Phóng sự - Ký sự

Lương y - chuyện ít ai biết: Nước mắt điều dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại bệnh viện, cơ sở y tế bất cứ đâu trên thế giới, điều dưỡng luôn giữ vị trí quan trọng. Bệnh nhân quá đông, thời gian lại hạn hẹp khiến áp lực càng đè nặng...

 

Điều dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp cận bệnh nhân ngay lúc xe cứu thương vừa đưa đến - Ảnh: Quang Viên
Điều dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp cận bệnh nhân ngay lúc xe cứu thương vừa đưa đến - Ảnh: Quang Viên



Điều dưỡng (ĐD) là người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc sức khỏe, lắng nghe những vấn đề, nhu cầu của bệnh nhân để lên kế hoạch chăm sóc hiệu quả nhất, giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục. Những ngày vi rút Corona chủng mới quái ác đang hoành hành khắp nơi, tôi đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM). Dù ở đây chưa tiếp nhận một ca nhiễm vi rút Corona nào, nhưng toàn BV, trong đó có khoa cấp cứu đang sẵn sàng ứng phó với dịch.

“Nuốt nước mắt mà làm việc”

Tôi ngồi trong phòng cấp cứu khá lâu. 10 giờ sáng, bệnh nhân khắp nơi đổ về không ngớt với đủ trạng thái: kêu khóc, rên rỉ, nằm bất động, hôn mê... Các ĐD tất bật như con thoi, không một phút giây ngơi nghỉ. Hơn 11 giờ trưa, bệnh từ các tỉnh chuyển về càng đông. Không tìm được giường cho người thân đang bệnh, một thân nhân gắt với ĐD: “Nè cô kia, tìm cho cái giường đi chứ. Mấy cô đui hả?”. Cô ĐD nọ vẫn nhẹ nhàng trả lời: “Chú đợi một chút. Bệnh nhân đông quá”... Quả thật, ĐD trong nhiều BV công cần có thần kinh thép và phải tận hiến sức lực mới có thể cáng đáng công việc đầy áp lực như vậy.


 


"18 năm làm điều dưỡng, nhiều lần con đổ bệnh, mình cũng phải vào viện. Chồng giận bảo bỏ nghề. Nhưng khi đã chọn nghề này thì không ai thối thác trách nhiệm".
 

Điều dưỡng Hoa, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)
 







Cởi khẩu trang chuyên dụng chống dịch, chị Lương Thị Ngọc Quyên, ĐD trưởng của khoa cấp cứu vội đi vào phòng riêng bên trong để tiếp tôi. Tôi chùng lòng ngay sau câu đầu tiên mình hỏi: “Làm ĐD có áp lực không?”, chị Quyên đã khóc. “Chưa thấy nghề nào khổ như nghề này. 16 năm làm ĐD, từ khi còn nhân viên cho đến làm quản lý lúc nào áp lực công việc cũng dồn dập. Ngày thường, bệnh đã quá đông. Vào các mùa cao điểm, anh chị em ĐD ở khoa cấp cứu thở không kịp”, nữ ĐD sinh năm 1983 thổ lộ.

Áp lực công việc, gồng sức lên có thể vượt qua. Điều mà ĐD “ngậm đắng nuốt cay” là thái độ hành xử quá đáng của bệnh nhân và thân nhân của họ. “Không hiếm bệnh nhân hoặc người nhà đã mắng ĐD xối xả. Có những đồng nghiệp của tôi từng bị tát, bị đánh, bị chém trọng thương. Họ phải nuốt nước mắt vào trong mà làm việc”, một ĐD tiết lộ.


 

 Điều dưỡng Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc chăm sóc một em bé vừa mới sinh
Điều dưỡng Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc chăm sóc một em bé vừa mới sinh



ĐD Nguyễn Ngọc Lựu, 25 năm trong nghề, nước mắt ngắn dài khi tâm sự: “Hồi còn trẻ tôi thích chiếc áo blouse trắng nên học ĐD, không ngờ cái nghề nó cực quá. 25 năm rồi tôi chưa có cái tết nào được vui trọn vẹn”. Có lần chị suýt bị một người say xỉn chọi dép vô mặt vì người này thấy con mình ói do ngộ độc ở nhà. “Đôi khi bệnh nhân và người nhà đối xử bạc bẽo như vậy, nhưng đã chọn nghề này thì phải chấp nhận”, chị nói.

Đến BV Nhi đồng 1 gặp trưởng ĐD khoa cấp cứu Trần Nguyễn Thanh Thúy. Trò chuyện với chị cũng nghe “đoạn trường tân thanh”. “Phải yêu nghề, và có lẽ cái nghiệp vận vào thân rồi nên trong khoa này từ khi tôi làm ĐD trưởng không ai bỏ nghề, dù các BV tư họ mời gọi lương gấp nhiều lần”.

Nói chuyện một hồi, chị cũng khóc. Tại đây, chị Thúy giới thiệu một cô ĐD đang mang bầu 6 tháng, thai hành lên hành xuống vẫn thể hiện tác phong “chuyên nghiệp, nhanh gọn, chính xác”. Và cô cũng y chang tâm trạng “vừa khóc, vừa kể”. Đặc biệt, tôi gặp ĐD tên Hoa, người từng bị người nhà của bệnh nhân đánh gãy quai hàm, báo chí đã đưa tin rùm beng. Đến lúc này, quai hàm cô vẫn còn đau nên nói chuyện rất khó khăn. “Cái nghề này tủi, khổ lắm anh ơi nhưng vì bệnh nhân phải bỏ qua tất cả. May là cấp trên và đồng nghiệp thấu hiểu”. Nói có vậy, nhưng nước mắt cô cứ tuôn không ngớt.

Nhịn... tiểu để đỡ tốn thời gian

Tôi có cô em họ tên M.T (xã Khuê Ngọc Điền, H.Krông Bông, Đắk Lắk) vừa nghỉ làm ĐD để làm bảo hiểm vì “áp lực công việc khủng khiếp quá”. Theo M.T, một ĐD hiện nay ở các BV công phải làm việc với hơn 200% sức lực mà lương quá thấp. Áp lực nhất vào những mùa dịch bệnh. “Có ai nghe nói ĐD nhịn uống nước để không đi vệ sinh nhằm đỡ tốn thời gian chưa? Chuyện đó có thật trong mùa cao điểm dịch bệnh”, cô thổ lộ.

ĐD có hàng núi việc phải làm, nhiều chuyện “ám ảnh”. Trong đó, việc tiêm thuốc cho những bệnh nhân thập tử nhất sinh rồi không cứu được làm M.T nhớ mãi: “Chỉ một ca bệnh nhân đột ngột tử vong do sốc phản vệ, dị ứng thuốc mà chính mình là người tiêm đã khiến tôi đối diện với nỗi đau khó tả nhiều năm trời dù lỗi đó không thuộc về mình”.


 

Trưởng điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 Trần Nguyễn Thanh Thúy và đồng sự chăm sóc bệnh nhi
Trưởng điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 Trần Nguyễn Thanh Thúy và đồng sự chăm sóc bệnh nhi



Rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của ĐD không phải ai cũng biết. Lễ, tết, đêm giao thừa phải vào BV làm việc là chuyện thường. Cô Nguyễn Thị Bình, ĐD làm việc ở một BV tại miền Trung, bộc bạch: “Tôi thấy mình giống ma đêm. Mọi người đều ngủ theo đồng hồ sinh học, chúng tôi thì lọ mọ cả ngày lẫn đêm. Đuối sức, bỏ ăn là chuyện nhỏ”. Nỗi lòng nhất là khi người thân hoặc con cái ốm nặng cũng “nuốt lệ mà đi” chăm sóc cho người dưng. ĐD Hoa (BV Nhi đồng 1) thổ lộ: “18 năm làm ĐD, nhiều lần con đổ bệnh, mình cũng phải vào viện. Chồng giận bảo bỏ nghề. Nhưng khi đã chọn nghề này thì không ai thối thác trách nhiệm”.

Tại BV Nhi đồng 1 có câu chuyện cảm động. Một bé sơ sinh bệnh nặng, gia đình đưa vào khoa cấp cứu rồi bỏ đi biệt tích. Các bác sĩ và ĐD khoa này đã vất vả đưa bé từ cõi chết trở về, dần dần khỏe mạnh. Mỗi ngày các ĐD phải góp tiền mua sữa, phân công nhau chăm sóc bé.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm, ĐD một BV quốc tế, kể có bé mới sinh là con cháu của gia đình quyền thế. Cô ở bên cạnh bé chăm sóc ba tháng trời, nhưng bệnh nặng quá bé không qua khỏi. Giây phút cuối cùng cô đã rơi nước mắt khi tắm rửa bé để giao cho gia đình sản phụ. Trong khi đó, người thân của bé lạnh lùng làm một điều khiến cô ám ảnh mãi: vẽ vòng bát quái lên chân bé với ý định ngăn linh hồn bé quay về với gia đình.

Theo Quang Viên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm