Phóng sự - Ký sự

Luôn thấy mình có trách nhiệm với đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày này, GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu đang tất bật chuẩn bị cho hội nghị “Nữ khoa học và công nghệ toàn quốc lần thứ 2”, hội nghị thường niên “Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” dự kiến tổ chức vào cuối tháng 10-2020.

Nghe bà kể về đam mê nghiên cứu khoa học và những công việc đang làm bằng giọng nói đầy nhiệt huyết, thật khó tin người phụ nữ nhỏ bé, có gương mặt toát lên thần thái của nữ trí thức thời xưa đã 82 tuổi. Rất nhiều người hỏi bà cùng một câu: Vì sao ở tuổi này bà vẫn miệt mài với công việc? Câu trả lời của bà thật giản dị: “Một người tử tế và tự trọng sẽ luôn thấy mình có trách nhiệm với cuộc đời”.
 

GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu (bìa phải) trao phần thưởng cho nữ trí thức tiêu biểu năm 2019
GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu (bìa phải) trao phần thưởng cho nữ trí thức tiêu biểu năm 2019


Không muốn “những ngôi sao tắt sớm”

GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu vốn xuất thân dòng dõi nhà nho yêu nước, nhưng bà vẫn có tuổi thơ nghèo khó ở vùng quê Hoài Nhơn - Bình Định. Thời của bà, con gái thường ít được học, vậy mà bà đã thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học, rồi trở thành giảng viên Khoa Sinh của Trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội. Hơn 45 năm giảng dạy và nghiên cứu, bà nhận ra một điều, nhiều sinh viên nữ học rất giỏi, nhưng học xong lại không thấy xuất hiện trên diễn đàn khoa học nào. Bà gọi đó là “những ngôi sao tắt sớm” và tự đặt câu hỏi: Tại sao lại như thế? Phải chăng, việc lập gia đình là bước ngoặt lớn đối với phụ nữ, khiến họ mất đi động lực, ý chí, niềm đam mê với khoa học và sự nghiệp của mình?

Bà tự nhận mình đã may mắn khi chọn được người bạn đời phù hợp, PGS Nguyễn Hữu Xý - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTH, rồi Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Ông đã đồng hành, để bà được sống trọn với đam mê của mình, không đòi hỏi những bữa cơm tươm tất, không giận hờn khi bà nửa đêm còn mải mê trong phòng thí nghiệm. Hồi mới cưới nhau, đồng lương thấp, cặp vợ chồng trẻ bèn đóng tiền để ăn cơm tập thể, để đúng 7 giờ tối cả đôi lại ngồi vào bàn làm việc. Nhưng bà hiểu, không phải ai cũng có may mắn như vậy, nhiều người phụ nữ đã không thể vượt qua những rào cản về giới còn rơi rớt những quan niệm phong kiến.

Tin tưởng vào sự tiến bộ của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học, bà đã tìm cách để khích lệ họ. Năm 1991, bà lập ra Câu lạc bộ Phụ nữ trong khoa học của Khoa Sinh - ĐHTH Hà Nội. Có thể coi đây là câu lạc bộ nhà khoa học nữ đầu tiên tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các cán bộ và sinh viên nữ trao đổi về chuyên môn cũng như giúp nhau giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống.

Sau đó, ở cương vị nào, bà cũng luôn tìm cách tạo cơ hội cho các nhà khoa học nữ. Đó cũng chính là lý do khi Hội Nữ trí thức Việt Nam được thành lập tháng 3-2011, dù đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn vui vẻ lãnh trách nhiệm chủ tịch hội. Gần 2 nhiệm kỳ bà làm chủ tịch, Hội Nữ trí thức Việt Nam từ 350 hội viên ban đầu đến nay đã có hơn 3.000 hội viên, trở thành ngôi nhà chung với nhiều hoạt động hỗ trợ các nhà khoa học nữ nghiên cứu, ứng dụng, tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội. Gần đây nhất, khi dịch Covid-19 bùng phát, các thành viên của hội đã nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm hỗ trợ miễn dịch như khẩu trang nano bạc, nước sát khuẩn, đồng hành trong nghiên cứu sản xuất các kit phát hiện thử nhanh phục vụ công tác phòng chống dịch...

Trong cuộc đời làm nhà giáo, GS Phạm Thị Trân Châu đã ươm mầm, khơi dậy tình yêu khoa học cho nhiều thế hệ học trò, trong đó, có những nhà khoa học nữ như PGS-TS Bùi Phương Thuận và TS Nguyễn Huỳnh Minh Quyên (ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS-TS Đỗ Thị Bích Thủy (ĐH Nông Lâm Huế), TS Lâm Ngọc Châm (Viện Biển Nha Trang), TS Nguyễn Thị Vĩnh (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam)... Họ đều ngưỡng mộ bà bởi sự đam mê, sự ham học hỏi, kiên trì và trung thực trên con đường nghiên cứu khoa học.

Trả ơn cuộc đời

GS Phạm Thị Trân Châu luôn ghi nhớ mình được như ngày hôm nay là nhờ được nhân dân giúp đỡ, Nhà nước cho đi học. Bà cũng được học nhiều thầy giáo, nhà khoa học chân chính, từ những người thầy ở trong nước và nước ngoài, đến sự giúp đỡ của những nhà khoa học đàn anh như GS Từ Giấy, GS Lê Thế Trung. Họ không chỉ truyền thụ kiến thức, phương pháp, niềm say mê khoa học mà cả cách đối nhân xử thế và đạo đức nghề nghiệp. Bà nghĩ, mình phải trả ơn đời bằng cách học hành chăm chỉ, hướng những nghiên cứu của mình vào ứng dụng, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Nhiều người thế hệ 6X, 7X hẳn còn nhớ sản phẩm bột dinh dưỡng cao cấp từng quý giá như thế nào đối với các bà mẹ trẻ những năm 80 của thế kỷ XX. Nhưng ít ai biết, sản phẩm đó chính là nhờ đã sử dụng chế phẩm bromelain mà GS Phạm Thị Trân Châu nghiên cứu tách từ những chồi dứa bỏ đi, để thủy phân các protein khó tiêu hóa của thịt bò thành dạng dễ hấp thu cho trẻ em.

Một dạng chế phẩm bromelain khác là prozimabo cũng được sử dụng điều trị bỏng. Trong một lần đến Bệnh viện 103 xin ứng dụng chế phẩm prozimabo, bà đã chứng kiến các bệnh nhân bỏng khổ sở thế nào khi vết thương khó lành, mỗi lần thay băng gạc lại thét lên vì đau đớn. Thế là dược phẩm có chế phẩm của bà làm sạch mủ, dễ dàng khi thay băng gạc được ứng dụng trong chữa trị bỏng ra đời. Rồi các chế phẩm của bà được ứng dụng trong sản xuất nước mắm ngắn ngày, thủy phân cá tạp thành bột cá làm thức ăn chăn nuôi...

Nhìn GS Phạm Thị Trân Châu không ai nghĩ người phụ nữ nhỏ bé ấy vừa nghiên cứu khoa học lại vừa gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ xã hội khác, như: 10 năm làm đại biểu Quốc hội, hơn 20 năm làm công tác mặt trận, 2 nhiệm kỳ Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam và một số các nhiệm vụ khác. Thật ra, bà chỉ có đam mê khoa học và muốn tập trung nghiên cứu, nhưng bà hiểu, nếu chỉ như vậy là chưa đủ. Với tâm niệm phải trả ơn cuộc đời, cho đến tận bây giờ, khi đáng lẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn, bà vẫn cần mẫn làm việc, vẫn chủ trì các hội thảo, vẫn gọi điện, nhắn tin, trả lời email liên tục với các cộng sự trong và ngoài nước.

Một trong những công việc mà bà và Hội Nữ trí thức Việt Nam đang tâm huyết là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, cụ thể là triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ phụ nữ xã Chiềng Khừa (Sơn La). Đây là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, có đường biên giáp Lào, giao thông thường ách tắc mùa mưa lũ. Xã có tới 60% số hộ có người nghiện hút, buôn bán ma túy, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm yếu thế, ít được tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ phát triển. Nhờ được tập huấn, chuyển giao công nghệ, những người phụ nữ ở đây đã mở rộng diện tích trồng chè, ngô, cây sa-sha-in-chi có năng suất và giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Hội Nữ trí thức Việt Nam còn quyên góp làm mái nhà cho 3 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại bản Khừa và bản Căng Tỵ. Riêng GS Phạm Thị Trân Châu dùng tiền của mình để tặng 20 phần thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó của Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Chiềng Khừa...

Điều làm nhiều người ngạc nhiên nữa là, GS Phạm Thị Trân Châu vẫn còn nhiều tâm tư về thế sự. Bà nói: Sự thành công của cách mạng là nhờ sự đóng góp của đội ngũ cán bộ vì dân vì nước, còn chính những cán bộ suy thoái đã tạo ra nhiều khó khăn cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Sắp tới, Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ tổ chức góp ý cho văn kiện đại hội Đảng chủ yếu về giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trong đó, bà muốn nói đến tiêu chí chọn cán bộ, đã làm lãnh đạo ở lĩnh vực nào cũng phải vì lợi ích chung.

Bà cũng bày tỏ băn khoăn về giáo dục lớp trẻ. Theo bà, giáo dục ở trường phổ thông là nền tảng quan trọng. Ngẫm lại bản thân và đồng nghiệp cùng thời, được giáo dục từ trong nhà trường phổ thông thời kháng chiến chống Pháp đề cao đạo đức, họ không bao giờ tơ hào của công, xem điều đó là rất xấu hổ. Có thể nói, sự tử tế, lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm đã ngấm vào máu thịt của bà.

 

GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu có 126 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; chủ biên, đồng tác giả 11 cuốn sách; chủ nhiệm 11 đề tài khoa học cấp Nhà nước và 9 đề tài cấp bộ và trường. Các danh hiệu: Giải thưởng Kovalepxkaia năm 1988; Nhà giáo ưu tú 1990; Huân chương Lao động hạng nhì (2002), Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (2006); Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...

Theo BÍCH QUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm