Phóng sự - Ký sự

Ma túy - Những câu chuyện khốc liệt - Kỳ 5: Trinh sát trong đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Là vùng trung chuyển ma túy lớn của khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và cả Thanh Hóa) nên “tam giác vàng” ma túy (Lóng Luông, Hang Kia và Pà Cò) cũng trở thành địa điểm cho những cuộc trinh sát bắt ma túy làm việc vất vả.

Ông Cà Văn Nghĩa (công an huyện Vân Hồ, Sơn La) hỏi thăm bà con người Mông sinh sống tại Lóng Luông và vận động bà con không cấu kết với tội phạm ma túy - Ảnh: Mai Vinh
Ông Cà Văn Nghĩa (công an huyện Vân Hồ, Sơn La) hỏi thăm bà con người Mông sinh sống tại Lóng Luông và vận động bà con không cấu kết với tội phạm ma túy - Ảnh: Mai Vinh


Mật phục đường rừng, vách đá

Nếu hỏi lực lượng cảnh sát hình sự ở Hòa Bình và Sơn La xem công việc gì đối với các anh là vất vả nhất thì đều nhận được câu trả lời: trinh sát án ma túy!

Lý do là phát hiện gia đình các đối tượng buôn bán hoặc liên quan ma túy không khó, bởi nhìn vào không thấy họ đi những chuyến dài, không làm ăn buôn bán hay sản xuất gì ra tiền mà vẫn xây lô cốt, nhà lầu và sắm xe sang là có thể đoán biết phần nào.

Thế nhưng chứng minh người ta liên quan ma túy lại là chuyện khác.

Đó là những chuyến đi dài, nhiều hiểm nguy và khó khăn. Một cán bộ điều tra Công an huyện Mai Châu kể.

Khi nhận được lệnh đi trinh sát một “chuyến hàng” chuẩn bị vào Việt Nam, các trinh sát phải rời nhà cả chục ngày. “Chỉ kịp thông báo với gia đình là đi công tác, còn đi đâu, đến bao giờ, khi nào thì không ai biết. Đi cả chục ngày trời chẳng có điện thoại để nhắn tin” - một cán bộ điều tra Công an huyện Mai Châu cho biết.

Giở ra những đồ đạc mà một cán bộ điều tra làm công tác trinh sát phải mang theo như chiếc áo giáp sắt nặng 11 kg, mũ sắt, giày ủng, súng đạn, một balô nước uống và lương khô, vị cán bộ điều tra này nói: “Ngày mùa đông mà không mưa còn đỡ khổ, chứ ngày nắng mặc áo giáp thì người đổ mồ hôi từ tóc xuống chân. Còn ngày mưa thì ướt nhẹp triền miên từ ngày này sang ngày khác”.

Và hành trình của các điều tra viên làm công tác trinh sát là những lần vào rừng lội suối mà đi: “Không được đi đường người dân vẫn đi, họ sẽ phát hiện và báo động về bản, nhiều người dân bị lợi dụng trở thành tai mắt của những người vận chuyển hoặc buôn bán ma túy. Vậy nên cứ đường rừng, vách đá mà bám”.

Khi chọn được địa điểm phù hợp để “nằm ổ”, người làm công tác trinh sát phải ém mình mật phục. Ngày một, ngày hai và thậm chí ngày thứ 10, qua rất nhiều đêm dài giữa rừng. Không tắm gội, không cạo râu, không rửa mặt và không thay quần áo.

“Cùng lắm thì mang mấy cái quần lót, cũng có khi mưa ướt hết chẳng thay. Nếu không có sức khỏe là ốm hết”-ông Cà Văn Nghĩa, điều tra viên Công an huyện Vân Hồ (Sơn La), kể và cười.

“Khổ vậy nhưng mà lâu lâu không đi thì “nhớ lắm như nhớ vợ vậy” - ông Nghĩa nói.

Khi đi trai tráng, khi về như... ma lem

Công việc trinh sát, ngoài việc cái miệng phải im, đến chỗ nằm cũng chỉ biết bẻ lá cây rải xuống rồi xếp đá xung quanh làm thành cái lô cốt. Mỏi quá thì cuộn người lại trong cái lô cốt con con ấy, cái lưng được ngả xuống một tí thì cái tai phải dỏng lên để nghe.

“Áp tai xuống đất thì nghe được những âm thanh ở xa hơn là nghe bình thường. Tai phải tập trung hết cỡ vì cơ hội chỉ có duy nhất một lần” - ông Nghĩa kể.

Việc mật phục như vậy được thực hiện đến khi nào đoàn vận chuyển hàng xuất hiện. Đây là chuyến mật phục nhớ đời của ông Lò Đạt, công an huyện Vân Hồ: “Lần ấy tôi phải phục ở vị trí cách con đường mòn họ đi qua chỉ 4m.

Phải nằm rạp xuống, không dám ngẩng đầu lên nhìn. Để đoán được có bao nhiêu người qua thì đếm bước chân đi do tiếng chân bước truyền đến tai. Đoàn ấy có bảy người, đi cách nhau đều 5m, mỗi người một balô bánh heroin và trên tay mỗi người đều có súng. Chỉ cần tôi thở mạnh, bất cẩn là có thể mất mạng”.

Khi bước chân cuối cùng đã khuất sau dãy núi và cách chỗ tôi chừng nửa cây số thì mới báo với vị trí thứ hai. Lúc ấy nhiệm vụ của chúng tôi mới xong. Việc bắt và tấn công thế nào là công việc của đội khác”.

Ông Đạt là người dân tộc Thái, đã vào ngành được hơn chục năm, kể những lần về nhà thì gặp cảnh oái oăm này: “Có bữa đi trinh sát về người nhà tưởng giặc cướp ở đâu. Khổ nhất là có ông đi về, sà vào ôm con khiến con khóc thét lên, phải đến nhiều ngày sau mới làm quen lại”.

“Cái nghề gì mà nguy hiểm, khi đi trai tráng, khi về như... ma lem” - một đồng đội khác của ông Nghĩa nói thêm.

Đối diện với đối tượng tinh ranh, xảo quyệt và thông thuộc địa bàn, sự hi sinh của các điều tra viên là rất lớn.

Đại tá Nguyễn Văn Trực, trưởng Công an huyện Vân Hồ, cho biết: “Nhiều vụ mật phục cả chục ngày không có kết quả, các đối tượng di chuyển không theo một đường lối nào, mỗi chuyến đi một kiểu.

Có lần xong chuyên án, anh em trở về đơn vị, nhìn mọi người mà hết sức xót xa. Đến nay lực lượng công an ở Vân Hồ được trang bị thiết bị hiện đại và đầy đủ nhất so với các tỉnh thành, nhưng phương tiện chỉ là một phần, quan trọng vẫn phải là chủ động giữ gìn sự an toàn cho anh em”.

“Khi anh em đi trinh sát vào mùa hè, nếu mặc áo giáp vào, quần áo đầu tóc ướt sũng như vừa lội suối lên. Vừa mang vác vừa di chuyển là hết sức nặng nhọc, nhất là những lúc phải trèo đèo, lội suối. Nhưng công việc đã vậy rồi” - đại tá Trực nói và cho rằng đối diện với công việc khó khăn và nguy hiểm này, càng được trang bị tốt cho anh em thì rủi ro xảy ra càng ít.

Sống trong dân

Công việc khó khăn, vất vả và nguy hiểm rình rập, sơ suất có thể dẫn đến mất mạng, nhưng những người làm công tác điều tra, trinh sát ở Công an huyện Vân Hồ luôn phải bình tĩnh. Các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam thường không theo quy luật nào, có trăm phương ngàn kế để qua mặt trinh sát điều tra.

“Ví như nghi người ta bỏ vào xe mận, mà cái xe tải mấy chục tấn. Máy móc chưa đủ hiện đại để phát hiện, vậy nên chỉ có cách kiểm tra thủ công, có khi mất cả ngày nhặt lên nhặt xuống, đổ ra kiểm tra. Lực lượng kiểm tra thì mỏng, vậy nên phải có công tác trinh sát và gây dựng lực lượng để họ thông tin cho mình thì mới làm việc được” - đại tá Trực nói.

Thiếu tá Hoàng Hải (Công an tỉnh Hòa Bình) đã có cả năm trời “nằm vùng” ở Hang Kia để thực hiện các chuyên án phòng chống tội phạm: “Mình ở lâu đến nỗi có người Mông đặt cho mình tên là Khà A Hải”.

Ông Hải có thâm niên ở với người Mông cả năm trời, học tiếng Mông, làm quen với phong tục tập quán của người Mông và cũng để gắn kết lại mối quan hệ với người dân địa phương.

Ông Hải kể: “Lúc đầu có khó khăn khi tiếp cận người dân địa phương. Thoạt đầu người dân biết mình là công an nên đề phòng. Họ sợ và cũng không thích mình. Vậy nên chỉ có một cách là sống cùng họ, để họ thấy ai làm sai mới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn ai làm ăn lương thiện thì chẳng ai dám động vào”.

Mặc trang phục người Mông, hằng ngày lên rẫy làm nương, về nhà ăn ngô bung, ăn sắn luộc cùng người Mông, thiếu tá Hải đã gầy dựng được những cơ sở thân tín.

Và “mưa lâu ngày thấm đất”, người dân hiểu ra những lời người buôn bán ma túy nói xấu cán bộ là để người Mông xa cách với cán bộ, nhằm tiện bề cho họ phạm pháp mà thôi.

Đầu tháng 3 này, có một cuộc truy bắt nghi phạm vận chuyển 100 bánh heroin với những giây phút cân não ở Hòa Bình. Nhiều tiếng súng đã nổ...

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm