Phóng sự - Ký sự

Ma túy-những câu chuyện khốc liệt-kỳ 3: "Tam giác vàng" ở Tây Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình) đến Lóng Luông (Sơn La) chỉ có một con đường độc đạo sang Lào. Đây chính là con đường ma túy khét tiếng với những vụ án vận chuyển hàng trăm bánh heroin như vụ Tàng Keang Nam.


Đại tá Phạm Văn Trực, trưởng Công an huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), chỉ tay lên bản đồ huyện Vân Hồ và các vùng giáp ranh và cho biết như vậy.
 

Đại tá Phạm Văn Trực, trưởng Công an huyện Vân Hồ (Sơn La), kể về sự hình thành “tam giác vàng” Hang Kia - Pà Cò - Lóng Luông.

Con đường độc đạo

Từ Mai Châu đi vào phải qua địa bàn xã Pà Cò rồi mới đến Hang Kia. Pà Cò cũng là địa danh nổi tiếng về các đối tượng liên quan đến ma túy. Trong năm 2015 có đến sáu vụ án ma túy liên quan đến người dân của xã Pà Cò. Lãnh đạo Công an huyện Mai Châu nói rằng vài năm nay những vụ án ma túy liên quan đến Pà Cò đã giảm đi nhiều.

“Giờ thì không còn ai trồng nữa nhưng Pà Cò, Hang Kia lại trở thành điểm trung chuyển ma túy từ Lào vào nội địa. Nhiều người dân ở Pà Cò đã bị kết án, bị truy nã về tội danh liên quan đến ma túy rồi” - Sùng A Chênh, phó chánh Văn phòng huyện ủy Mai Châu (Hòa Bình), nói.

Đại tá Phạm Văn Trực nói về con đường độc đạo mà những người buôn bán ma túy đã sử dụng để vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam, đó chính là con đường của Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình) sang Lóng Luông (huyện Vân Hồ, Sơn La).

Do là đường độc đạo, địa hình hiểm trở nên những người buôn bán ma túy thường sử dụng dân địa phương vận chuyển ma túy bằng đường bộ từ Lào về Việt Nam. Sau đó, từ Lóng Luông hoặc Hang Kia hàng sẽ được chia nhỏ mang về miền xuôi tiêu thụ.

“Việc lập chuyên án để vây bắt các đối tượng này trên đường vận chuyển là rất vất vả, khó khăn, bởi tất cả người vận chuyển đều được trang bị súng và lựu đạn. Sơ sểnh là có thể bị tấn công ngay lập tức” - đại tá Trực nói.

Theo lời kể của đại tá Trực, “vùng ma túy” Lóng Luông (với hai bản Lũng Xá - Tà Dê) được hình thành chưa lâu, khi các vùng ma túy khác ở Điện Biên bị triệt hạ. Những kẻ buôn bán ma túy đã nhằm vào những người dân tộc Mông ở hai tỉnh này để mua chuộc họ trở thành người vận chuyển và tàng trữ ma túy. Dần dần một số người nhờ vận chuyển trót lọt mà có tiền, lại trở thành người buôn bán, tàng trữ ma túy ngay trong nhà mình.

Dây mơ rễ má

Để đưa được ma túy từ Lào về Việt Nam, những người buôn bán thường thuê người vận chuyển qua đường rừng. “Ba xã Hang Kia, Pà Cò, Lóng Luông giáp nhau, dù là hai tỉnh khác nhau nhưng đối với người Mông sinh sống ở khu vực này không chia địa giới hành chính. Có thể chính anh em, bạn bè, họ hàng là những người hướng dẫn cho nhau đi vận chuyển hoặc buôn bán ma túy” - đại tá Trực nói.

Ông Trực vốn là phó trưởng Công an huyện Mộc Châu trực tiếp phụ trách về án ma túy trên địa bàn, sau này một phần Mai Châu được tách ra thành huyện Vân Hồ, ông Trực làm trưởng Công an huyện Vân Hồ.

Vậy nên với các hộ gia đình sống ở Lóng Luông, ông thuộc như lòng bàn tay: “Vì địa hình hiểm trở, quan hệ của người dân dây mơ rễ má và phần lợi do ma túy mang lại lớn quá, nên nhiều người bất chấp tất cả để tham gia các đường dây. Nghèo thì họ vận chuyển, mỗi chuyến vận chuyển như vậy bằng đi nương rẫy cả năm trời. Khi họ vận chuyển thì sẵn sàng dùng mọi cách để bảo vệ hàng của mình” - đại tá Trực nói.

Để bảo vệ được nguồn hàng lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến, mỗi người vận chuyển (bằng balô) nếu mang được 20 bánh heroin sẽ được phát một cây súng và hai quả lựu đạn. Họ đi bộ luồn qua những tảng đá cao, xuống những vực sâu để đưa hàng về Việt Nam.

“Chỉ cần gặp người lạ, không phải là người dân ở vùng là họ xả súng. Hơn nữa, họ rất linh hoạt về thời gian vận chuyển, không ai biết được họ sẽ đi qua ngọn núi nào, vào giờ nào nên công tác trinh sát nắm tình hình rất khó khăn, vất vả. Nếu không cẩn thận, mất mạng như chơi” - ông Cà Văn Nghĩa, Công an huyện Vân Hồ, kể.

Lén lút sử dụng súng kíp

46 đối tượng đang bị truy nã ở Lóng Luông đều nằm trong những đường dây buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy mà công an các tỉnh thành trong cả nước đã phát lệnh truy nã. Khi có lệnh truy nã gửi về địa phương, họ trốn trên rừng và sống bằng sự bao bọc của người thân hoặc những người có quan hệ dây mơ rễ má.

Ông Lò Văn Đạt, Công an huyện Vân Hồ, nói rằng địa bàn quá rộng và quá phức tạp nên những người buôn bán ma túy tận dụng để cất giấu ma túy. Hơn nữa, một số bản ở Lóng Luông, trừ cán bộ địa phương có thể vào được đến bản, còn người lạ không thể nào tiếp cận.

Ông Sùng A Thào, người đã có 25 năm gắn bó với công việc trưởng công an xã ở Lóng Luông, nói rằng ông biết nhà nào đã giàu lên bất chính, mua xe, sắm sửa đồ dùng và đi chơi, nhưng không thể biết lúc nào người ta giữ ma túy trong nhà. Và nếu có nghi ngờ cũng không có cách gì xác tín được.

“Bây giờ Lóng Luông có ba bản có nhiều đối tượng đang bị truy nã. Đến mình đi vào làng cũng không dám mặc quân phục công an xã, chỉ dám mặc đồ bình thường thôi. Mình vào nói chuyện với họ thì không sao, nhưng nếu mặc đồ công an hoặc dẫn người lạ vào là họ nổ súng. Nổ súng nhiều lần lắm rồi”.

Hỏi ông Thào sao súng lại phổ biến như vậy, ông bảo trước đây bà con tự làm lấy súng kíp để săn bắn và canh nương, coi như một thứ vũ khí bảo vệ mình và gia đình, sau này Nhà nước tịch thu nhưng họ vẫn giấu trên rừng và lén lút sử dụng.

Người buôn bán ma túy cũng tự sắm các loại vũ khí cho mình nữa nên số lượng vũ khí trong dân luôn được cất giấu và sẵn sàng gây sát thương. “Họ không muốn người lạ vào bản, nếu tôi có vào cũng chỉ để hỏi thăm gia đình, chứ nếu tuyên truyền vận động họ đừng dính đến ma túy thì họ không nói chuyện nữa” - ông Thào kể.

Theo tuoitre

Những “biệt khu” giữa bản

Không chỉ có ngôi nhà của Vàng A Khua mới được xây bọc bằng những hàng rào bêtông cao tới 2m vây bọc lấy diện tích khoảng 5.000m2, mà còn nhiều ngôi nhà khác được xây dựng như biệt thự giữa những bản làng heo hút. Họ không chỉ xây nhà, nuôi chó dữ, làm rào thép gai mà còn lắp camera từ đầu bản đến cuối bản.

“Để nếu người lạ xuất hiện ở bản, họ sẽ bắn súng cảnh cáo. Nếu tiếp tục vào từ những cánh rừng, sau những tảng đá gần lối đi sẽ có những tay súng nã đạn vào người lạ” - đại tá Phạm Văn Trực nói về những ngôi nhà khép kín của người Mông ở vùng cao nguyên này.

Ông Nguyễn Văn Long, một người chủ thầu xây dựng ở Sơn La trước đây đã từng xây những ngôi nhà và tường rào trong Lóng Luông, kể rằng: Họ trả rất nhiều tiền để xây nhà, xây hầm. Có những ngôi nhà có căn hầm kiên cố và đầy đủ tiện nghi. Nhưng đến người nấu ăn cho cánh thợ, họ cũng kiểm tra và đề phòng. Đến thức ăn cho cánh thợ xây, họ cũng thận trọng.

Bây giờ ở Lũng Xá, Tà Dê mỗi bản có hàng chục ngôi nhà được xây dựng biệt lập như thế. “Mỗi ngôi nhà được xây dựng như một lâu đài cùng với sự bảo vệ của chính những người họ hàng thì người ngoài không thể nào lọt được vào bản doanh của họ” - ông Long cho biết.

Có thể bạn quan tâm