Phóng sự - Ký sự

Mai này ai hát sử thi? -Bài 3: Gìn giữ sử thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đau đáu trước nguy cơ sử thi Tây Nguyên thất truyền, nhiều người con Tây Nguyên âm thầm bỏ tiền túi ngày đêm xuống làng bản tìm nghệ nhân hát kể sử thi để ghi âm, thuê người dịch và in thành sách để bảo tồn. Họ còn kêu gọi bạn bè ủng hộ tiền để chung tay giúp đỡ những nghệ nhân nghèo khó.


Góp tiền “trả lương” cho nghệ nhân

Một trong những người được đồng bào dân tộc Ba Na hay nhắc tên là ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai. Ông Tuệ bảo: “Đúng là tôi hay xuống nhà nghệ nhân thật. Có lẽ công việc đã chọn tôi và tôi cũng yêu thích công việc đó. Với tôi, sử thi là viên đá có cuộn ngọc, cuộn vàng bên trong nên rất quý. Sử thi Bahnar được lưu giữ trong đầu các nghệ nhân, mà những người này đều đã già, trong khi lớp trẻ không chịu học, không còn đam mê. Tôi yêu quý sử thi và sẽ rất buồn nếu loại hình này bị mất đi. Nghĩ thế, tôi quyết định tự gom các bài hát kể sử thi đang “ghi” trong đầu các nghệ nhân để tự mình cất giữ, khi có điều kiện sẽ dịch thuật, in sách đưa ra cộng đồng”.

 

Nghệ nhân K’lung - người duy nhất còn giữ trong lòng 20 bài sử thi chưa thu băng.
Nghệ nhân K’lung - người duy nhất còn giữ trong lòng 20 bài sử thi chưa thu băng.

Khoảng 30 năm trước, chàng thanh niên Nguyễn Quang Tuệ mang ba lô rong ruổi đến nhà các nghệ nhân hát kể sử thi, nhờ họ kể lại để ghi âm. “Nhà họ khá xa nhà tôi, thậm chí cách nhau cả 100 km, đường lại khó đi. Hồi đấy phương tiện ghi âm rất khó kiếm, tôi dành dụm lắm mới mua được cái máy cassette. Do mỗi bài sử thi rất dài, các nghệ nhân không thể kể hàng ngày, hàng đêm nên vừa ghi vừa chờ nghệ nhân, vì thế phải mất nhiều ngày mới ghi xong. Những bài sử thi ghi được bằng băng, tôi mang về cất trong thùng xốp cẩn thận. Sau này khi có điều kiện mua máy ghi âm và máy quay chuyên dụng, việc sưu tầm dễ dàng hơn một chút. Ghi âm xong rồi chẳng lẽ để đấy, nếu để lâu cuốn băng ghi sẽ mốc meo, hư, tôi quyết định sẽ dịch và in ra sách các bài hát sử thi đã ghi âm”, ông Tuệ cho hay.

Để in sách sử thi Bahnar, việc đầu tiên ông Tuệ làm là tìm đến những người rành dịch thuật và tuyển chọn ra những nghệ nhân phù hợp. Để dịch hiệu quả hơn, có thời điểm ông đưa người dịch xuống làng cùng nghe nghệ nhân hát. Phải mất thời gian dài, thậm chí cả năm trời mới dịch xong một bản sử thi. Sau đó, mới đem in thành sách. Đến nay, ông Tuệ đã in được 10 cuốn sách sử thi Bahnar, trong đó có cuốn kinh phí do nhà nước hỗ trợ, có cuốn do ông tự bỏ tiền ra in. Riêng cuốn sử thi mới in gần nhất, ông in 500 cuốn với giá 60 triệu đồng, đến nay chỉ mới trả tiền in 15 triệu đồng, số tiền còn lại đang nợ. “Sách in ra không bán được. Tôi biết thế, nhưng công sức sưu tầm, dịch thuật thì phải in để cộng đồng biết đến sử thi”, ông chia sẻ. Đến nay, ông đã ghi âm hàng trăm bài hát kể sử thi và hiện vẫn đang tiếp tục công việc này.

Không chỉ sưu tầm sử thi, ông còn là người khởi xướng chương trình “Chung tay bảo tồn sử thi Bahnar Tây Nguyên”. Chương trình này triển khai được 2 năm với mục đích kêu gọi bạn bè hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân hát sử thi Bahnar. Cầm danh sách ký nhận tiền cũng như hình ảnh trao nhận quà cho các nghệ nhân, ông Tuệ nói: “Hỗ trợ được một ít nhưng cũng đỡ phần nào cho nghệ nhân. Tôi thấy vui lắm”. Theo ông Tuệ, hành động kêu gọi hỗ trợ xuất phát từ việc thấy các nghệ nhân hát kể sử thi đã già yếu, không lao động nặng nhọc được nữa, cuộc sống khó khăn, lại chẳng có chế độ gì.

Một mình không làm được, nhưng nhiều người tham gia sẽ đỡ hơn, thế là ông lên mạng xã hội kêu gọi mọi người giúp đỡ. Cũng may ý nguyện của ông nhận được sự ủng hộ. Hiện ông đã kêu gọi được hơn 105 triệu đồng hỗ trợ cho việc bảo tồn sử thi Bahnar. Với số tiền này, ông và bạn bè dùng để “trả lương” mỗi nghệ nhân 300.000 đồng/tháng. Tổng cộng có 8 nghệ nhân Ba Na hát kể sử thi ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được nhận tiền hỗ trợ. Đây đều là những người tài giỏi, trên 65 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn và chưa được hưởng một chế độ chính sách nào.

Học hát sử thi từ bé

Tiếp tục hành trình đi tìm những người giữ gìn kho báu sử thi M’Nông (còn gọi Ot N’drong), chúng tôi đến xã Đak N’drung (huyện Đak Song, tỉnh Đak Nông) để gặp chị Thị Mai (42 tuổi), con gái của nhà M’Nông học Điểu Kâu. Hiện chị là người duy nhất vừa biết hát, vừa biết dịch Ot Ndrong ra tiếng Việt. Chị đang tiếp tục hoàn thành công việc còn dang dở của bố mình để lại và ngày đêm mong ước thành lập trường dạy hát Ot Ndrong cho lớp thanh niên M’Nông.

Căn nhà truyền thống của người M’Nông mà vợ chồng chị Điểu Thị Mai và 5 đứa con sinh sống là căn nhà xây bốn gian, nhờ công sức lao động cả đời của nghệ nhân Điểu Kâu. Trong ngôi nhà này, mỗi một căn phòng, mỗi bức tường, mỗi góc làm việc đều gợi ra bóng dáng của nghệ nhân Điểu Kâu. Chị Điểu Thị Mai là con gái duy nhất của cố nghệ nhân Điểu Kâu và cũng là một trong những học viên xuất sắc nhất của lớp học sử thi M’Nông do nghệ nhân Điểu Kâu truyền dạy năm 1993. Chị Mai nhớ lại: “Hồi ấy tôi mới học lớp 6, bố không cho học vì tuổi còn nhỏ nhưng tôi cứ nằng nặc xin học, thế là cuối cùng bố tôi cũng chấp thuận. Lớp có 15 học trò, nhưng chỉ có mình tôi dần nghe được và hiểu được sử thi M’Nông. Từ đó, bố kèm tôi liên tục 3 năm, bố tôi đọc sử thi bằng tiếng M’Nông còn tôi thì viết ra, nhưng lúc đó tôi chưa biết dịch sang tiếng Việt”.

Bây giờ chị Mai không chỉ nghe và viết sử thi bằng tiếng M’Nông mà còn có thể dịch ra tiếng Việt thành thạo. Đối với chị Mai, Ot Ndrong là niềm đam mê vô tận mà chị được thừa hưởng từ cha. Chị đã nghe sử thi rất nhiều từ cha mẹ và cả từ bác Điểu K’lứt và chú Điểu K’lung - hai nghệ nhân thuộc Ot Ndrong nhiều nhất ở làng. Từ năm 2005 đến nay, chị Mai đã nghe băng sử thi được thu từ chú Điểu K’lung và viết ra văn bản bằng tiếng M’Nông 3 tác phẩm: Tiăng bắt những kẻ lấy trộm ché quý, Lấy hồn người chết đi, Sung trang đi đầu thai. Bây giờ, chị Mai trở thành người duy nhất và đầu tiên thuộc lớp trẻ đồng bào M’Nông có khả năng nghe, hát, biên soạn và biên dịch Ot Ndrong.

 

Ông Nguyễn Quang Tuệ trò chuyện với nghệ nhân hát sử thi Bahnar.
Ông Nguyễn Quang Tuệ trò chuyện với nghệ nhân hát sử thi Bahnar.

Khát khao truyền dạy sử thi

Trong căn phòng cố nghệ nhân Điểu Kâu từng làm việc, những tư liệu cả cuộc đời ông sưu tầm, biên soạn và biên dịch được để ngăn nắp, trang trọng. Chị Mai mang cho tôi xem những công trình cuối cùng của bố chị, mà hầu hết trong đó đều đang dưới dạng bản thảo. Vừa vuốt lại những mép giấy quăn, chị Mai vừa rưng rưng: “Đây là tất cả những gì mà bố muốn để lại cho con cháu!”. Những công trình tổng kết cả đời làm việc, nghiên cứu của nghệ nhân Điểu Kâu: Từ điển M’Nông - Việt; Kho tàng Tục ngữ - ca dao M’Nông; Dân ca M’Nông; Gia phả M’Nông. Chị Mai trăn trở: “Trước khi bố tôi mất, ông còn làm dang dở tác phẩm sưu tập tục ngữ, ca dao, dân ca, gia phả của người M’Nông đã và đang sinh sống từ Bình Phước đến Đak Lak, Đak Nông. Đây là những tác phẩm mà lúc sinh thời bố tôi phải bỏ nhiều công sức, lặn lội đi khắp các buôn làng mà người M’Nông sinh sống để sưu tầm. Bố tôi cũng đang làm dang dở 2 tác phẩm sử thi M’Nông và 50 tác phẩm sử thi M’Nông chưa được ghi băng để biên soạn và biên dịch sang tiếng Việt”.

Trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm của cố nghệ nhân Điểu Kâu về Ot Ndrong, có 120 sử thi đã được thu băng và 40 bài sử thi được biên soạn ra tiếng M’Nông, sau đó biên dịch ra tiếng Việt. Chị Mai tâm sự: “Trách nhiệm của tôi phải tiếp tục biên soạn và biên dịch 80 bài sử thi còn lại. Đáng lo nhất còn 20 bài sử thi chưa thu băng của chú K’lung thuộc nằm lòng, nhưng bây giờ mắt chú mờ, sức khỏe bắt đầu yếu, nếu như không ghi băng sớm thì nguy cơ sẽ mất những bài sử thi này khi chú K’lung qua đời. Bố tôi đã từng nói, số người hát kể sử thi được ngày càng ít đi. Nếu không nhanh chân thì lớp người M’nông sau này sẽ mất hết của để dành quý báu của cha ông”. Chúng tôi hỏi, vì sao chị không tiếp tục thu băng? Chị cho biết: “Năm 1995, Viện Nghiên cứu văn hóa có yêu cầu chú K’lung hát kể Ot Ndrong và thu băng với giá 150.000 đồng/băng, một bài sử thi phải sử dụng ít nhất từ 5 băng đến 25 băng. Bây giờ, điều kiện cuộc sống của tôi bận rộn con nhỏ, phải lên nương rẫy kiếm lúa, kiếm thóc nuôi con và cũng không có tiền để nhờ chú K’lung hát thêm được nữa…”.

Tạm biệt chúng tôi, chị Mai mong ước: “Lớp trẻ M’Nông bây giờ không biết hát, không biết nghe Ot Ndrong, nhưng tôi biết, nếu như có lớp dạy hát kể Ot Ndrong thì thanh niên đồng bào M’Nông sẽ tham gia học rất đông. Chỉ mong Nhà nước quan tâm, mở trường dạy hát sử thi và tạo điều kiện cho tôi thu băng 20 bài Ot Ndrong còn lại từ chú K’lung để tránh nguy cơ mất dần sử thi M’Nông và để tôi hoàn thành tâm nguyện của bố”.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm