Lùi thời gian thi THPT Quốc gia 2020: Vừa mừng, vừa lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do tác động của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định lùi thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 đến ngày 30-6. Thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo đó cũng chậm hơn gần 1 tháng so với năm ngoái, dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 26-7. Điều này một phần giúp các đơn vị trường học và học sinh khối 12 có đủ thời gian dạy-học hết chương trình cũng như ôn tập kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, việc lùi thời gian thi cũng ít nhiều làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh của các trường, đồng thời khiến nhiều học sinh lo lắng.



Có thêm thời gian ôn tập

Những ngày này, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang kết hợp song song giữa giảng dạy bài mới và hệ thống lại kiến thức cũ cho học sinh, nhất là khối lớp 12 nhằm giúp các em củng cố lượng kiến thức bị gián đoạn sau 1 tháng phải tạm nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Nhiều trường đã chọn cách tăng tiết học/tuần đối với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để có thời gian ôn tập cho học sinh cuối cấp; riêng các môn còn lại sẽ bắt đầu tổ chức ôn thi tập trung sau khi kết thúc chương trình học kỳ II.

 Quyết định lùi thời gian thi THPT Quốc gia 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp học sinh khối 12 có thêm thời gian để ôn tập. Ảnh: H.T
Quyết định lùi thời gian thi THPT Quốc gia 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp học sinh khối 12 có thêm thời gian để ôn tập. Ảnh: H.T



Theo khảo sát của P.V, đa phần giáo viên lẫn học sinh lớp 12 tỏ ra khá phấn khởi trước quyết định lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đến cuối tháng 7-2020 của Bộ GD-ĐT. Trước đó, các em luôn trong tâm trạng phấp phỏng, lo sợ phải tập trung ôn tập với cường độ cao mới có thể kịp tiến độ chương trình học. Nhưng hiện tại, học sinh cuối cấp phần nào an tâm vì có thêm thời gian 1 tháng để ôn luyện, kiến thức lĩnh hội cũng sẽ đảm bảo và nhuần nhuyễn hơn. Riêng với nhà trường, đây cũng là khoảng thời gian đủ để hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định.

Cô Nguyễn Thị Huệ-Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) cho hay: “Năm học này, nhà trường có 6 lớp khối 12 với gần 300 học sinh. Ngay từ tuần thứ ba của năm học, nhà trường đã tổ chức ôn tập song song với dạy chính khóa; đồng thời định hướng cho học sinh lựa chọn các môn tổ hợp để thi, sàng lọc danh sách học sinh yếu kém để phụ đạo. Trong thời gian tạm nghỉ học vì dịch Covid-19, các em tự ôn tập nhưng hiệu quả không cao, phụ huynh đa số là người dân tộc thiểu số nên gần như cũng chẳng có giải pháp nào giúp con em mình ôn luyện. Hiện nay, dù học sinh đã đi học lại song trường vẫn đang phải dừng hoạt động dạy thêm-học thêm theo chỉ đạo của ngành để phòng-chống dịch bệnh. Do vậy, khi biết thông tin thời gian thi THPT Quốc gia được lùi lại, thầy và trò nhà trường vô cùng phấn khởi. Chúng tôi sẽ có điều kiện để bổ sung những kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập tốt hơn cho kỳ thi quan trọng sắp tới”.

Em Trần Thị Diễm Phúc (lớp 12C6, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ: “Không riêng bản thân em mà cả nhà khi biết thông tin lùi thời gian thi THPT Quốc gia đều thở phào nhẹ nhõm. Trước mắt, em sẽ tập trung hoàn thành thật tốt chương trình học kỳ II, kết hợp với xây dựng kế hoạch ôn tập và luyện đề thi dần dưới sự hướng dẫn của thầy-cô giáo. Mục tiêu của em là đạt kết quả cao trong kỳ thi cuối cấp và trở thành sinh viên ngành Y”.

Về phía những giáo viên trực tiếp giảng dạy và ôn thi khối 12, cô Đường Tiểu Linh-giáo viên Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) cho rằng, lùi thời gian 1 tháng để bù vào 1 tháng tạm nghỉ vừa qua là hoàn toàn hợp lý. Giáo viên và học sinh nhờ đó đủ thời gian để dạy-học hết chương trình lớp 12 cũng như ôn tập kỹ lưỡng hơn. Ngay khi Bộ GD-ĐT đưa ra quyết định lùi thời gian kỳ thi, chúng tôi đã bắt tay xây dựng hệ thống các bài học, lộ trình ôn tập cho học sinh. Trong thời gian này, tôi nghĩ cả giáo viên và học sinh cần linh động trong dạy và học sao cho vừa không áp lực, vừa đảm bảo kết quả cao.

Thầy Phạm Ngọc Sang-giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cũng nhận định: “Phần lớn học viên hệ giáo dục thường xuyên đều hướng đến mục tiêu chính là đậu tốt nghiệp THPT. Do vậy, việc có thêm 1 tháng để ôn luyện trước kỳ thi là điều đáng vui mừng. Các em chủ yếu đăng ký thi tổ hợp Khoa học Xã hội nên Địa lý cũng là môn học quan trọng. Vì thế, bên cạnh công tác phụ đạo, tôi còn tăng cường cho các em giải đề thi thử, nhất là những bài tập liên quan đến kỹ năng địa lý thực tiễn thông qua Atlat và phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả đều tập trung vào nội dung cơ bản trong sách giáo khoa, không dạy kiến thức quá nâng cao dẫn đến học viên khó tiếp thu bài học”.

Nhiều băn khoăn, trăn trở

Hiện nay, không ít học sinh tỏ ra băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2020 cũng như việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều em cho rằng, tuy Bộ GD-ĐT đã cân nhắc lùi thời gian kết thúc năm học và kỳ thi THPT Quốc gia nhưng trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh vẫn không thể tham gia học thêm, học nhóm tại trường hoặc các trung tâm để bổ sung, củng cố và nâng cao kiến thức. “Mọi hoạt động dạy thêm-học thêm, tụ tập đông người đều bị hoãn tổ chức nên ngoài thời gian học trên lớp, chúng em chủ yếu tự ôn tập tại nhà. Em cũng lo là lùi thời gian thế này thì đề thi có thể sẽ khó hơn các năm”-em Lê Thị Thanh Vân (lớp 12C5B, Trường THPT chuyên Hùng Vương) tâm sự.

2Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 dự kiến lùi vào cuối tháng 7- Ảnh Đức Thụy
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 dự kiến lùi vào cuối tháng 7. Ảnh: Đức Thụy


Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa-Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam: Theo tôi, việc lùi khung thời gian năm học và thi THPT Quốc gia chỉ là vấn đề thời gian, còn các nội dung như khối lượng kiến thức, chương trình giáo dục, các quy định, quy chế về kỳ thi và việc xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng đến thời điểm này vẫn không có sự thay đổi gì lớn. Do vậy, ở góc độ tích cực, việc lùi thời gian sẽ giúp các em học sinh lớp 12 có nhiều thời gian để chuẩn bị kỹ hơn cho kỳ thi.
 

Còn em Nguyễn Đình Thịnh (lớp 12C7, Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) thì bày tỏ: “Theo em được biết, mặc dù đề thi THPT Quốc gia năm nay vẫn được giữ ổn định như năm 2019 nhưng Bộ GD-ĐT lại không công bố đề minh họa. Đây là một bất lợi, tụi em chỉ biết bám vào đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm ngoái để ôn tập những dạng tương tự”. Ngoài ra, cũng theo Thịnh, thông thường thời điểm này mọi năm, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đã có thông báo tuyển sinh. Từ đó, học sinh lớp 12 có thể nắm bắt được thông tin về ngành nghề và chỉ tiêu của ngôi trường mình dự định xét tuyển. Đây là cơ sở để các em cân nhắc khi làm hồ sơ dự tuyển. “Em dự định thi vào ngành Kỹ thuật ô tô của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nhưng đến giờ này, em vẫn chưa nắm được năm nay trường có tuyển sinh chuyên ngành như nguyện vọng của em hay không và nếu có thì chỉ tiêu là bao nhiêu. Em cảm thấy khá hoang mang, đành phải tiếp tục đợi thôi”-Thịnh nói.

Không riêng học sinh, việc lùi thời gian thi THPT Quốc gia cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh chính quy của các trường đại học, cao đẳng. Cô Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-cho biết: Thông thường vào tháng 3 hàng năm, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn gửi các trường để làm căn cứ thông báo tuyển sinh, tương ứng với các mốc thời gian quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ vẫn chưa có văn bản nên nhà trường đang phải đợi. Tất nhiên, trường cũng sẽ phải điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tuyển sinh phù hợp với kế hoạch năm học theo khung mới Bộ GD-ĐT công bố. Học sinh và phụ huynh không nên lo lắng nhiều vì dù chậm nhưng chắc chắn sẽ không có sự xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh. Bởi lẽ, tất cả các trường đều phải sử dụng kết quả xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT Quốc gia theo lịch chung của Bộ GD-ĐT.

“Nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em, nhất là học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong quá trình xét tuyển. Trước mắt, nhà trường sẽ sử dụng 2 tuần dự trữ trong năm vào hoạt động chính thức và thực hiện công tác tuyển sinh. Căn cứ năng lực hiện có, trường cũng đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 với 130 sinh viên, trong đó, 100 chỉ tiêu cao đẳng giáo dục mầm non và 30 chỉ tiêu trung cấp sư phạm mầm non. Hiện chúng tôi đang đợi ý kiến của Bộ để có thể thông báo tuyển sinh rộng rãi trong toàn tỉnh”-cô Nguyễn Thị Thu Hà thông tin thêm.

 

 HỒNG THI






 

Có thể bạn quan tâm