Phóng sự - Ký sự

Lưu giữ văn hóa Mông qua Facebook

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Họ ước mong giữ gìn và lan truyền những nét văn hóa đáng yêu nhất theo cách gần gũi nhất, nhờ vậy tình yêu với văn hóa bản địa sẽ được nuôi nấng và giữ gìn. Họ là nhóm AHD mà phần lớn trong đó là sinh viên.

Khang A Tủa vẫn còn nhớ cảm giác lạc lõng những ngày đầu học ĐH ở Hà Nội. Ở Mù Cang Chải quê Tủa, đậu đến ĐH là một chuyện hiếm hoi. Vậy mà niềm vui trở thành tân sinh viên ĐH Bách khoa không đủ sức giúp cậu vượt qua cảm giác bị kỳ thị của một người nói tiếng Việt theo âm sắc tiếng Mông.

A Tủa trải qua những năm đầu ĐH khó khăn, không chỉ do thiếu tiền mà thiếu cả sự tôn trọng.

 

Sự kiện nổi bật của AHD:
Sự kiện nổi bật của AHD: "Tết Mông xuống phố" mô phỏng trải nghiệm Tết truyền thống của người Mông ở giữa lòng Hà Nội với váy thổ cẩm, sáo, khèn, điệu hát và cả món ăn truyền thống.

Tết Mông xuống phố

Sự lạc lõng khiến A Tủa bắt đầu nhìn lại bản làng và cộng đồng mình bằng một con mắt khác. Bạn nhận ra văn hóa truyền thống của người Mông đang đứng trước sự đe dọa lớn. Trẻ em không nói tiếng Mông nữa, các sản phẩm văn hóa dân gian biến mất theo những già làng vì chẳng có ghi chép nào còn lại.

"Đám cưới người Mông ở Sa Pa bây giờ cô dâu chú rể cũng cắt bánh kem, rồi rót sâm banh đỏ bốc khói. MC nói bằng tiếng Kinh mà đồng bào chẳng ai hiểu gì" - A Tủa nói.

"Người Mông nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung đang bị đánh giá là nghèo nàn, lạc hậu, thất học. Định kiến lớn đến mức chính họ cũng bắt đầu tin thật là như thế" - Tủa kể về lý do khiến cậu cùng với bạn bè lập ra AHD và bắt đầu tìm tài trợ để tổ chức các buổi nói chuyện về văn hóa người Mông.

Vì sao đọc là Mông chứ không phải H'Mông? Vì sao tục kéo vợ của người Mông không lạc hậu? Hay vì sao người Mông lại muốn giữ dịp Tết truyền thống của họ vào tháng 11 âm lịch, chứ không ăn Tết Nguyên đán như người Kinh?...

"Tết Mông xuống phố" là một sự kiện nổi bật của AHD về chủ đề này. Họ mô phỏng trải nghiệm Tết truyền thống của người Mông ở giữa lòng Hà Nội với váy thổ cẩm, với sáo, khèn, những điệu hát và cả những món ăn truyền thống của người vùng cao.

Từ những sự kiện hướng đến đại chúng như "Tết Mông xuống phố", trang Facebook của AHD bắt đầu có thêm like (lượt thích) mới, tổ chức event (sự kiện) được nhiều người bấm going (đi vào) hơn. Không ít người trong số đó là người Kinh.

Kết nối truyền thống bằng cổ tích

Nhóm AHD phần lớn là sinh viên. Quan sát của những người trẻ giúp họ nhận ra những vấn đề mà các chương trình phát triển quốc gia không chạm tới.

"Tụi mình ghi nhận những người già, người có uy tín trong cộng đồng người Mông đều nói người Mông không có chữ viết truyền thống, nên việc lưu truyền văn hóa chỉ còn được thể hiện qua tiếng khèn và những câu chuyện cổ tích", theo A Tủa.

Theo nhóm AHD nhận định, các câu chuyện cổ tích trong cộng đồng đang dần bị lãng quên. Những ông bố trẻ (20-30 tuổi) gần như bất lực trong việc tìm nguồn những câu chuyện cổ tích của dân tộc mình vì không có dữ liệu nào ghi lại cả.

Hình ảnh những đứa trẻ đêm đêm nghe bố kể chuyện cổ tích rồi ngủ quên đi đang ngày một xa lạ.

Những người bạn trong nhóm AHD đã và đang ghi lại những câu chuyện cổ tích của người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang).

Họ chia nhau mỗi người phụ trách một vùng, tìm đến những người già nhất trong buôn làng và ngồi nghe các câu chuyện cổ tích. Họ ghi âm lại lời kể, sau đó đánh máy lại thành văn bản tiếng Việt và tiếng Mông, phối hợp với họa sĩ để vẽ minh họa cho câu chuyện và post (đưa) lên trang Facebook.

Vui nhất đối với các bạn nhóm AHD là nhìn thấy nhiều bạn bắt đầu thể hiện vốn tiếng Mông bao lâu nay hầu như không dùng tới. Có những đoạn tiếng Mông khó, nhóm post lên Facebook để cầu cứu, chỉ một lúc sau đã có bạn dịch giúp.

Nhờ vậy, đến nay đã có hơn 20 câu chuyện được hồi sinh trong một hình hài mới, ví dụ như: Chuyện nàng mồ côi và mẹ bò (Nkauj Nog); Sự ra đời của cây khèn (Qeej Hmoob) hay Vua mồ côi (Huav Tais Ntsuag)...

"Mình bây giờ viết chữ Mông vẫn còn sai chính tả" - A Tủa cười. Nhưng hề gì. Quá trình làm dự án truyện cổ tích cũng là hành trình bạn tự rèn luyện và thể hiện tình yêu với ngôn ngữ của mình.

Mục tiêu của A Tủa và nhóm AHD là chuyển thể cổ tích thành phim và xuất bản đĩa bằng tiếng bản địa cho cộng đồng, vì 90% các gia đình người Mông giờ có tivi và đầu chạy đĩa. Và các bạn nhỏ người Mông rất thích xem các phim ảnh được sản xuất bằng tiếng Mông.

Họ ước mong giữ gìn và lan truyền những nét văn hóa đáng yêu nhất theo cách gần gũi nhất, nhờ vậy tình yêu với văn hóa bản địa sẽ được nuôi nấng và giữ gìn.

Xuân Hường/tuoitre

Có thể bạn quan tâm