Phóng sự - Ký sự

Luyện "Alibaba" là ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Luyện nói ra lý lịch chẳng hay ho của mình không phải để “vạch áo cho người xem lưng” mà thực chất thông qua những câu chuyện đó Luyện muốn đề cao mình là người tài thì thường hay có tật. Luyện thường nói những ông chủ đuổi việc Luyện chẳng qua là những người kém cỏi, không biết sử dụng nhân tài như Luyện(!).
Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cp Địa ốc Alibaba là hai cái tên “hot” nhất trên báo đài và mạng xã hội trong thời gian gần đây, sau khi hai người này bị bắt về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Hot” bởi Luyện khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vay mượn được ít tiền rồi thành lập Công ty CP Địa ốc Alibaba vào năm 2016 với vốn điều lệ 100 triệu đồng. Để rồi 3 năm sau, vốn điều lệ đã nâng lên 5.600 tỷ đồng. “Hot” bởi Nguyễn Thái Luyện xem thường pháp luật, thách thức dư luận, chửi bới, nhục mạ cán bộ nhà nước... trong suốt một thời gian dài cho đến khi bị xử lí.
Nhiều năm qua, mặc cho nhiều cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nhiều cơ quan báo đài đăng tải hàng loạt bài điều tra vạch trần hành vi bán dự án “ma” lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng Luyện vẫn bình thân, dửng dưng như chẳng có chuyện gì. Càng lấy làm lạ hơn là các nạn nhân (được xác định là 6.700 người) cũng nguyện đi theo Luyện dù biết trước mình có khả năng bị lừa... Vì sao vậy?
 
Nhân viên Công ty Alibaba thường chụp hình khoe tiền đưa lên mạng.
“Tẩy não” nhân viên
Trong nhiều buổi nói chuyện trước toàn thể nhân viên (được Luyện cho quay video và đăng tải trên mạng), Luyện luôn “tự hào” mình là bậc đại tài nhưng có lý lịch chẳng giống ai. Từ năm 2006-2010 Luyện học Khoa Kinh tế ở trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, Luyện làm nhân viên sale cho một công ty bất động sản ở quận 2 nhưng không bao lâu sau thì bị đuổi việc do vô kỷ luật.
Để kiếm sống, Luyện đi làm nhân viên quán cà phê ở khu vực hồ Con Rùa (quận 3) nhưng lại bị đuổi việc. Luyện chuyển sang làm nhân viên cho một trung tâm thương mại ở quận 1 rồi cũng không ai chịu nổi Luyện vì tính ngỗ nghịch, vậy là Luyện lại bị đuổi việc.
Năm 2013, Luyện chuyển sang làm nhân viên sale cho Công ty TĐTV. Tại đây Luyện tỏ vẻ hơn người, xem thường cấp trên dẫn đến bị cho mất việc thêm một lần nữa. Điểm đến tiếp theo của Luyện là Công ty Địa ốc K.O nhưng nơi đây cũng chỉ chứa chấp Luyện một thời gian ngắn thì đuổi việc. Chán đời, Luyện quay lại bán cà phê...
Luyện nói ra lý lịch chẳng hay ho của mình không phải để “vạch áo cho người xem lưng” mà thực chất thông qua những câu chuyện đó Luyện muốn đề cao mình là người tài thì thường hay có tật. Luyện thường nói những ông chủ đuổi việc Luyện chẳng qua là những người kém cỏi, không biết sử dụng nhân tài như Luyện(!).
“Hồi nhỏ ở quê tôi cũng bị bạn bè đồng trang lứa ghét cay ghét đắng vì tôi giỏi hơn họ. Cha mẹ họ thường mang tôi ra làm tấm gương để dạy dỗ con nên họ ghét tôi là vậy” - Luyện từng nói một cách đầy tự hào.
Trở lại chuyện thành lập công ty và tên gọi Alibaba, Luyện kể: “Một hôm có mấy bạn sale cùng bị đuổi việc đến quán cà phê thăm tôi. Họ bảo mai mốt có việc gì làm mày nhớ kêu tụi tao về làm cùng nghe Luyện. Một đứa nói hay là mình thành lập công ty. Tôi cười bảo tiền đâu ra mà thành lập. Một đứa chỉ sang ngân hàng bên cạnh quán cà phê nói “hay là mình đi cướp đi, làm Alibaba và 40 tên cướp, lấy tiền ngân hàng ra thành lập công ty”. Từ đó tôi có ý tưởng thành lập công ty để mọi người có việc làm và đặt luôn tên công ty là Alibaba”.
 
Nguyễn Thái Lĩnh luôn xem anh trai (Nguyễn Thái Luyện) là thần tượng của mình
Do việc thành lập công ty khá đơn giản, chẳng tốn kém gì, vốn điều lệ thì như ghi cho có nên Luyện không khó để thành lập Công ty Cp Địa ốc Alibaba vào tháng 5-2016. Ban đầu công ty chẳng bảng hiệu, chẳng nhân viên, Luyện cùng nhóm bạn làm môi giới kiếm sống và tích cóp được ít tiền. Ý đồ lúc này của Luyện là mua đất nông nghiệp phân lô bán nền theo kiểu đa cấp như hiện nay và “thành công” ngoài mong đợi. Thật ra cái chiêu lừa này của Luyện cũng đã “xưa như trái đất” và có khối người làm được nhưng không ai có đủ độ liều lĩnh, bất chấp mọi giá để làm như Luyện.
Năm đầu tiên kể từ khi thành lập công ty, có một thời gian nhân viên sale của Luyện là 40 người đúng như câu chuyện Alibaba và 40 tên cướp. Sau đó số lượng sale tăng dần cho đến trước ngày Luyện bị bắt là khoảng 2.600 nhân viên. Có một thực tế là hầu hết nhân viên sale, nhân viên văn phòng, lãnh đạo các công ty con đều xem Luyện là “thánh nhân” và khá trung thành với Luyện.
Nhiều lần tâm sự với một số nhân viên sale, họ nói tôn sùng Luyện vì Luyện có quá khứ “ba chìm bảy nổi” cũng như họ đã trải qua. Nên việc Luyện trở thành “đại gia” (họ chưa đủ dày dặn để phân biệt là Luyện làm đúng hay sai), người nổi tiếng được xem là một tấm gương để họ noi theo. Và không ít trong số họ còn ấp ủ, một ngày nào đó sẽ thành công như “người anh nuôi vĩ đại” của mình (trong nhiều lần nói chuyện trước nhân viên, Luyện tự nhận mình là “người anh nuôi vĩ đại” của tất cả các nhân viên và sẽ giúp họ giàu lên cùng bất động sản).
Đối với các nhân viên tuổi mười tám, đôi mươi, trẻ người non dạ, nghe dạy dỗ của một người thành công từ hai bàn tay trắng thì thần tượng hóa, xem Luyện như ánh sao sáng nhất bầu trời.
Không chỉ dạy dỗ trực tiếp mà Luyện còn viết thành sách. Nội dung trong những cuốn sách này, Luyện tha hồ “chém gió”, còn nhân viên xem như bảo vật lúc nào cũng mang kè kè theo người. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền cuốn sách được cho là của Luyện dạy các nhân viên “nghệ thuật” mượn tiền người thân để đầu tư vào bất động sản.
Không biết có bao nhiêu nhân viên đã áp dụng nhưng trên thực tế không ít nhân viên và người thân đã là nạn nhân của Luyện và họ đang tố cáo đến Cơ quan công an. Đây cũng chính là một trong những yếu tố lý giải vì sao nhân viên nguyện đi theo Luyện...
Một quyển sách khác mang tên “Cẩm nang quản lý sale” cũng đề tên tác giả là CEO Nguyễn Thái Luyện dày 384 trang. Tại trang 84 và 85, Luyện viết: “La và chửi là vũ lý lợi hại của nhà quản lý tài ba. Có thể không có tài liệu nào từng viết về điều này nhưng các bạn sale và anh chị quản lý có thể thấy la và chửi khiến chúng ta rất khó chịu, kể cả người la chửi hay người bị la chửi. Chính vì sự khó chịu này nên chúng ta không thích và không muốn lập lại cách làm sai trên... Là nhà lãnh đạo sale Alibaba tài ba, anh chị phải nhẫn tâm xát muối vào vết thương, vào những cách làm sai của các bạn sale...”.
 
Một dự án “ma” của Alibaba ở Long Thành, Đồng Nai.
Không biết có phải do “quán triệt tư tưởng” này hay không mà nhân viên Alibaba với những cái tên như Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, quê Tiền Giang), Trần Quốc Tĩnh (24 tuổi, quê Đà Nẵng), Phan Quỳnh Long (22 tuổi, quê Gia Lai), Trần Quang Khải (27 tuổi)... sẵn sàng chửi bới, mạt sát người thi hành công vụ, đập phá tài sản của đoàn cưỡng chế thuộc UBND xã Tóc Tiên (Bà Rịa-Vũng Tàu); đánh khách hàng đến nhập viện để lấy lòng “người anh nuôi vĩ đại”.
Chưa dừng lại ở đó, nối tiếp phương châm “la và chửi”, Luyện lại lên mạng xã hội phát ngôn xúc phạm chủ tịch, công an xã và bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, Luyện còn hùng hồn bác bỏ hết mọi thứ, kể các các văn bản quy phạm pháp luật. Luyện luôn cho rằng chỉ có Alibaba là làm đúng, còn tất cả đều sai. Chính vì vậy mà mặc dù nhiều nhân viên Alibaba lần lượt bị bắt nhưng mức độ trung thành của các “tín đồ” Nguyễn Thái Luyện thì vẫn còn đó.
Thậm chí, họ còn chờ đợi Thái Luyện “xử lý” những người nào dám đụng đến Alibaba. Ngay cả khi Lĩnh bị bắt và Luyện bị tạm giữ hình sự thì nhiều nhân viên vẫn còn ảo tưởng rằng Luyện không làm sai và ào ạt “giải cứu” Luyện trên mạng xã hội. Cách đây ít hôm, khi Luyện chính thức bị bắt tạm giam, nhân viên của Luyện mới thật sự tịt ngòi, tháo chạy khỏi công ty và kể cả trên mạng xã hội...
Tuyệt chiêu “PR ngược”
Luyện có tài giỏi không? Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong lúc trà tử tửu hậu. Và rồi họ cũng đã tự trả lời là “quá giỏi” đi chứ. Bởi lừa một người đã khó, lừa đến 6.700 người và hàng ngàn nhân viên thì không thể không gọi là “kỳ nhân”. Có điều, trong trường hợp của Luyện dùng từ xảo quyệt thì đúng hơn.
Chiêu đầu tiên của Luyện sử dụng là đánh vào tâm lý ngàn đời nay của người bị lừa đó là lòng tham. Trong khi lãi suất gửi ngân hàng cao lắm mỗi năm cũng được vài phần trăm còn gửi tiền cho Luyện (thông qua hình thức mua nền đất) những trên dưới 30% lãi suất thì ai mà không ham. Nhiều người biết Luyện đang lừa đó nhưng không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền.
Rồi khi báo chí đăng tải, cơ quan điều tra vào cuộc, họ cũng sợ (mất tiền) đấy nhưng không tố cáo với hy vọng Luyện sẽ lừa lấy tiền người mới để trả cho mình. Mặt khác, với tuyệt chiêu “PR ngược”, Luyện đã biến bao nhiêu thứ xấu xa nói về mình lại trở thành công cụ ngày càng tâng bốc Luyện lên.
Luyện “ma” ở chỗ không giấu giếm bất cứ những sai phạm nào của công ty bị phanh phui. Thậm chí Luyện còn “chém gió” đưa ra diễn cảnh xấu hơn và đề ra giải pháp một cách hoàn hảo như Luyện là nhà tiên tri vậy. Luyện nói trước hàng ngàn khách hàng, báo càng viết nhiều càng tốt, cơ quan vào càng nhiều càng hay.
“Nhiều doanh nghiệp bị báo viết 1-2 bài là đã phá sản, còn Alibaba đã có hơn 2.000 bài báo mà có ăn thua gì đâu. Alibaba càng ngày càng lớn mạnh vì chúng tôi sống bằng sự chân thành, bằng sức mạnh nội tại, bằng thực lực của mình. Alibaba là vàng thật nên không sợ lửa. Kể cả khi tôi bị bắt thì Alibaba vẫn phát triển vững mạnh vì tôi đã tính toán hết rồi, không ai bị mất tiền từ Alibaba. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp quý vị giàu lên từ bất động sản” - Luyện tuyên bố chắc nịch.
Những lời nói có cánh, “chắc như đinh đóng cột” của Luyện thật ra không phải ai cũng tin nhưng qua đó các nạn nhân mơ hồ rằng có thể Luyện đã được ai đó “chống lưng” nên mới mạnh miệng đến như vậy. Đến khi Luyện bị bắt thật sự, chỉ ít ngày thôi, trụ sở chính, chi nhánh Alibaba đã không một bóng người, mặt bằng bị người thuê lấy lại. Khi nhận ra chân tướng của Luyện, các nạn nhân chỉ còn biết than trời và giải pháp duy nhất hiện thời là tố cáo Luyện đến Cơ quan công an.
Tuyệt chiêu “PR ngược” còn được Luyện lưu lại trên trang 128 của quyển “Cẩm nang quản lý sale”. Luyện viết: “Nhờ bị đuổi việc nên tôi mới mở Công ty Alibaba; nhờ có nhiều người vu khống công ty ma nên tôi được cơ quan báo chí thanh minh. Nhờ cụm từ “địa ốc Alibaba lừa đảo, rửa tiền” mà Google hiển thị công ty của tôi nhiều hơn. Nhờ có nhiều người tố cáo phân lô trái phép mà tôi có cơ hội làm việc với lãnh đạo các tỉnh, từ đó địa ốc Alibaba có nhiều quỹ đất và dự án lớn...”.
Đặc biệt, Luyện còn tuyên bố Alibaba là công ty bất động sản lớn duy nhất ở Việt Nam không phải đi vay ngân hàng. Luyện nói không sai vì Luyện lừa đảo lấy tiền của nạn nhân bỏ túi chứ đâu phải bỏ tiền ra đầu tư mà phải đi vay?!
Cũng ở sách này, trong lời nói đầu, Luyện cho biết, lý do viết quyển sách này vì “Câu chuyện phát triển thần tốc của Alibaba khiến cho các bậc đàn anh ngỡ ngàng. Nhiều người không lý giải nổi thì cho rằng công ty phát triển ảo, đa cấp, rửa tiền... và bất kỳ lý do gì khác để hợp lý cho việc không lý giải được về sự phát triển thần tốc của Alibaba”.
Nhưng đó là trước đây thôi. Còn bây giờ, Cơ quan điều tra sẽ lý giải điều đó!
Dân trí (Theo Mã Hải/An ninh thế giới)

Có thể bạn quan tâm