệc rượu” mà không cần một chữ ký, phiếu chi nào. Thâm hụt, thủ quỹ “đi tù” chứ nào ông chủ tịch kia đi tù thay. “Luật truyền miệng” đã biến dạng, biến tướng, muôn hình, vạn trạng. Thậm chí, có lúc, có nơi “luật truyền miệng” đã biến thành “luật rừng”, rất nguy hiểm đối với trật tự-an ninh và công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong những hoàn cảnh cụ thể “luật truyền miệng” đôi khi có sức mạnh hơn luật thành văn! Và vô hình trung như một “yếu tố quan trọng” dựng lên một đời sống xã hội thứ hai, chập chờn, hư thực. Nó tồn tại song song và luôn luôn tìm cách chống phá đời sống xã hội chính thống. Nói như Khổng Tử thì “pháp luật chỉ khiến người ta vì sợ mà không dám làm điều ác. Khi có thể che giấu, khi có thể tránh được sự trừng phạt, thì những kẻ xấu vẫn cứ làm điều ác”.
Cho nên, hạn chế và loại trừ “luật truyền miệng” hiển nhiên là một đòi hỏi bức thiết trong thực tiễn cuộc sống. Trong hàng loạt công việc cần làm, việc giữ “độ thiêng” của chính đội ngũ cán bộ và cơ quan thuộc các ngành trực tiếp bảo vệ pháp luật trong tỉnh là công việc có ý nghĩa hàng đầu. Mong rằng, công việc đó luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để tâm đúng mức.
Lê Hoàng